Ðường tình
*Truyện ngắn của PHAN ĐỨC LỘC
Sau ngày mãn tang bố, mẹ bán căn nhà cho một người họ hàng xa để trả nốt món nợ cũ rồi khăn gói đồ đạc dẫn tôi về quê ngoại. Từ bé đến giờ, tôi mới chỉ được về thăm quê ngoại vài lần. Lần gần nhất cách đây bảy năm, hồi tôi học lớp bốn. Ông bà ngoại mất khi mẹ chưa lập gia đình. Ở quê chỉ còn lại dì, người em gái ít hơn mẹ ba tuổi. Có lần tôi hỏi mẹ, sao dì không lấy chồng thì mẹ trả lời khô khốc: “Dì bị vô sinh”. Mấy năm trước, khi tôi đòi về ngoại thăm dì, mẹ gắt gỏng: “Về đấy làm gì cho phí thời gian, gắng học giỏi, hè này, mẹ đưa sang Bali du lịch”. Tôi chẳng hiểu sao chỉ như vậy mà mẹ lại bực bội đến thế…
Về quê, mẹ con tôi sống chung với dì trong căn nhà cấp bốn ba gian ông bà ngoại để lại. Quanh nhà là màu xanh của những rặng tre già soi bóng xuống mặt ao lặng sóng tạo thành khoảng không gian yên bình, nhanh chóng khiến tôi thích mê mệt. Là em ruột của mẹ, nhưng ngoài nét mặt, dì khác mẹ hoàn toàn. Trong khi mẹ tôi đẫy đà, mập mạp, dữ dằn, ăn diện lòe loẹt, cầu kỳ thì dì lại là một người phụ nữ mảnh khảnh, gầy gò, dịu dàng, kín đáo và giản dị. Suốt ngày, dì ngồi trong căn phòng chật hẹp có ô cửa sổ hướng ra mặt sông và miệt mài viết lách. Dì tôi là một nhà văn. Ở miền quê thuần nông này chưa từng có ai sống bằng nghề viết lách, nên từ lâu người làng dành cho dì một sự tôn trọng nhiều hơn bình thường một chút. Trong căn phòng cũ kỹ của dì, những gáy sách thấp thoáng tên dì, tên của những tác giả nổi tiếng trong nước và thế giới được xếp gọn gàng trên giá gỗ, ngay đến như một đứa không siêng đọc lắm như tôi cũng biết họ đang rất “hot”.
Từ ngày chuyển về quê, mẹ tôi hiếm khi ở nhà. Sáng mờ sương mẹ nổ máy xe tay ga lao vút ra ngõ, mãi đến lúc lũy tre trước ngõ chuyển sang màu đen thẫm, mẹ mới về. Mẹ làm cho một nhà hàng trên thị trấn. Vậy là dì có công việc của dì, mẹ có công việc của mẹ. Còn tôi, sau những buổi sáng học tập mệt nhoài, chiều về lại theo chân đám bạn mới quen ra đồng chăn trâu hay mò cua, câu cá… Ngày từng ngày, tôi dần yêu nhịp sống êm đềm và bình lặng nơi đây, một tình yêu thiết tha, sâu đậm.
***
Một đêm hiu hiu gió, khi tôi đang thiêm thiếp ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng tranh luận của mẹ và dì phát ra từ gian phòng kế bên:
- Chị không sợ điều đó. Chỉ sợ thiếu tiền thôi.
- Tiền bạc có thực sự mang lại cho chị hạnh phúc?
- Mày còn dám nhắc đến hai tiếng “hạnh phúc” trước mặt tao ư? Mày có biết mười mấy năm qua, tao chỉ là một khúc gỗ vô hồn trong mắt ông ấy không? Tao nhầm! Ừ, tao thừa nhận là mày đã đúng. Nhưng thôi tao không muốn nhắc chuyện cũ nữa. Đã đến lúc tao làm theo những điều tao muốn.
- Em… Em…
- Thôi, không bàn luận nhiều nữa - Chừng như cũng thấy mình quá đáng, mẹ tôi xuống giọng - Ý chị đã quyết, dù thế nào cũng không thay đổi. Khuya rồi, đi ngủ thôi.
Cả đêm hôm ấy, tôi nằm lắng nghe tiếng chảy của dòng sông sau nhà, đầu óc cứ thao thức mãi câu hỏi: Mẹ với dì đang xảy ra chuyện gì vậy?
