Năm Thìn kể chuyện Rồng
Trong số 12 con giáp, rồng là con vật không có thật duy nhất, điều này đúng với cả những nền văn hóa có sử dụng thập nhị địa chi như Việt Nam (Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên…). Trong tâm thức Việt cũng như nhiều dân tộc phương Đông khác, rồng là biểu tượng của tính thiêng, vương quyền. Cũng cần phải nói ngay, một cách mặc định về cơ bản trong văn hóa Việt, rồng chỉ đem lại điềm lành.
Rồng và các triều đại Việt
Trong tứ linh - bốn loài linh thú lớn trong thần thoại, tượng trưng cho sự cát tường, điềm tốt lành - Long, Lân, Quy và Phượng, rồng đứng đầu. Nhìn ở góc độ văn hóa, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật rất lớn, nhất là trong nghệ thuật tạo hình. Rồng bắt đầu xuất hiện một cách rõ ràng như một biểu tượng của vương quyền thiêng liêng từ vương triều Lý, vì thế ngoại trừ hoàng cung và những công trình, vật dụng liên quan đến vua, trừ một vài đền, chùa lớn, còn lại hình tượng rồng gần như không xuất hiện ở đâu nữa.
Phù điêu rồng thời nhà Lý.
Rồng của triều Lý mang cái hồn kiêu hãnh của một dân tộc vừa giành được nền độc lập sau khi Ngô Quyền quật khởi đứng lên, chính thức kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của Việt Nam. Nối tiếp các triều đại Đinh, Tiền Lê - tuy ngắn ngủi nhưng nước ta đã chính thức có mặt trên bản đồ thế giới với tư cách là một nước độc lập.
Nước Việt những năm do nhà Lý dẫn dắt phát triển toàn diện. Hình tượng rồng đời nhà Lý một mặt vẫn tương đồng khá nhiều với nét chung hình tượng rồng của các nền văn hóa Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…, nhưng điểm đặc biệt dễ dàng phân biệt rồng thời Lý với rồng ở các triều đại khác là rồng của thời đại này có thân hình tròn, da trơn và không có vảy. Mặt khác, rồng thời Lý, được xem là biểu tượng rồng thuần Việt nhất so với hình tượng rồng trong các triều đại.
Gần như người Việt nào cũng thuộc lòng truyền thuyết Thăng Long, rằng khi lên ngôi vua, thấy thế đất Hoa Lư chật hẹp, Lý Công Uẩn bèn cho dời đô về Đại La. Trên đường đi, nhà vua thấy có rồng vàng bay lên, cho là điềm tốt, bèn đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Từ đó hình tượng rồng bay lên trở thành biểu tượng rồng phổ biến nhất trong các biểu tượng rồng trong văn hóa Việt.
Rồng thời Trần lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Thân rồng thường mập chắc, tư thế vươn về phía trước. Cách thể hiện rồng không chịu những quy định khắt khe như thời Lý và mức độ phổ biến cũng rộng rãi hơn, xuất hiện khá phổ biến trong những công trình thờ tự của làng xã nhiều hơn.
Đến thời Lê, hình tượng rồng có nhiều thay đổi, rồng xuất hiện trong nhiều tư thế khác nhau chứ không phải chỉ có ở tư thế bay.
Rồng thời Nguyễn tập trung biểu đạt vẻ uy nghi tượng trưng cho uy vũ bao trùm. Đặc biệt, việc sử dụng biểu tượng rồng có quy định rõ ràng, điển hình là chỉ khi dùng cho vua rồng mới có năm móng, ở những không gian còn lại số móng của rồng phải ít hơn.
Là biểu tượng vương quyền, giàu đặc trưng tính thiêng nên rồng được sử dụng nhiều trong trang phục hoàng gia, kiến trúc cung đình, đình chùa. Hình tượng rồng ít nhiều đều có thay đổi theo triều đại nên đây là một chi tiết quan trọng để xác định niên đại các hiện vật, công trình liên quan gắn với biểu tượng.
