Làng nghề bánh tráng rộn ràng mùa Tết
Ở TX An Nhơn có nhiều nơi làm bánh tráng, trong đó nổi tiếng nhất là làng nghề truyền thống Trường Cửu (thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc), với nhiều loại bánh tráng chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Đang vào mùa cao điểm sản xuất bánh tráng, đường làng, ngõ xóm, hiên nhà, sân vườn… các thôn của xã Nhơn Lộc, đâu đâu cũng có nhiều hàng vỉ phơi bánh tráng dưới nắng ấm.
Tại thôn Trường Cửu, phần lớn các hộ làm nghề bánh tráng vẫn theo cách thủ công truyền thống. Ở đây, phụ nữ chịu khó dậy từ sáng sớm để xay gạo, pha bột, nhóm lò rồi cặm cụi ngồi “xông hơi” tráng bánh đến tận chiều. Những năm qua, một số hộ đã chuyển sang sử dụng nồi tráng bánh dùng điện để đỡ bớt công sức, giảm nhiều bụi, khói.
Phụ nữ trong thôn được chồng mình đồng hành giữ nghề truyền thống, san sẻ nỗi vất vả.
Phần lớn các hộ ở làng nghề truyền thống bánh tráng Trường Cửu vẫn tráng bánh theo cách thủ công.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, gia đình ông đã có 3 đời theo nghề làm bánh tráng. Dịp Tết thường nhu cầu tiêu thụ bánh tráng tăng hơn, nhưng có nhiều cơ sở, hộ sản xuất ở địa phương khác cạnh tranh, làm giảm bớt khách hàng so với trước đây.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cường vẫn tráng bánh thủ công nhưng đã chuyển sang sử dụng nồi tráng bánh dùng điện
Ông Cường cho biết: “Vợ chồng tôi cố gắng giữ nghề truyền thống của gia đình. Dù nhiều nơi làm bánh tráng bằng máy, bánh đều và ăn dẻo dai, nhưng chúng tôi vẫn giữ được đối tượng khách hàng thích bánh tráng làm thủ công, thường ăn giòn hơn”.
Ở làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái (xã Nhơn Phúc), điểm khác biệt so với làng nghề Trường Cửu không chỉ là bánh tráng An Thái thường là các loại mỏng hơn dùng để cuốn, làm chả ram... mà còn là phần lớn các hộ nơi đây đã chuyển từ làm thủ công sang dùng máy để tráng bánh.
Phơi bánh tráng ở làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái.
Thay vì cặm cụi cả ngày như các hộ làm thủ công, các hộ sử dụng máy chỉ làm lúc sáng sớm, sau khoảng hơn một tiếng là xong, do đó đầu buổi sáng trong thôn An Thái đã nhộn nhịp người đem bánh tráng đi phơi.
Theo ông Lâm Tấn Bửu, một người làm bánh tráng lâu năm ở An Thái, sau khi gia đình ông chuyển từ làm thủ công sang đầu tư máy móc để tráng bánh, đã giảm nhiều thời gian, công sức và tăng số lượng bánh tráng làm mỗi ngày lên hàng chục lần.
Ông Lâm Tấn Bửu là một trong số nhiều người làm bánh tráng lâu năm ở An Thái đã sử dụng máy để tráng bánh.
Ông Bửu cho biết: “Vợ chồng tôi cùng vài nhân công sản xuất bánh tráng mỗi ngày một lần vào lúc 5 giờ sáng, làm ra khoảng 300 ràng bánh tráng gạo (20 cái/ràng). Dịp Tết, khi nhu cầu khách hàng tăng lên, chúng tôi sẽ làm mỗi ngày 2 lần để đáp ứng”.
HOÀI THU