Tết sum vầy, xuân gắn kết
Xuất phát từ khoảng cách thế hệ, quan điểm, góc nhìn về Tết cổ truyền giữa người trẻ với ông bà, cha mẹ có sự khác biệt nhất định. Thế nhưng, thay vì tranh cãi, nhiều người cởi mở, cố gắng thấu hiểu, tìm “tiếng nói chung” để gia đình thêm đầm ấm, sum vầy, hứa hẹn một năm mới tràn đầy niềm vui.
Tết ý nghĩa nhất khi cả gia đình cùng sum họp, đoàn viên. Ảnh: TRẦN ĐÌNH HÙNG
Một gia đình - nhiều kiểu đón Tết
Ngày Tết là dịp cả nhà quây quần bên nhau đón chờ một năm mới hạnh phúc. Thế nhưng, mỗi người lại đón nhận Tết với một tâm thế khác nhau, nhất là giữa người lớn tuổi và người trẻ.
Cho rằng các thành viên nên cùng ở nhà sinh hoạt và trò chuyện vào ngày Tết hơn là “phần ai người ấy chơi”, vợ chồng ông Nguyễn Hồng Minh (SN 1973, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) có sự trái ngược suy nghĩ với con cái. Sự khác biệt ấy ngày càng rõ rệt khi con đến tuổi trưởng thành.
Ông Minh chia sẻ: “Mỗi dịp xuân về, con cái tôi rất háo hức đi chơi cùng bạn bè. Con nói rằng, đó là du xuân, là cách người trẻ đón Tết. Còn với thế hệ của tôi, sẽ thật tuyệt nếu được bên cạnh người thân từ phút Giao thừa và cùng đi thăm ông bà, họ hàng gần xa. Ngoài ra, mâm cơm ngày Tết theo kiểu truyền thống đối với tôi là không thể thiếu. Còn với các con, chỉ cần ngon miệng và tiện lợi là được”.
Gia đình ông Minh bắt đầu thói quen chụp ảnh cùng nhau dịp đầu năm mới từ hai năm nay. Ảnh: NVCC
Sự khác biệt càng rõ rệt hơn ở các gia đình đông thành viên. Là “gạch nối” trung hòa sự khác biệt giữa ba thế hệ, chị Nguyễn Thị Gia Nguyên (SN 1995, ở phường Bình Định, TX An Nhơn) tâm sự, vì là một “9X” đời đầu nên chị có cơ hội trải nghiệm Tết xưa lẫn Tết nay. Do vậy, chị hiểu được mỗi thế hệ sẽ có tâm trạng, quan niệm khác nhau trong dịp này.
“Ngày trước, cuộc sống còn nhiều khó khăn khiến người lớn tuổi hình thành tâm lý lo xa, nhất là trong những dịp trọng đại. Vì vậy, trước Tết gần hai tháng, ông bà, cha mẹ tôi đã bắt đầu sắm sửa. Trong khi đó, người trẻ với quan niệm sống hiện đại, cởi mở hơn nên sẽ đón nhận Tết như dấu mốc nhìn lại một năm cố gắng học tập, làm việc. Do đó, thay vì lo lắng, chúng tôi sẽ vui chơi, tận hưởng hết mình mà không đặt nặng yêu cầu về vật chất”, chị Nguyên nói.
Chị Nguyên (ngoài cùng bên trái) cùng người thân đi chùa hái lộc đầu năm. Ảnh: NVCC
Sự khác biệt còn thể hiện ở phong tục ngày Tết. Trong khi ông bà mặc trang phục lịch sự như đồ vest, áo dài truyền thống, bạn Nguyễn Thị Xuân Dung (SN 1998, ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) lại chọn cho mình bộ áo dài cách tân trẻ trung, hợp với lứa tuổi. Trong khi đó, em trai Dung vẫn diện trang phục năng động như ngày thường.
Dung “bật mí”: “Khác biệt về trang phục là điều dễ nhận thấy nhất. Ngoài ra, còn một điều thú vị khác là trong khi ông bà, cha mẹ, chú bác sẽ mừng tuổi con cháu bằng những bao lì xì rực rỡ; thì 2 - 3 năm nay, anh chị em chúng tôi đã quét mã QR để chuyển khoản. Dù khác biệt ở cách làm nhưng ai cũng vui vì được đón Tết theo kiểu mình muốn”.
Để Tết xưa Tết nay trọn vẹn, vui tươi
Dù có đôi chút “trật nhịp” vì khoảng cách thế hệ, nhưng mỗi thành viên đều ý thức được ý nghĩa của ngày Tết. Bởi lẽ đó, họ chọn cách tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, cố gắng dung hòa để bên nhau trọn vẹn những ngày sum vầy quý giá.
Sau khi ngồi xuống trò chuyện, em Nguyễn Duy Kha (SN 2009, con trai ông Minh) đã hiểu vì sao bố lại muốn các thành viên dành trọn thời gian ba ngày Tết cho gia đình.
“Vì tính chất công việc, bố phải thường xuyên xa gia đình. Do vậy, mỗi ngày ở nhà với bố đều quý giá. Hơn nữa, Tết là ngày đoàn viên nên bố muốn trân trọng từng giây phút bên cha mẹ và con cái. Nghe bố tâm sự, em quyết định sẽ dành trọn mùng 1 Tết cho gia đình. Vào mùng 2, cả nhà sẽ đi thăm họ hàng và cùng chụp ảnh kỷ niệm. Cách làm này dung hòa được mong muốn của cả bố và em”, Kha giải thích.
Tương tự, dù mỗi người một sở thích nhưng đại gia đình chị Nguyên vẫn đặt tổ ấm của mình lên hàng đầu. Họ cùng đi chùa hái lộc, du xuân, sum vầy bên mâm cơm ngày Tết. Đôi khi, cả nhà sẽ lên kế hoạch đi chơi xa để có thêm nhiều ký ức đẹp ngày đầu năm.
Chị Nguyên tâm sự: “Gia đình chúng tôi có chung quan niệm: Bếp ấm sẽ mang lại một năm may mắn. Do đó, các thành viên đều sẵn lòng dành thời gian nấu nướng, thưởng thức các món ăn truyền thống ngày Tết của dân tộc. Tôi nhận ra, dù khác biệt có lớn đến đâu, giữa các thế hệ vẫn sẽ có điểm chung là mong muốn được kề cận bên người thân những ngày xuân về”.
Người trẻ dù sống trong thế giới hiện đại, tiếp nhận quan điểm và nhiều luồng văn hóa đa dạng, song họ vẫn vẹn nguyên sự trân trọng với những tập tục, văn hóa truyền thống. Cầm trên tay tấm ảnh chụp đại gia đình cùng bên nhau nấu bánh chưng ngày Tết, Dung chia sẻ, chỉ vào dịp này, các thành viên mới sum vầy đầy đủ, tâm sự đủ chuyện bên nồi bánh đỏ lửa.
“Truyền thống này của gia đình tôi đã duy trì hơn chục năm nay. Với những người thân học tập, làm việc nơi xa, chỉ Tết mới về nhà, đây là điều không thể thiếu. Ai cũng hạnh phúc và cảm thấy ấm áp. Có lẽ, đây mới thực sự là ý nghĩa của Tết”, Dung nói.
DƯƠNG LINH