Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách ủy thác qua các hội, đoàn thể: Ðiển hình Vân Canh
Sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh với các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đã giúp cho hàng nghìn hộ dân được vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế, tạo thêm sinh kế, việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Năm 2023, Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh đã chủ động “bắt tay” với 4 đơn vị: Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đến với người dân.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh đến tận nhà tư vấn, hướng dẫn người dân vay vốn TDCS. Ảnh: T.SỸ
Phía ngân hàng ủy thác cho các hội, đoàn thể một số nội dung công việc trong quy trình cho vay TDCS. Cùng với đó là phối hợp thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các thôn, khu phố; tổ chức đào đạo, tập huấn quy trình, nghiệp vụ tín dụng cho các đơn vị nhận ủy thác và tổ trưởng tổ TK&VV. Ngân hàng còn phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị nhận ủy thác tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, đối chiếu, phân tích, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn; giám sát quá trình sử dụng vốn vay nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn và xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Về phía mình, các hội, đoàn thể chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý vốn vay, tiền gửi tiết kiệm cho cán bộ hội từ huyện đến cơ sở và các tổ trưởng tổ TK&VV. Cán bộ hội ở cấp xã, thôn, làng tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến các chương trình TDCS và bình xét cho vay công khai, hợp tình, hợp lý.
Không chỉ đưa vốn tín dụng đến người dân, các đơn vị còn xây dựng các mô hình liên kết phát triển kinh tế hộ; tư vấn, hướng dẫn bà con lập phương án sản xuất, kinh doanh và lựa chọn cây trồng, vật nuôi có thị trường tiêu thụ thuận lợi đưa vào sản xuất; đồng thời tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho người dân…
Bà Phạm Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh cho hay: “Hằng tháng chúng tôi họp trực báo với các cơ sở hội để đánh giá tình hình công tác hội, trong đó có hoạt động TDCS. Những vướng mắc phát sinh trong vay vốn và sử dụng vốn vay đều được giải quyết ngay tại cuộc họp này. Nhờ đó, dư nợ cho vay đến ngày 31.12.2023 đạt gần 193 tỷ đồng với 2.511 hội viên phụ nữ vay, tăng 22,5 tỷ đồng so đầu năm. Nhiều hộ gia đình đã có việc làm ổn định, thu nhập khá”.
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Lại (thôn An Long, xã Canh Vinh) phải chạy ăn từng bữa. Năm 2007, bà được các cấp hội phụ nữ tại địa phương hỗ trợ, hướng dẫn vay 15 triệu đồng từ chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo tại Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, để đầu tư mua bò và heo giống về nuôi. Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế và chăm sóc, bảo vệ gia súc chu đáo, vật nuôi phát triển tốt. Khoảng 3 năm sau, gia đình bà đã trả hết nợ ngân hàng. Tiếp đó, gia đình bà vay thêm từ Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, cộng với số tiền tích góp được để mua bò giống chất lượng cao về nuôi vỗ béo. Mỗi năm bà Lại xuất bán 8 con bò thịt, lãi ròng 100 triệu đồng, bán xong lại mua bò giống về vỗ béo. Đến năm 2017, gia đình bà Lại thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, lo cho con ăn học chu đáo. “Có được kết quả như ngày hôm nay đều nhờ vào nguồn vốn TDCS”, bà Lại khẳng định.
Nhờ tổ chức mạng lưới rộng khắp, phủ kín các thôn, khu phố, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng dễ dàng phổ biến đến hội viên các chương trình TDCS và hỗ trợ hội viên phát huy nguồn vốn vay. Anh Nguyễn Văn Huy, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Vân Canh, cho biết, cùng với việc hỗ trợ 438 đoàn viên vay 32,3 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh, Huyện đoàn đã thành lập 8 CLB thanh niên làm kinh tế giỏi và 1 CLB trang trại trẻ để các ĐVTN tham gia cùng phát triển kinh tế, qua đó, nhiều đoàn viên đã có thu nhập khá.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh cho biết, nhờ sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa ngân hàng với các hội, đoàn thể, việc triển khai 16 chương trình TDCS thuận lợi và hiệu quả. Tổng dư nợ cho vay ủy thác qua 4 tổ chức hội ở Vân Canh đến ngày 31.12.2023 hơn 398 tỷ đồng với 5.368 hộ vay, tăng 56,8 tỷ đồng so đầu năm; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,055% so với tổng dư nợ. Chất lượng hoạt động các tổ TK&VV cũng rất tốt với 124/124 tổ xếp loại tốt. Nguồn vốn TDCS đã và đang giúp rất nhiều hộ gia đình có điều kiện vươn lên, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
PHẠM TIẾN SỸ