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Ngày thường, vốn dĩ mẹ và dì có vẻ như không hợp nhau lắm. Sau vụ tranh luận đêm ấy, họ càng ít nói chuyện với nhau hơn, những bữa cơm tối rút ngắn lại. Không khí bắt đầu ngột ngạt, nặng nề. Thỉnh thoảng, dì có hỏi thì mẹ chỉ lạnh nhạt trả lời nhát gừng hoặc ậm ừ qua loa cho xong chuyện rồi buông đũa đứng dậy. Sau bữa tối, dì lại ngồi vào bàn cặm cụi viết lách. Còn mẹ thì thường hay ra đứng dưới mái hiên buôn chuyện qua điện thoại hằng tiếng đồng hồ. Qua cách xưng hô, tôi biết được, mẹ đang nói chuyện với một người đàn ông nào đó. Ngữ điệu ngọt ngào và tình tứ trong những câu nói của mẹ khiến một đứa con trai như tôi cũng thấy khó chịu.
Rồi mẹ ít về nhà hẳn. Mỗi tuần mẹ chỉ tạt qua một hai lần.
“Từ thị trấn về nhà chạy xe máy chưa được mười lăm phút, sao mẹ cứ ở mãi bên nhà hàng ấy làm gì”, tôi hỏi mẹ mà mặt mày có lẽ cũng nhăn nhó, nên mẹ gằn giọng: “Làm con trai mười mấy tuổi đầu, lớn rồi! Không lẽ chuyện gì mẹ cũng phải giải thích. Tự hiểu đi. Mẹ đi làm thêm kiếm tiền nuôi con ăn học chứ không phải rỗi hơi ngồi chơi chơi. Dạo này khách đông, công việc bận rộn, mẹ mệt lắm đấy!”.
Nghe mẹ giải thích thật ra tôi chẳng hiểu gì, nhưng do mẹ đột nhiên vằn lên nét dữ dằn, tôi đành im lặng.
Từ dạo mẹ bận việc, những lúc có chuyện buồn, tôi đều tâm sự với dì. Dì luôn lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu. Có lẽ vì là nhà văn nên cách dì nói chuyện rất điềm đạm, khúc chiết, dẫn nhập, đóng lại, mở ra, kết luận bài bản, dễ hiểu. Những lời khuyên của dì giống như ngọn gió ấm cuốn hết đi những ẩn ức, nỗi niềm khiến tôi chợt thấy lòng mình nhẹ nhàng đến lạ. Càng ngày dì cháu tôi càng trở nên thân thiết hơn. Nhiều lúc, tôi còn thấy rằng mình dễ gần gũi và chia sẻ mọi điều với dì hơn là với mẹ. Đó là một thứ cảm giác rất đặc biệt mà tôi không thể nào định nghĩa nổi, như thể đã tồn tại từ rất lâu rồi.
Sáng chủ nhật hôm ấy, ở nhà một mình không có việc gì làm, tôi cao hứng chạy vào phòng dì tìm sách đọc. Bỗng, tôi lỡ tay làm rơi một cuốn sổ dày bụi phủ. Tôi cúi xuống nhặt cuốn sổ lên và lật giở từng trang. Thì ra là bản thảo viết tay một tập truyện của dì. Nhìn những nét chữ mực tím tròn xinh đã nhòa theo thời gian, tôi đoán chắc cuốn này đã được dì viết lâu rồi. Lần giở từng trang giấy ố màu, tôi chợt thấy ấn tượng với nhan đề truyện ngắn Hiên nhà hoa rụng. Truyện dài cả chục trang nên tôi cứ lật qua lật lại mãi, và cuối cùng, mắt tôi dừng lại ở một đoạn văn ngắn: “Cô sợ đối mặt với sự thật, sợ những lời xì xồ gièm pha vây bủa lấy mình. Cô trốn cả thế giới trong căn phòng trọ um ủm bóng tối. Khi đứa con ra đời, cô đã dứt khoát chối bỏ quyền làm mẹ như thể đó là cách duy nhất để cô giũ sạch quá khứ, làm lại cuộc đời. Nhiều đêm, trong giấc mơ, cô vẫn nghe thấy tiếng đứa con khắc khoải gọi “mẹ ơi”. Giật mình tỉnh giấc, cô hoang mang nhìn một màu đen lạnh lùng, rợn ngợp đang xâm lấn khắp gian phòng chật hẹp như muốn tố giác cô. Giờ đây, bao trùm lên tâm hồn cô là một nỗi cô độc đáng sợ, chỉ vì duy nhất một lẽ… Chỉ vì duy nhất một lẽ!”.
