Ngành tư pháp tiếp tục tạo đột phá trong cải cách hành chính
Những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của ngành tư pháp năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Ðây là tiền đề để ngành tiếp tục tạo đột phá trong cải cách hành chính gắn với cải cách tư pháp. Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn đã trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh xung quanh vấn đề này.
● Năm 2023, Bình Định dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân, DN trong công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Ngành tư pháp đã có những đóng góp tích cực vào thành quả ấn tượng này. Ông có thể thông tin cụ thể hơn?
- Trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định quan trọng như thông qua phương án đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực hộ tịch; phê duyệt phương án tái cấu trúc thủ tục “Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận” phục vụ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần. Sở Tư pháp cũng đã trình UBND tỉnh báo cáo rà soát, đề xuất cắt giảm thành phần hồ sơ là “phiếu lý lịch tư pháp” đối với 3 TTHC trong lĩnh vực tư pháp theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách TTHC tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ của Đề án phát triển cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 (Đề án 06), nhất là triển khai 2 nhóm TTHC thiết yếu “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”. Đến nay, 159/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt 2 nhóm TTHC thiết yếu này, đưa Bình Định nằm trong nhóm 10 địa phương phát sinh lượng hồ sơ liên thông khai sinh, khai tử nhiều nhất cả nước.
Sở Tư pháp đã phối hợp với CA tỉnh triển khai cho 159 xã, phường, thị trấn nhập dữ liệu hộ tịch 4 loại sổ hộ tịch, số hóa 100% kết quả đầu ra để trả cho công dân (bản điện tử) đối với các TTHC trực tuyến thuộc phạm vi giải quyết của Sở Tư pháp.
Trong năm 2023, Sở Tư pháp đã giải quyết 14.027 TTHC; 100% hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn. Đặc biệt, Sở đã thực hiện số hóa 100% hồ sơ để cấp bản điện tử cho công dân.
Về cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP), trong năm 2023, Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ và thực hiện cấp 13.966 phiếu LLTP. Quá trình thực hiện cấp phiếu LLTP đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, không có hồ sơ trễ hạn.
● Mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật, công tác cải cách hành chính của ngành tư pháp trong thời gian qua chắc hẳn gặp không ít những khó khăn, hạn chế...
- Đúng vậy. Với khối lượng công việc tăng lên, trong khi số lượng công chức không thay đổi, áp lực công việc là rất lớn, buộc chúng tôi phải làm thêm ngoài giờ. Bên cạnh đó, phần mềm hộ tịch điện tử dùng chung thường xuyên gặp lỗi đăng nhập, gây khó khăn cho việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho công dân theo đúng quy định; việc triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử còn ít do người dân chưa có nhu cầu…
Thông qua công tác kiểm tra, Sở Tư pháp đã phát hiện những sai sót, hạn chế trong công tác giải quyết TTHC về đăng ký, quản lý hộ tịch tại một số địa phương. Vẫn còn phản ánh của công dân về một số ít công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã có thái độ phục vụ chưa tốt, trách nhiệm chưa cao, làm ảnh hưởng đến chỉ số hài lòng của công dân đối với cơ quan nhà nước.
Tiếp nhận hồ sơ TTHC của công dân tại quầy của Sở Tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: X.Q
● Vậy, để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó, cần những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
- Sở Tư pháp sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bố trí đủ số lượng, đúng quy định. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thường xuyên bồi dưỡng để chuẩn hóa, nâng cao trình độ, thái độ trách nhiệm trong công việc.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác hành chính tư pháp tại UBND cấp xã nhằm kịp thời kiến nghị, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện tốt trách nhiệm trong việc giải quyết các TTHC, gây khó dễ với người dân, DN. Đồng thời, đề xuất khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giải quyết TTHC để khích lệ tinh thần làm việc. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân tại UBND các cấp.
● Thưa ông, để ngành tư pháp tiếp tục tạo đột phá trong cải cách hành chính, đâu là những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024?
- Đầu tiên là tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ được giao theo Đề án 06, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác hộ tịch, chứng thực, công tác bồi thường nhà nước tại phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công tác hành chính tư pháp. Phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm liên quan thực hiện xác minh, trao đổi thông tin xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích để cấp phiếu LLTP cho công dân.
● Xin cảm ơn ông!
XUÂN QUỲNH (Thực hiện)