Sự giúp đỡ về tinh thần là quý giá nhất
“Ðối với người khuyết tật, sự giúp đỡ về tinh thần là điều đáng quý nhất”. Ðó là chia sẻ của bà Võ Thị Lan Phương, người khuyết tật tuổi đã gần 60, thành viên mẫn cán của Chi hội Sức sống (thuộc Hội Bảo trợ Người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh). Tại Chi hội, bà Phương được xem là chị cả của ngôi nhà chung Sức sống.
Vì mắc chứng rối loạn thể chất bẩm sinh, bà Phương phải sống trong hình hài của một đứa trẻ với chiều cao khiêm tốn. Dù vậy, bà luôn xem mình là điểm tựa, luôn che chở cho các em của mình. Năm 15 tuổi, vì sức khỏe không cho phép, Phương nghỉ học, ở nhà đỡ đần mẹ công việc nhà. Năm 18 tuổi, ba mất, mẹ suy sụp đến đau bệnh, Phương một tay chăm sóc nhà cửa, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho 3 đứa em thơ. Đầu năm 2005, bà Phương tham gia vào Chi hội Sức sống, có cơ hội được gặp gỡ với nhiều mảnh đời bất hạnh, cùng họ chia sẻ nỗi buồn, vượt qua mặc cảm của bản thân để hòa nhập với cộng đồng.
Trong suốt 18 năm qua, bà Phương là điểm tựa của nhiều thành viên trong Chi hội Sức sống, đem “sức sống” đến với nhiều người khuyết tật khác. Với vai trò là “người kết nối”, bà gặp gỡ nhiều người khuyết tật còn mặc cảm, vận động họ đến với ngôi nhà chung “Sức sống”, giúp họ tìm lại nụ cười đã tắt sau những biến cố cuộc đời.
Bà Phương (trái) thường đến thăm, động viên chị Võ Thị Mai, người khuyết tật neo đơn ở phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn). Ảnh: X.Q
Nhận thấy các thành viên trong Chi hội còn nhiều khó khăn, bà Phương đã tranh thủ sự ủng hộ của các cá nhân, DN tại TP Quy Nhơn thành lập quỹ “Vui Tết” để có thêm nhiều phần quà tết. Những ngày này, bà Phương lại ruổi rong trên chiếc xe đạp, tìm đến những tấm lòng hảo tâm để kêu gọi sự giúp đỡ. Mỗi năm, quỹ “Vui Tết” chỉ tặng quà trị giá khoảng 2 - 3 triệu đồng, nhưng mang lại niềm vui vô tận cho bà Phương.
Bà Phương còn là tình nguyện viên quen mặt của Bếp ăn tình thương tại BVĐK tỉnh của Hội CTĐ tỉnh. Mặc dù chân tay yếu ớt, tuổi cũng không còn trẻ, từ tờ mờ sáng, bà vẫn có mặt để chuẩn bị nguyên liệu, phụ giúp mọi người phân chia thức ăn, rửa chén. Những hôm đi ngang các quán ăn, bà tranh thủ nhặt ve chai để bán phế liệu. Số tiền có được để dành mua đồ ăn, nước uống cho những người khuyết tật nặng. Cuộc sống còn lắm vất vả, nhưng với bà, được làm việc, được giúp đỡ người khác mới là được sống thực sự.
“Tại bếp ăn, ai cũng sợ tôi vất vả nên không dám giao việc, nhưng tôi quan niệm rằng, nếu làm được việc nhà thì việc xã hội cũng có thể làm. Sống trong gian khó nên tôi hiểu được giá trị của sự sẻ chia. Đối với tôi, sự giúp đỡ về tinh thần là điều đáng quý nhất”, bà Phương nói.
XUÂN QUỲNH