Tết Nguyên đán trên thế giới và những điều thú vị
Mỗi năm, trong khoảng từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, ước tính 2 tỷ người trên thế giới, trong đó chủ yếu ở Đông Á và Đông Nam Á, đón tết Nguyên đán. Ngày 22.12.2023, Đại hội đồng Liên hiệ̣p quốc khóa 78 nhất trí thông qua nghị quyết lấy Tết Nguyên đán làm ngày nghỉ của Liên hiệ̣p quốc.
1. Nhiều người ở ngoài khu vực châu Á thường nhầm tưởng rằng tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ của riêng người Trung Quốc. Thực ra không phải vậy. Tết Nguyên đán là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của nhiều nước Đông Á, Đông Nam Á như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Với nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, kể từ năm 2024, tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ thứ tám trong năm đối với nhân viên LHQ trên toàn thế giới, bên cạnh lễ Phật đản, Giáng sinh, Thứ sáu Tuần Thánh, Yom Kippur (lễ Chuộc tội của người Do thái), Diwali (lễ hội Ánh sáng của người Hindu), Gurpurab (lễ Năm mới theo đạo Sikh) và Nowruz (lễ Năm mới của người Iran). Điều này cho thấy sự phổ biến và quy mô của dịp tết Nguyên đán trên toàn cầu.
Người Việt Nam đón tết Nguyên đán ở Paris (Pháp).
Trước đó, tại Mỹ, ngày 9.9.2023, Thống đốc bang New York Kathy Hochul đã ký luật công nhận tết Nguyên đán là ngày nghỉ chính thức cho tất cả các trường công lập ở bang New York (Mỹ), cho phép các trường công lập được nghỉ một ngày trong dịp lễ quan trọng nhất của nền văn hóa nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc. Hồi tháng 9.2022, Thống đốc bang California (Mỹ) Gavin Newsom ký ban hành luật công nhận Tết âm lịch là một ngày lễ của bang. Theo đó, các nhân viên của bang được nghỉ 8 giờ để đón Tết âm lịch.
Tại Việt Nam, không khí đón tết Nguyên đán bắt đầu nhộn nhịp từ 2 - 3 tuần trước khi bắt đầu năm mới. Tuy nhiên, đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động đón Tết chỉ thực sự diễn ra trong 1 - 2 ngày đầu năm mới (theo lịch âm).
Chẳng hạn như tại New Zealand, với hơn 10.000 người Việt Nam sinh sống, tết Nguyên đán là một dịp quan trọng để cộng đồng người Việt ở đây gặp gỡ, giao lưu, tăng thêm sự đoàn kết, gắn bó. Victor Diem, thành viên Ban chủ nhiệm Cộng đồng người Việt Nam ở New Zealand, cho biết: Mặc dù không có đầy đủ nghi thức truyền thống, nhưng mọi người ở đây vẫn làm tất cả những gì có thể để ai cũng cảm nhận được không khí Tết cổ truyền, như gói bánh chưng, mặc áo dài, trang trí không gian tổ chức đậm chất Tết cổ truyền.
Thông báo tổ chức tết Nguyên đán 2024 của Cộng đồng người Việt Nam ở New Zealand.
2. Tại Trung Quốc, tết Nguyên đán còn được gọi là Lễ hội Mùa xuân. Hằng năm, cứ vào dịp này, hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê để thăm gia đình hay đi nghỉ lễ, tạo ra cuộc “xuân vận” lớn nhất thế giới với khoảng 3 tỷ lượt khách đi lại trong 40 ngày. Trong thời đại số, bên cạnh hình thức truyền thống, phong tục lì xì (Hong Bao) cũng được “số hóa”. Trung Quốc từng ghi nhận hơn 14 tỷ lượt “lì xì điện tử” trong 1 đêm Giao thừa, được chuyển thông qua các nền tảng mạng xã hội như WeChat.
Đối với người Trung Quốc, cá là món ăn truyền thống đầu năm mới để cầu mong cả năm dư dả, sung túc vì trong tiếng Trung, từ “cá” cũng được phát âm là “yú” (dư), ngoài các món khác như há cảo, bánh gạo hay cam, quýt.
