Kinh doanh khéo, năng sẻ chia
Nhiều thanh niên phấn đấu, vượt qua vất vả để khởi nghiệp, kinh doanh thành công; vừa sát cánh với tổ chức Ðoàn Thanh niên trong thực hiện công tác an sinh xã hội. Với họ, góp sức cho cộng đồng là điều nên làm, thể hiện trách nhiệm của người trẻ đối với quê hương, đất nước.
Nỗ lực kinh doanh
Khởi nghiệp năm 2019, ngay thời điểm Covid-19 xuất hiện, chị Nguyễn Thị Ly (SN 1993, chủ cơ sở chả cá Thanh Ngân, phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) không ít phen lao đao vì dịch bệnh. Không bỏ cuộc vì đam mê, mong muốn duy trì nghề truyền thống của gia đình, chị Ly đã chủ động nguồn nguyên liệu, cắt giảm tối đa chi phí, đưa cơ sở vượt qua khó khăn.
Hiện nay, cơ sở Thanh Ngân cung cấp 5 loại chả làm từ nguyên liệu sạch ở địa phương. Nhờ đó, gần 10 lao động là người lớn tuổi có việc làm ổn định với mức thu nhập khoảng 3,5 triệu/người/tháng. Chị Ly “bật mí”: Lợi nhuận của cơ sở đều được chị trích một khoản để làm một số hoạt động an sinh ý nghĩa.
Khác với chị Ly, anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1985, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Hưng Lợi, ở TP Quy Nhơn, chuyên kinh doanh các thiết bị năng lượng mặt trời) xa quê hương Quảng Trị, đến Bình Định học tập và làm việc năm 2005.
Tại đây, anh nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch và nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời nên đã quyết định khởi nghiệp. Sau nhiều lần ngược xuôi khắp các địa bàn, anh kết nối với những đối tác uy tín, lắp đặt thành công nhiều công trình. Trong quá trình ấy, nảy lên trong đầu anh là những dự án thiện nguyện “dài hơi”.
“Tôi không sinh ra tại Bình Định nhưng xem đây là ngôi nhà thứ hai, cho mình công việc và có mái ấm hạnh phúc. Vì lẽ trên, khi gắn bó với nơi này, tôi tự nhủ sẽ làm điều gì đó thật ý nghĩa”, anh Hưng nói.
Anh Nguyễn Văn Hưng (thứ 3 từ phải sang) cùng Huyện đoàn Phù Cát bàn giao công trình “Thắp sáng đường quê” tại xã Cát Trinh. Ảnh: NVCC
Ngược lại với anh Hưng, chị Bùi Thị Mỹ Dân (SN 1990, kinh doanh thực phẩm hữu cơ, quê ở xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) lại sinh sống nơi đất khách quê người (tỉnh Bình Dương). Khởi nghiệp online, người phụ nữ trẻ khi vừa chăm con nhỏ, vừa cố gắng kiếm thêm thu nhập, đối mặt với nhiều áp lực tinh thần lẫn vật chất. Tuy vậy, chị luôn lạc quan, truyền đi năng lượng tích cực.
Chị Dân nói vui: “Thay vì than thở, tôi dồn sức vào buôn bán, tạo uy tín với khách hàng. Nhờ được mọi người yêu thương, tôi bán hàng ngày càng “chạy”, giúp tôi thuận lợi tham gia công tác thiện nguyện như tôi hằng mong muốn”.
Tích cực hoạt động vì cộng đồng
Những trường hợp trên tuy khác nhau về ngành nghề, tính cách; tuy nhiên, ở họ vẫn có điểm chung: Khát khao cống hiến cho cộng đồng bằng những gì mình có.
Sau khi ổn định kinh tế, chị Ly thường phối hợp với tổ chức đoàn, hội tặng quà cho đối tượng yếu thế, tham gia xây dựng tủ sách thanh niên tại nhà văn hóa khu phố, hỗ trợ lắp đèn điện ở sân bóng chuyền, phục vụ người dân tập luyện TDTT… Ngoài ra, chị Ly còn giới thiệu gần 20 thanh niên đến Công ty CP May mặc Khánh Toàn làm việc.
Anh Bùi Xuân Quốc (SN 2001, ở phường Tam Quan Nam) là một trong những thanh niên có việc làm nhờ sự kết nối của chị Ly. Anh Quốc cho biết: “Trong lúc tôi loay hoay không biết kiếm việc ở đâu trong thời buổi khó khăn như hiện nay, chị Ly đã giúp tôi có việc làm ổn định một cách nhiệt tình và cởi mở”.
Mang mối lương duyên với Bình Định, anh Hưng mong muốn thắp sáng cho người dân bằng năng lượng mặt trời từ 3 năm trước. Đến nay, anh thực hiện 7 công trình với tổng chi phí hỗ trợ hơn 400 triệu đồng.
Anh Hưng tâm sự: “Khi học đại học, tôi là Bí thư Chi đoàn nên dễ kết nối với tổ chức đoàn các cấp. Tận dụng điều ấy, tôi sát cánh cùng anh em mang ánh sáng đến người dân vùng còn khó khăn. Trong năm 2024, tôi sẽ tiếp tục các dự án trên, đồng thời bắt đầu làm đèn năng lượng mặt trời cho tàu cá, hỗ trợ thiết bị điện cho đoàn viên vùng cao sản xuất, cùng một số chương trình an sinh xã hội khác”.
Với chị Dân, dù ở xa nhưng chị luôn hướng về quê nhà, thường tài trợ cho các cơ sở đoàn thực hiện hoạt động thiện nguyện. Bản thân chị cũng lặn lội từ Bình Dương về Bình Định hoặc đến các tỉnh, thành khác để gặp, giúp đỡ và kêu gọi hỗ trợ cho nhiều trường hợp đồng hương gặp nạn.
Gần đây, chị vừa giúp và kêu gọi hơn 118 triệu đồng trong 2 đợt cho em Thanh Thị Nhãng (SN 2006, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) bị ung thư vú đã di căn, sinh ra hạch và khối u, đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.
Xúc động vì nhận số tiền lớn, Nhãng trải lòng: “Lần đầu gặp chị Dân, em ngạc nhiên vì chị nhiệt tình và gần gũi quá, dù chị chưa từng biết em trước đó. Chị luôn dặn dò em giữ sức khỏe, sớm phẫu thuật, nếu cần gì có thể liên hệ chị. Nhờ chị, em thấy ấm áp hơn và yên tâm điều trị bệnh”.
DƯƠNG LINH