Xem đấu vật ở xứ sở đồng hồ
Thụy Sĩ - Xứ sở đồng hồ có nhiều cái nhất như: Không khí và nước sạch nhất, tàu điện tốt nhất và người dân mê đấu vật nhất trong tất cả các môn thể thao. Đến đây, bạn nhất định phải đi xem một trận đấu vật để cảm nhận rõ hơn về văn hóa, con người nơi này. Bởi lẽ, đấu vật không chỉ đơn thuần là hoạt động thể thao mà còn là sự nối tiếp truyền thống, tinh hoa dân tộc từ hơn 700 năm trước.
Chúng tôi may mắn được xem trực tiếp 2 trận chung kết đấu vật tại Thụy Sĩ vào đầu tháng 12.2023 giữa 2 đội Willisau và Kriessern. Bên ngoài tuyết rơi dày đặc đến nỗi có nhiều đoạn phải đi chậm hoặc dừng lại vì tắc đường. Thế nhưng, khi bước vào bên trong nhà thi đấu thì không khí hoàn toàn trái ngược. Sàn đấu đã ken đặc người hâm mộ, rần rần tiếng trống kèn cổ vũ và nóng lên hẳn khi các võ sĩ của hai đội chạy vào.
Các võ sĩ trong trận chung kết đấu vật hiện đại Thụy Sĩ đầu tháng 12.2023.Ảnh: JOE BOSSERT
Cuồng nhiệt
Chỗ ngồi (hoặc đứng) của khán giả rất gần sàn đấu, giúp họ được tương tác nhiều hơn trong cổ vũ và nhìn rõ diễn biến trận đấu. Các trận đấu lớn sẽ có đến 4 trọng tài để đảm bảo sự khách quan cao nhất. Và dù là trận đấu nhỏ hay lớn thì đều có camera quay lại toàn bộ. Khi HLV không đồng thuận với quyết định của trọng tài, hình ảnh quay lại sẽ được sử dụng trong phán quyết cuối cùng. Bất cứ lúc nào nếu cho rằng võ sĩ của mình bị “o ép”, HLV sẽ quăng một cục xốp ra giữa sàn và trận đấu buộc phải tạm dừng để xem xét. HLV nếu khiếu nại sai thì đội của họ sẽ bị trừ đi 1 điểm. Cũng có khi tổng trọng tài (ngồi ở bàn với màn hình) có nhận định riêng sẽ yêu cầu tạm dừng trận đấu và gọi các trọng tài trên sân xem lại hình ảnh.
Các võ sĩ có đúng 6 phút để thể hiện sức mạnh, kỹ thuật và bản lĩnh của mình trên sàn đấu. Vẻ đẹp của cơ bắp, sự bình tĩnh tập trung rất được chú trọng trong đấu vật. Có những khoảnh khắc mà cả người thi đấu lẫn người xem đều thấy căng thẳng đến nghẹt thở với những màn kẹp, kéo, quăng quật trên sàn đấu. Chỉ cần tích tắc sơ sẩy thôi cục diện trận đấu cũng có thể thay đổi. Mục tiêu của võ sĩ là làm đối thủ ngã chạm hoàn toàn 2 vai trên thảm. Nếu một phần vai của người ngã vẫn còn lơ lửng thì chưa được tính điểm.
Tình yêu lớn với đấu vật cổ truyền
Đấu vật ở Thụy Sĩ được chia làm 2 loại: Hiện đại và truyền thống. Sự khác nhau ở chỗ võ sĩ tham gia đấu vật truyền thống sẽ mặc thêm chiếc quần đùi vải thô, luật thi đấu có chút khác biệt và võ sĩ phải nặng từ 100 kg trở lên.
Đấu vật truyền thống Thụy Sĩ với chiếc quần đùi vải thô nổi bật. Ảnh: JOE BOSSERT
Ông Joe Bossert, một HLV đấu vật ở bang Lucerne, cho biết: “Khoảng hơn 700 năm trước, môn đấu vật khởi phát ở các vùng thôn quê Thụy Sĩ. Ban đầu là những nông dân thi đấu giao lưu với nhau, sau đó mới dần dần được biết đến rộng rãi. Các giải đấu vật chính thức tầm quốc gia mới chỉ diễn ra trong khoảng hơn 200 năm trở lại đây. Tuy yêu thích cả 2 thể loại nhưng tôi tin trái tim của phần đông người dân vẫn nghiêng về môn vật truyền thống hơn. Chúng tôi tự hào vì được là những người tiếp nối truyền thống này”.