Tuyệt tác rồng đá điện Kính Thiên là di sản kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ, được công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 12.2020. Ảnh tư liệu
Rồng Việt gần gũi
So với hình tượng rồng của nhiều nền văn hóa khác, như đã nói ở trên về cơ bản trong văn hóa Việt, rồng chỉ đem lại điềm lành và khá gần gũi. Ngay cả khi xuất hiện ở những vùng không gian hẹp như thời nhà Lý thì biểu tượng rồng vẫn khá thân thiện; tuy là biểu tượng của vương quyền, được kính cẩn nhưng trong nhân gian vẫn tạo ra độ chan hòa nhất định với cộng đồng làng xã, không xa cách như các nền văn hóa khác, ví dụ như văn hóa Trung Hoa.
Ở một vài nền văn hóa khác, biểu tượng rồng dù hiếm nhưng đôi khi vẫn hàm nghĩa xấu, đau buồn, tang tóc (rồng trắng), chiến tranh, dịch bệnh (rồng đen), ngược lại trong văn hóa Việt không có nét biểu đạt này. Ngay cả lần gần như duy nhất có chi tiết “rồng chết”, thì đó cũng là một cái chết cao cả, mang lại sự sống cho nhân gian, đó chính là truyền thuyết Người học trò thủy thần.
Tương truyền, vào đời nhà Trần, khi dạy học ở làng Huỳnh Cung, ven sông Tô Lịch, người thầy nổi tiếng Chu Văn An (1292 - 1370, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm; nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) có một người học trò đặc biệt, khi kín đáo tìm hiểu, thầy Chu biết đó là con của thủy thần ở đầm Đại (nay là hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).
Năm ấy trời đại hạn, ruộng vườn khô cạn, cây cối úa vàng, thầy Chu Văn An bèn cậy người học trò kia cứu dân qua cơn nguy khó. Cảm phục đức độ và tấm lòng thương dân của thầy, người học trò thủy thần bèn trái mệnh trời mà làm mưa. Chàng lấy nước mài mực, dùng bút lông nhúng mực vẩy lên trời, vận thần thông hô mưa gọi gió. Lập tức mây đen nổi lên, trời mưa như trút, nước đen màu mực chảy ngập đồng ruộng. Nhưng sau đó người học trò không đến lớp nữa, ở đầm Đại lại có xác một con giao long chết nổi giữa đầm. Cho đây là người học trò của mình đã hy sinh vì dân, thầy Chu Văn An cho người đem xác giao long chôn cất tử tế; người dân địa phương lập miếu thờ, gọi là miếu Gàn, tên chữ là Xá Càn từ (nghĩa là trừ nạn hạn hán, nay thuộc phố Linh Đường, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Để ghi nhớ đức hy sinh cao cả của thủy thần, người dân bảy làng quanh vùng (Bằng Liệt, Tứ Kỳ, Pháp Vân, Linh Đường, Đại Từ, Tựu Liệt và Lê Xá) tôn thủy thần làm thành hoàng, lập đền thờ đến nay.
Khi dời đô từ Hoa Lư về Đại La, trên đường đi vua Lý Công Uẩn thấy có rồng vàng bay lên, cho là điềm tốt, bèn đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. - Trong ảnh: Hoàng thành Thăng Long. Ảnh tư liệu
Gần 700 năm đã trôi qua, nhưng cứ đến tháng Tám âm lịch, người dân quanh hồ Linh Đàm lại tổ chức lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ công đức vị thủy thần vì nghĩa cả hy sinh tính mạng của mình để cứu dân và để tôn vinh đạo thầy trò cao đẹp.
Sau truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ (tức truyện Trăm trứng trăm con) và truyền thuyết Thăng Long, có lẽ Người học trò thủy thần là truyền thuyết nổi tiếng nhất có yếu tố rồng trong văn hóa Việt Nam.
***
Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam; đặc biệt nó nhắc nhở ta nhớ đến truyền thuyết Trăm trứng trăm con, đến cội nguồn con Rồng cháu Tiên. Điều đó cho thấy rồng gắn bó, hòa hợp gần gũi hết sức đa dạng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Việt từ xưa đến nay. Có thể nói không ngoa rồng là biểu tượng của nguồn cội, ý thức nòi giống và giúp cố kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
ĐÔNG A