Các hoạt động mừng Ðảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024: Hứa hẹn nhiều mới mẻ, hấp dẫn
Chào xuân mới 2024 và đón tết Nguyên đán Giáp Thìn, tỉnh Bình Ðịnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, TDTT mới mẻ, hấp dẫn. Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh chia sẻ về công tác chuẩn bị cho các hoạt động mừng Ðảng, mừng xuân mới.
● Chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra thế nào, thưa ông?
- Theo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024) và đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của tỉnh, sẽ có nhiều nội dung mới mẻ, hấp dẫn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo không khí vui tươi, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Năm nay có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, TDTT được tỉnh tổ chức, đặc biệt 3 hoạt động lớn là trưng bày cụm biểu tượng linh vật năm Giáp Thìn 2024 từ ngày 1 - 18.2 (nhằm ngày 22 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn); chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón chào năm mới Giáp Thìn 2024 diễn ra tối 9.2 (đêm Giao thừa) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn); Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024) tổ chức ngày 13.2 (mùng 4 Tết) tại Bảo tàng Quang Trung và một số địa điểm khác trên địa bàn huyện Tây Sơn với nhiều nội dung phong phú, mới mẻ.
● Cụm biểu tượng linh vật năm là điểm đến có sức hút đặc biệt. Ông có thể cho biết thiết kế biểu tượng năm nay có gì mới lạ, độc đáo?
- Chi tiết như thế nào, thiết kế mới lạ độc đáo ra sao, lúc này tôi chưa nói được, phải để đến lúc khai trương mới thật sự thú vị chứ!
Nhưng có thể hình dung, với chủ đề “Tự hào truyền thống Cha Rồng - Mẹ Tiên”, biểu tượng linh vật Rồng cùng cụm hoa xuân điểm xuyết và các biểu tượng phụ được trưng bày sẽ vừa biểu đạt bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam vừa có nét riêng của quê hương Bình Định. Qua việc cách điệu hóa truyền thuyết về cội nguồn dân tộc “trăm trứng trăm con” - niềm tự hào thiêng liêng của cả dân tộc, chúng ta cũng bày tỏ khát vọng vươn lên trở thành “rồng” của đất nước và quê hương Bình Định.
Bên cạnh các cụm biểu tượng chính, biểu tượng phụ…, đan xen vào đó là cuộc trình diễn của khoảng 45.000 chậu hoa, lá, cây cảnh được xếp đặt đẹp mắt kết hợp kỹ thuật phun sương hơi nước, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng sẽ tạo nên tác phẩm nghệ thuật sắp đặt độc đáo, ấn tượng và hoành tráng phục vụ nhân dân, du khách về với Quy Nhơn - Bình Định du xuân, đón Tết.
Khuôn viên Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành gần đó cũng sẽ được trang trí, sắp đặt các loại cây, hoa xuân kết hợp triển lãm 60 - 80 tác phẩm ảnh nghệ thuật thể hiện thành tựu KT-XH tỉnh Bình Định năm 2023 để vừa tạo điểm nhấn, vừa kết hợp với cụm biểu tượng linh vật thành một quần thể hài hòa, thu hút công chúng đến tham quan.
● Còn chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa và Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hứa hẹn sẽ hấp dẫn như thế nào, thưa ông?
- Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 diễn ra tối 9.2 (đêm Giao thừa) mang khí thế hào hùng, thể hiện bản sắc văn hóa Bình Định; đồng thời, tạo sự tươi trẻ, hấp dẫn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, du khách. Sau khi kết thúc chương trình, thời khắc Giao thừa sẽ có màn bắn pháo hoa tầm thấp đón chào năm mới.
Chương trình nghệ thuật đón năm mới Giáp Thìn 2024 tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành hứa hẹn hấp dẫn. Ảnh: DŨNG NHÂN
Riêng Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024) được tổ chức từ chiều 13.2 (tức mùng 4 Tết) sẽ khác với mọi năm. Lễ hội năm nay ngoài phần lễ, còn có chương trình nghệ thuật tổ chức lúc 20 giờ tối mùng 4 Tết và màn bắn pháo hoa tầm thấp.
Xuyên suốt từ mùng 4 - 6 Tết, tại Bảo tàng Quang Trung và một số địa điểm khác ở Tây Sơn sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, TDTT, như: Liên hoan Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định, biểu diễn hát bội, dân ca bài chòi; múa lân, sư, rồng; diễn tấu cồng chiêng và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số; Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh năm 2024… để phục vụ nhân dân, du khách về trẩy hội, vui xuân.
● Ngoài các sự kiện do tỉnh tổ chức, xin ông thông tin thêm về công tác chuẩn bị đón năm mới Giáp Thìn 2024 ở các địa phương?
- Năm nay, ngoài việc tham mưu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024 với màu sắc tươi mới, chúng tôi cũng đã đề nghị các địa phương sớm có kế hoạch chu đáo tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT để nhân dân vui xuân, đón tết cổ truyền dân tộc. TP Quy Nhơn sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đường phố; TX An Nhơn lần đầu tiên trưng bày linh vật năm Giáp Thìn 2024, tổ chức Hội thi chọi gà dân gian; huyện Tuy Phước sẽ tổ chức Hội xuân Chợ Gò, Hội đua thuyền xuân Giáp Thìn 2024; huyện Phù Mỹ tổ chức giải đua thuyền truyền thống; huyện An Lão tổ chức đêm Âm vang cồng chiêng và hương vị rượu cần; các huyện Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Hoài Ân và TX Hoài Nhơn đều tổ chức chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn…
Đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở VH&TT, cũng như các địa phương đều chuẩn bị chu đáo để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, TDTT phục vụ nhân dân đón Tết với những khát vọng tốt đẹp trong năm mới.
● Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)