Có hai “con rồng” ở hai vùng đất
Năm Giáp Thìn, nói chuyện Rồng thì hợp lẽ rồi. Nhưng lâu rồi tôi vẫn tâm đắc với một điều, ấy là chuyện về hai con người sinh hạ vào năm Rồng và có sự nghiệp rất lớn lao ở tỉnh Nghĩa Bình tức là hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay. Tức là gì? Tức là tự cái thời Nghĩa Bình, quê hương ta đã là “đất Võ trời Văn”… Chuyện vui vui ấy xin kể ra đây.
Có một con Rồng quê ở Quảng Ngãi…
Rất ít người còn nhớ Trương Định (1820 - 1864), hay Trương Công Định quê ở Quảng Ngãi. Ông quê ở làng Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông sinh năm Canh Thìn - 1820, là võ quan nhà Nguyễn, thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859 - 1864.
Cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của Bình Tây đại nguyên soái Trương Định vang danh khắp Nam Kỳ, khiến thực dân Pháp phải tập trung lực lượng đối phó trong 5 năm liền. Chỉ tới khi Trương Định bị tên phản bội Huỳnh Công Tấn sát hại bằng cách bắn sau lưng, thực dân Pháp mới có cơ hội dẹp tan cuộc khởi nghĩa. Trương Định hy sinh, chiến khu “Đám lá tối trời” ở Vàm Láng bị truy quét, dần tan rã. Sau đó, con trai Trương Định là Trương Quyền tiếp tục cuộc kháng chiến của cha, nhưng không kéo dài được lâu, vì thủ lĩnh Trương Định là linh hồn của cuộc kháng chiến không còn nữa.
Nhân dân Gò Công suy tôn Trương Công Định làm Bình Tây Đại nguyên soái (tranh trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tư liệu của ĐÔNG A).
Năm 1981, khi còn định cư ở Quy Nhơn, tôi đã tập trung viết và hoàn thành bản trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc. Trong trường ca này nổi lên hai nhân vật lớn là lãnh tụ khởi nghĩa Trương Định và nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đó là hai con người vĩ đại, tiêu biểu cho khí chất và sự quật cường của lưu dân Nam Bộ.
Trương Định sinh ở Quảng Ngãi, Nguyễn Đình Chiểu sinh ở Nam Bộ, thuộc huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Trương Định và Nguyễn Đình Chiểu rất thân thiết và ngưỡng mộ nhau, dù một người là tướng quân khởi nghĩa, một người là nhà thơ mù, nổi tiếng với tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Với tất cả lòng yêu kính hai vị tiền nhân và những nghĩa quân lưu dân Nam Bộ, tôi viết trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc. Tác phẩm này đã được nhận Giải thưởng Nhà nước (đợt 1) năm 2001. Xin trích một đoạn viết về “Con Rồng Trương Định” trong trường ca này gửi bạn đọc. Đây là một đoạn độc thoại của Trương Định:
với niềm hy vọng bị bán mua đổi chác
âm thanh run run trong cổ họng cây dừa
chiến hữu thân yêu
ta nghe tiếng kêu xuyên qua màn âm u lừa dối
dù chết các anh vẫn mong ta ở lại
không phải để hiển thánh
nhận một ít hương hoa oản lộc nhị kỳ
các anh đau đớn trên đầu
ta cũng đau ở đó
các anh đau trong ngực sau lưng
nhiều đêm khắc khoải
dưới đất sâu ta cũng chẳng nằm yên được nữa
đâu phải chúng ta liều thân kiếm tìm bất tử hay vinh quang
mùa thu chiếc lá lặng lẽ cháy lên lúc sắp lìa cành
... hãy về đồng bằng nơi chúng ta có tre gỗ làm nhà
có xóm làng nương dựa có tình người ngọn rau tấc đất...
