Phơi nhiễm chất độc hại, nhiều thế hệ con cháu dễ bị stress
Giới khoa học đã biết rằng ảnh hưởng của các chất độc hại, chẳng hạn như hoá chất gây rối loạn nội tiết (EDC), có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, phải đến một nghiên cứu mới gần đây, các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng, nếu thế hệ trước phơi nhiễm EDC thì nhiều thế hệ sau có thể chịu tác dụng tiêu cực đặc biệt tới mức căng thẳng thần kinh.
Trong nghiên cứu mới của mình, các nhà khoa học đến từ trường đại học Texas tại Austin và trường đại học Washington (Mỹ) đã cho những con chuột cái và chuột đực thí nghiệm phơi nhiễm chất diệt nấm phổ biến tên là vinclozolin ở nhiều mức độ khác nhau. Họ phát hiện ra rằng, những con chuột cái là thế hệ thứ 3 trở đi của những con chuột bị phơi nhiễm vinclozolin dễ bị căng thẳng hơn nhiều so với con cháu của những con không bị nhiễm hoá chất diệt nấm. Thí nghiệm trên lũ chuột đực cũng cho kết quả tương tự.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư David Crews đến từ khoa Động vật học và Tâm lý học của trường đại học Texas tại Austin phát biểu: "Kết quả nghiên cứu này khiến tất cả chúng tôi lo ngại vì nhiều thập niên qua, chúng ta đã liên tục phơi nhiễm đủ các loại hoá chất làm rối loạn nội tiết. Tất cả chúng ta hiện nay đang vất vả vượt qua nhiều thách thức tự nhiên của cuộc sống (tức tâm trạng căng thẳng). Những thách thức này giờ đây được nhìn nhận lý giải khác trước vì tổ tiên chúng ta đã phơi nhiễm những tác nhân ô nhiễm môi trường".
Vinclozolin là chất diệt nấm được nông dân dùng phổ biến để bảo quản rau củ quả.
Theo nhóm nghiên cứu, sau khi bị phơi nhiễm EDC, thứ di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác không phải là sự thay đổi trong mã gien mà là sự thay đổi trong cách thức biểu hiện của những gien di truyền cụ thể.
Sự biểu hiện của gien là một quá trình mà ở đó, tế bào sử dụng mã gien để sản xuất ra những sản phẩm hữu ích cho cơ thể, chẳng hạn như protein. Nếu ví một đoạn mã gien giống như một công thức làm bánh bích quy thì biểu hiện gien là cách thức mà người đầu bếp sử dụng công thức đó để làm ra bao nhiêu chiếc bánh. Việc nghiên cứu những thay đổi trong biểu hiện gien di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới gọi là di truyền học biểu sinh (epigenetics).
Nhóm nghiên cứu nói trên và nhiều nhà khoa học khác đã chứng minh rằng EDC có thể làm tăng nguy cơ bệnh tật ở người như tự kỷ, béo phì và tim mạch ở các thế hệ tương lai.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, hàm lượng EDC trong môi trường sống của chúng ta đang tiếp tục tăng lên. Cùng với đó, tỉ lệ mắc bệnh do EDC gây ra cũng tăng lên, đặc biệt là chứng rối loạn tâm thần.
Tố Uyên (Theo Science Daily)