Hằng năm, cứ đến mùa hè, các cuộc thi đấu vật truyền thống diễn ra rầm rộ ở khắp các bang toàn Thụy Sĩ. Các võ sĩ thi đấu ngoài trời, trên các sân cỏ có lót một lớp dày mủn gỗ để giảm chấn thương. Khán đài thường được lấp đầy từ 10.000 đến hơn 20.000 người. Võ sĩ ra sân có thể trong bộ đồ như dân văn phòng với quần âu, áo sơ mi chỉnh tề, chỉ xỏ thêm chiếc quần đùi truyền thống là có thể thi đấu. Đấu vật truyền thống không quan trọng việc cùng hạng cân với nhau, chỉ cần võ sĩ từ 100 kg trở lên là được. Vì vậy, đôi khi khán giả sẽ rất thích thú khi xem một anh chàng 100 kg đấu với người 150 kg và vẫn có cơ hội chiến thắng, nếu có kỹ thuật tốt hơn, bản lĩnh hơn. Người thắng cuộc sẽ đỡ người thua ngồi dậy, vuốt vuốt phần mủn gỗ lấm lem trên người đối phương để thể hiện sự tôn trọng, văn minh và khiêm nhường.
Phần thưởng cho các võ sĩ truyền thống cũng rất thú vị. Giải nhất thường là một con bò đực to lớn có giá tầm 10.000 franc (khoảng 250 triệu đồng), các giải thưởng nhỏ hơn là ngựa, dê, cừu, cái bàn, dụng cụ làm bếp hoặc tiền mặt.
Các chú bò khỏe mạnh, đẹp nhất sẽ là phần thưởng cho những tay vật mạnh nhất. Ảnh: JOE BOSSERT
Những đứa trẻ mơ giấc mơ võ sĩ
Vốn là một thị trấn có đội đấu vật nổi tiếng trong cả nước, Willisau (thuộc bang Lucerne) có rất nhiều thế hệ tham gia đấu vật, nhất là trẻ em. Các bé trai và gái được cha mẹ cho làm quen môn thể thao này từ rất sớm, khoảng 4 - 5 tuổi. Trẻ được đến lớp làm quen và sẽ có sự chọn lọc khắt khe trong quá trình rèn luyện. “Tôi cho con đến đây không chỉ để tập võ mà còn rèn luyện tính kiên trì, kỷ luật bản thân và cách hợp tác với các bạn khác trong lớp. Tất nhiên, thằng bé phải thấy thực sự yêu thích đấu vật vì chúng tôi phải tôn trọng sự lựa chọn của chúng nữa”, chị Biene - một phụ huynh chia sẻ.
Trẻ em ở Thụy Sĩ được học và thi đấu vật từ rất sớm. Ảnh: JOE BOSSERT
Ở Thụy Sĩ có khái niệm “tai võ sĩ” khá đặc biệt. Nhìn vào tai một người sẽ dễ dàng nhận biết họ có phải võ sĩ tập luyện lâu năm hay không bởi những vành tai dày và có hình dáng rất khác. Nếu tập nhiều, họ sẽ thường va chạm mạnh ở phần đầu, tai, khiến tai bị rách hoặc sưng viêm.
Tuy nhiên, giấc mơ trở thành võ sĩ khiến những đứa trẻ vượt qua cơn đau để tiếp tục luyện tập. Thần tượng của các em nhỏ này là các võ sĩ đạt thành tích cao ở các giải trong nước và quốc tế. Stefan Reichmuth (29 tuổi, thành viên đội tuyển đấu vật quốc gia Thụy Sĩ, từng giành HCĐ thế giới năm 2019) là một cái tên phổ biến với hầu hết người dân Willisau và các em nhỏ tại đây. Những chiếc áo, bình đựng nước in hình và tên Stefan được bán khá chạy ở thị trấn và nhiều nơi trên đất nước Thụy Sĩ.
TRẦN THỊ DUYÊN