ta có thằng con trai nó sẽ đi với các anh đi tiếp con đường
khắc nghiệt
có thể nó chết mắt chưa nhìn thấy ngày chúng ta thu về
những đất đai đã mất
ngày mỗi người dám sống thực là mình
hãy làm những tấm ván cầu và đừng thoái thác
chính khi gánh nặng đè ta lún xuống mà ta được lên cao
kìa chiếc cầu lao qua bóng đêm dằng dặc
chuông mặt trời rung chuông mặt trời rung
Bây giờ, “Con Rồng Trương Định” đã thành niềm tự hào của vùng đất Quảng Ngãi và của cả đất nước Việt Nam. Còn nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu thì năm 2021 đã được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
... và một con Rồng quê ở Bình Định
Con người ấy là nhà thơ Xuân Diệu. Trương Định là quan võ, Xuân Diệu là nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỷ XX. Một võ của Quảng Ngãi, một văn của Bình Định, thì rõ ràng quê ta thật sự xứng danh “đất Võ trời Văn”!
Nói tới “Con Rồng Thơ” Xuân Diệu thì phải nói ngay tới một bài thơ lừng lẫy của ông, bài Nguyệt Cầm. Nhạc sĩ Cung Tiến đã phổ nhạc bài thơ này từ rất lâu rồi. Ngay khi mới xuất hiện trên thi đàn, nhiều người đã để ý đến Xuân Diệu bởi thơ ông “Tây quá”. Đến Nguyệt Cầm người ta buộc phải hỏi thăm lại, Xuân Diệu - Nguyệt Cầm là ai, và biết mình sẽ phải liên tục nhắc đến Xuân Diệu sau này nhiều lần nữa. Thật vậy bởi với Nguyệt Cầm, Tây phương Thơ đã hòa hợp với Đông phương Thơ, và con đường của thơ Việt đã đi và đang đi theo tinh thần “hòa hợp” như thế là con đường đẹp của thi ca.
Theo tôi, Xuân Diệu là người dám đổi mới thơ, thơ ông từ chỗ người ta kêu “Tây quá!” thì sau này người ta lại kêu “Ta quá!”. Là bởi thơ Xuân Diệu là “thơ như nói”, rất giản dị, rất dân gian, như lời ăn tiếng nói của mẹ ta, nhưng thơ ông ngay lập tức thấm rất sâu vào lòng người đọc. Đó là một kiểu thơ tự do “rất Xuân Diệu”. Không phải nhà thơ nào khi thành danh, khi đã là một “con Rồng trong thơ” cũng có thể bứt phá, thay đổi thơ mình như thế được.
Thơ Xuân Diệu giai đoạn sau “Thơ Mới” có quá nhiều bài hay. Nhưng ở đây, nếu phải chọn, tôi muốn giới thiệu lại bài thơ có lẽ là cuối cùng của Xuân Diệu. Để tránh chuyện “già hay quên” tôi đã điện thoại hỏi nhà thơ Lệ Thu, người đã đi cùng Xuân Diệu về Tuy Phước trong lần giã biệt quê hương của ông, để xác tín. Chị Lệ Thu và tôi đều nhất trí đó là bài thơ Đêm ngủ ở Tuy Phước được Xuân Diệu viết ngay tại Tuy Phước ở lần về quê cuối cùng ấy, khoảng tháng 8.1985, chỉ trước khi Xuân Diệu vĩnh biệt cõi đời chừng 4 tháng.
Bài thơ này rõ ràng Xuân Diệu viết về quê má Tuy Phước trong lần cuối cùng ông về Tuy Phước. Nhưng người đọc không chỉ thấy Tuy Phước mà còn mường tượng được ra quê xứ Bình Định. Thật kỳ diệu đúng không!
Nhân đây, cho phép tôi đề xuất với tỉnh Bình Định, là bài thơ Đêm ngủ ở Tuy Phước của Xuân Diệu nên được khắc bia đá đặt trong Nhà lưu niệm Xuân Diệu ở Tuy Phước. Đó là bài thơ thật cảm động, xứng đáng là bài thơ cuối cùng mà “Con Rồng Thơ” Xuân Diệu viết về quê mẹ, quê hương Ông yêu thương nhất suốt đời mình.
THANH THẢO