Có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc do xấp xỉ 75% số dân là Hoa kiều, tết Nguyên đán ở Singapore cũng là dịp lễ lớn, với các phong tục đặc trưng, như múa lân, đi lễ chùa và thưởng thức các món ăn truyền thống đầu năm, gồm: Bánh gạo nếp, bánh dứa, đặc biệt là món yusheng (món salad với rau, củ, quả và cá hồi hoặc cá thu xắt mỏng). Trong dịp này, người dân Singapore cũng sẽ tổ chức lễ hội diễu hành Chingay (có nghĩa là nghệ thuật trang phục và hóa trang) đầy màu sắc rực rỡ, vốn có nguồn gốc từ cuối thế kỷ XIX và trở thành ngày hội truyền thống vào dịp tết Nguyên đán kể từ năm 1972.
Múa lân trong dịp tết Nguyên đán ở Bangkok (Thái Lan).
Tại Malaysia, kỳ nghỉ Tết thường kéo dài 15 ngày và là dịp để các gia đình quây quần, cùng nhau ăn 1 bữa tối đoàn viên. Đặc biệt, ngày cuối cùng là lễ Chap Goh Mei - lễ hội đèn lồng, trong đó mọi người viết điều ước hay lời chúc vào 1 tờ giấy và dán lên đèn lồng.
Đền thờ Kek Lok Si ở Penang (Malaysia) được thắp sáng trong dịp tết Nguyên đán.
Tại Philippines, trong kỳ nghỉ Tết có ngày lễ truyền thống Media Noche, là dịp để các gia đình tổ chức tiệc năm mới vào nửa đêm, với các loại trái cây hình tròn, tượng trưng cho sự may mắn. Điểm khác biệt trong tết Nguyên đán ở nước này là trang phục. Người dân ở đây thường diện quần áo chấm bi vào dịp này, vì quan niệm hình tròn là đại diện cho sự thịnh vượng, tiền bạc và may mắn, cũng như không tiêu tiền vào ngày đầu năm để cầu tài lộc cho năm mới.
Tại Hàn Quốc, tết Nguyên đán (gọi là Seollal - Năm Mới) là 1 trong những kỳ nghỉ lễ truyền thống quan trọng nhất, kéo dài 3 ngày và là dịp để bày tỏ sự tôn kính với tổ tiên, người cao tuổi.
Đầu năm mới, mọi người diện trang phục truyền thống hanbok để gặp gỡ người thân và bạn bè và có thể cùng nhau chơi trò chơi dân gian với các cây gậy gỗ “yutnori” (trò chơi được Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), hay thả diều (yeonnalligi). Trẻ em cũng được nhận tiền mừng tuổi và lời chúc đầu năm.
Các món ăn truyền thống trong dịp Tết ở Hàn Quốc bao gồm: Mandu (bánh xếp Hàn Quốc), mandu-guk (súp bánh bao), japchae (mì thủy tinh) hay ddeok (bánh gạo).
3. Không giống như nhiều quốc gia châu Á khác, Nhật Bản nói chung không tổ chức đón tết Nguyên đán. Trước năm 1873, Nhật Bản cũng đón Tết theo lịch âm, nhưng kể từ sau năm 1868, khi diễn ra cuộc Duy Tân Minh Trị, Nhật Bản tiến hành cải cách nhiều mặt, trong đó có việc sử dụng lịch Gregorian để đón tết Dương lịch. Tuy vậy, người dân địa phương ở những vùng có đông người Trung Quốc sinh sống, như Yokohama, Nagasaki và Kobe, vẫn đón tết Nguyên đán với quy mô nhỏ hơn.
Đối với người Mông Cổ, Tết cổ truyền được gọi Tsagaan Sar (Trăng trắng). Đây là dịp để đánh dấu sự kết thúc của năm cũ và bắt đầu năm mới, theo lịch của người Mông Cổ.
Ở ngoài châu Á, có hai quốc gia xem tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ ở quy mô quốc gia, đó là Suriname ở Nam Mỹ, nơi có khoảng 7% dân số có gốc Trung Quốc, và quốc đảo Mauritius ở Ấn Độ Dương, với khoảng 3% dân số là người gốc Trung Quốc. Năm 2014, chính phủ Suriname công nhận tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ chính thức của nước này. Tại đây, những hoạt động đón năm mới âm lịch cũng diễn ra rất náo nhiệt, mang màu sắc đặc trưng của Trung Quốc, như treo đèn lồng, múa lân…
HỒNG QUẢNG (Theo TIME, NYT)
1. Thông báo tổ chức tết Nguyên đán 2024 của Cộng đồng người Việt Nam ở New Zealand.
2. Đền thờ Kek Lok Si ở Penang (Malaysia) được thắp sáng trong dịp tết Nguyên đán.
3. Múa lân trong dịp tết Nguyên đán ở Bangkok (Thái Lan).
4. Người Việt Nam đón tết Nguyên đán ở Paris (Pháp).