Tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp
UBND tỉnh đang cùng các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hạ tầng tại các khu công nghiệp, công tác PCCC, ANTT và về giá cho thuê đất…, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp với nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.
Hạ tầng các khu công nghiệp chưa đồng bộ
Hiện toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, với diện tích hơn 2.850 ha. Theo báo cáo của Sở Công Thương, có 310 dự án/216 DN đang hoạt động tại các KCN, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 22.000 lao động; tốc độ tăng trưởng về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm, thu ngân sách xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm.
Lãnh đạo tỉnh giới thiệu KCN Nhơn Hội với các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: HẢI YẾN
Dẫu vậy, toàn bộ các KCN đều chưa hoàn thiện đầy đủ các hạng mục theo quy định, kể cả KCN được lấp đầy 100% như KCN Phú Tài, Long Mỹ (TP Quy Nhơn). Trong quá trình kiểm tra tình hình hoạt động các KCN, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ rõ KCN Phú Tài, Long Mỹ nằm cạnh khu dân cư nhưng cảnh quan, môi trường, vỉa hè, hệ thống thoát nước mưa chưa được đầu tư bài bản nên thường xảy ra xung đột về môi trường với người dân.
Trong khi đó, KCN Hòa Hội (huyện Phù Cát) nhận bàn giao giai đoạn 1 với diện tích khoảng 171/266,09 ha mới chỉ có 2 dự án hoạt động; hệ thống thu gom nước thải, khu xử lý nước thải tập trung chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
Các KCN Nhơn Hội (khu A) được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh về giải phóng mặt bằng, xử lý nước thải tập trung, hạ tầng giao thông, nhưng giá cho thuê đất vẫn chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, tiến độ thu hút lấp đầy KCN còn chậm…
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Các KCN hiện nay chưa thành lập đội PCCC chuyên trách, chưa trang bị xe chữa cháy và các trang thiết bị cần thiết liên quan theo quy định tại Thông tư 149/2020/TT-BCA ngày 31.12.2020 của Bộ CA; chưa xây dựng nội quy, quy chế quản lý KCN. 4/7 chủ đầu tư KCN chưa chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND tỉnh trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; công tác quảng bá, xúc tiến, mời gọi đầu tư vào KCN còn rất hạn chế, chưa hiệu quả; việc đăng ký, thực hiện khung giá cho thuê đất gắn với hạ tầng kỹ thuật và các loại phí liên quan của chủ đầu tư chưa tạo được sức hấp dẫn cho các DN.
Thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu
Tại các buổi làm việc đầu năm 2024 với các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, Ban quản lý Khu kinh tế quyết liệt tổ chức làm việc 3 tháng/lần với các KCN để rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh những thiếu sót. UBND tỉnh sẽ cương quyết xử lý thu hồi, không để tình trạng DN chiếm dụng đất gây lãng phí hoặc chờ sang nhượng dự án… Các DN phải xây dựng quy chế quản lý trong KCN, từng bước điều chỉnh, xử lý từng vấn đề còn chưa thực hiện.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP - Tổng công ty đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc, chủ đầu tư KCN Hòa Hội, cho biết: Chúng tôi cam kết tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, chuẩn bị sẵn mặt bằng đáp ứng nhu cầu đất sản xuất công nghiệp cho các nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư thông qua các chương trình của tỉnh trong và ngoài nước. Đặc biệt, chúng tôi có mức giá thuê cơ sở hạ tầng phù hợp, ưu đãi cho các nhà đầu tư….
Chủ tịch Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, đến nay công tác quản lý KCN vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc về môi trường, PCCC, hạ tầng kỹ thuật… Các DN phải thay đổi nhận thức, quản lý bài bản hơn, UBND tỉnh sẽ kiểm tra tỷ lệ lấp đầy, hạ tầng, môi trường và kê khai giá từ việc bồi thường, đầu tư hạ tầng để thống nhất mức giá cho thuê hợp lý. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh đang thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, tìm DN “tử tế” và “trải thảm”, thậm chí tìm nguồn vay cho DN để đưa DN về các KCN. Thời gian qua, một số DN rời đi có nguyên nhân từ việc các KCN đẩy giá thuê hạ tầng kỹ thuật lên rất cao, không hợp lý. UBND tỉnh luôn trân trọng DN làm đúng pháp luật, nghiêm túc, trách nhiệm và có tinh thần xây dựng cùng tỉnh, đồng thời cũng cương quyết loại bỏ những DN không hợp tác, vi phạm cam kết đồng hành cùng DN.
“Chúng tôi đã đầu tư 650 tỷ đồng xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ vi sinh kết hợp với hóa lý cùng hệ thống tái sử dụng nước sau xử lý và các hạng mục công trình ứng phó sự cố với tổng dung tích 48.000 m3. Hệ thống điện, nước, hạ tầng viễn thông đủ năng lực phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của tổ chức, DN. Các trụ cứu hỏa, PCCC; lực lượng bảo vệ, PCCC của công ty luôn trong tư thế sẵn sàng, đảm bảo an ninh và an toàn cho các nhà đầu tư. KCN Becamex VSIP Bình Định đáp ứng đủ điều kiện và nỗ lực mời gọi DN đầu tư, quyết tâm cùng tỉnh thực hiện đúng kế hoạch, chỉ tiêu UBND tỉnh giao”.
Ông NGUYỄN VĂN LĂNG, Tổng Giám đốc Công ty CP Becamex Bình Định
HẢI YẾN