Phát huy dân chủ, tạo động lực xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện An Lão đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, huy động được nguồn lực lớn để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Xã An Hưng có hơn 95% dân số là người dân tộc H’re. Những năm trước đây, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), xã gặp không ít trở ngại, bởi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nguồn thu của xã thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, lạc hậu.
Lãnh đạo xã An Hưng gặp gỡ, lấy ý kiến góp ý của người dân thôn 1 trong việc triển khai dự án xây dựng tuyến đường nội đồng liên xã An Hưng - An Dũng. Ảnh: D.Đ
Ông Đinh Văn Lang, Bí thư Đảng ủy xã An Hưng cho biết, Đảng ủy xã đã chỉ đạo cho UBND xã công khai, thông báo để người dân nắm bắt các chương trình, kế hoạch xây dựng NTM; Ủy ban MTTQ Việt Nam, các hội, đoàn thể xã cụ thể hóa thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, giúp người dân được trực tiếp tham gia thảo luận, góp ý các kế hoạch, thống nhất mức đóng góp xây dựng hạ tầng.
Điển hình như tuyến đường nội đồng nối thôn 1 xã An Hưng và thôn 1 xã An Dũng có chiều dài gần 1,8 km, trước kia là con đường đất nhỏ hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại. Tháng 2.2023, UBND huyện có chủ trương xây dựng tuyến đường nối 2 xã, song quá trình triển khai, nhiều đoạn thi công đi qua đất lâm nghiệp của người dân.
Để tháo gỡ vướng mắc, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã tổ chức họp thôn, lấy ý kiến các hộ dân, phân tích thấu tình, đạt lý những thiệt hơn khi xây dựng tuyến đường, nhờ vậy 29 hộ dân ở thôn 1 xã An Hưng đều đồng thuận hiến gần 3.000 m2 đất lâm nghiệp, 2.500 cây trồng để làm đường.
Ông Đinh Văn Phi (thôn 1, xã An Hưng) chia sẻ: “Khi huyện thực hiện công trình giao thông, tôi và bà con được chính quyền, MTTQ xã thông tin, lấy ý kiến. Nhận thấy chủ trương hợp lý, chúng tôi đều ủng hộ. Vì nghĩ cho cùng, dự án làm là vì lợi ích chung của người dân, nên gia đình tôi đã hiến gần 1.500 m2 đất lâm nghiệp để làm đường”.
Cũng theo ông Đinh Văn Lang, nhờ tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân, năm 2023, xã đã vận động người dân tự nguyện hiến hơn 5.900 m2 đất, hơn 3.900 cây trồng, hàng trăm ngày công lao động. Từ đó, xã tập trung mở rộng các tuyến đường giao thông; kiên cố hóa kênh mương nội đồng; xây dựng, tu sửa trụ sở làm việc, nhà văn hóa… giúp địa phương hoàn thành 11/19 tiêu chí NTM; phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn xã NTM.
Từ năm 2013 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các tổ chức thành viên ở huyện An Lão vận động người dân hiến gần 2,5 ha đất các loại, 23.000 cây xanh, trên 13.000 ngày công xây dựng, với tổng trị giá trên 5,3 tỷ đồng để xây dựng các công trình NTM.
Tại xã An Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đinh Văn Quế cho hay, từ năm 2022 đến nay, các ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát 8 công trình đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa... Qua giám sát, các ban giám sát chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập của từng công trình, giúp chủ đầu tư, các đơn vị thi công kịp thời khắc phục, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tạo động lực để người dân tin tưởng, cùng chung tay, góp sức đẩy nhanh tiến độ về đích NTM.
Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện An Lão Trần Ngọc Ánh, mặc dù số xã đạt chuẩn NTM của huyện còn ở con số khiêm tốn (toàn huyện có 2/9 xã là An Tân, An Hòa đạt chuẩn NTM), nhưng có thể khẳng định rằng, thông qua thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã từng bước huy động được sức dân cho công cuộc xây dựng NTM tại địa phương.
“Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, MTTQ huyện đến cơ sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, đóng góp các nguồn lực cùng chung sức xây dựng NTM; chú trọng lấy ý kiến góp ý của người dân đối với tất cả các công trình xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trình được thực hiện từ nguồn lực đóng góp của người dân”, ông Ánh cho biết.
DUY ĐĂNG