Đang say sưa đọc, nghe tiếng đám bạn ơi ới rủ ra đồng đào ếch, bắt chim, tôi gấp vội cuốn sổ lại, gác lên giá sách, rồi háo hức chạy ra.
Sau nhiều ngày ở riết trên thị trấn, bất đồ một chiều kia đột nhiên mẹ về rất sớm. Vào đến nhà, chỉ mấy phút sau mẹ và dì dắt nhau vào phòng dì, kéo ghế ra ngồi luôn vào bàn, không quên xua tôi đi. Gió chiều se se lạnh. Mãi đến khi tối mịt ba chúng tôi mới ngồi quây quần bên mâm cơm nhỏ. Dì vừa xới cơm ra thì mẹ nói. Kiểu nói cố thong thả nhả ra từng chữ một, những lúc mẹ nói như thế bao giờ tôi cũng rất hãi.
- Thằng Điển cũng lớn rồi, đã đến lúc nói cho nó biết sự thật…
- Vâng… - Dì đáp lại mà mặt đỏ bừng, đôi mắt tròn chợt ầng ậng nước mắt.
Mẹ quay sang tôi:
- Điển này, hãy bình tĩnh nghe mẹ nói, đây là một bí mật đã được mẹ và dì chôn giấu suốt mười mấy năm qua. Con chính là con ruột của… dì Thanh và bố con.
Giật mình tới mức suýt làm rơi bát cơm trên tay, tôi lắp bắp:
- Mẹ… mẹ và dì đang đùa con phải không ạ?
Giọng mẹ thản nhiên:
- Hoàn toàn là sự thật. Bây giờ mẹ muốn hai mẹ con được đoàn tụ với nhau. Còn mẹ, mẹ sẽ tái giá với ông chủ nhà hàng nơi mẹ làm việc. Ông ta đã bỏ vợ năm năm rồi. Ông ta mê mẹ, đủ sức chiều theo những ham muốn của mẹ. Và mẹ tin rằng mình đã không chọn nhầm người.
Nhớ đến cái đêm mẹ và dì lớn tiếng tranh luận, nhớ đến những nét chữ tròn xinh ướt nhòe trong cuốn sổ cũ sờn, tôi cúi đầu nín lặng. Đầu óc tôi như bị đảo lộn, rối bời. Tôi không thể gọi tên thứ cảm xúc hỗn độn lúc ấy.
Dì khuyên nhủ mẹ:
- Xin chị hãy nghe em nói một lần này nữa thôi. Ông ta nổi tiếng khắp vùng là một người đàn ông vũ phu. Người vợ trước do không chịu được những trận đánh đập dã man mỗi ngày nên uất ức quá mới phải đệ đơn ly hôn ông ta. Nay chị lại… Điều em mong muốn nhất bây giờ là chị và em sẽ cùng nhau chăm sóc và nuôi dạy thằng Điển…
Mẹ cắt ngang:
- Sao em cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi cái điệp khúc ấy vậy nhỉ? Chị đã phải chờ đợi đến bao giờ nữa. Cuối cùng thì chị cũng không giành được anh ấy với em. Chị sẽ ra đi để mẹ con em được chung sống hạnh phúc một cách trọn vẹn. Có chị ở đây chỉ giống như một bức tường vô hình ngăn cách tình mẫu tử của mẹ con em mà thôi.
Mẹ buông đũa đứng dậy, vội vàng vào buồng lấy thêm mấy bộ quần áo xếp vào trong chiếc vali nhỏ. Trước khi ra khỏi cửa, mẹ nói thêm với tôi: “Mẹ không phải là mẹ ruột của con”, rồi lẳng lặng bước xuống sân, rú ga và phóng xe đi luôn trong đêm tối. Tất cả mọi việc đến với tôi đột ngột và dữ dội như một cơn địa chấn. Khi ánh đèn xe máy của mẹ chìm khuất sau bóng đen của những rặng tre cuối con ngõ, tôi chạy ào ra bờ ao sau nhà và hét toáng lên. Chỉ có cách này mới giúp tôi vứt bỏ hết những câu hỏi đang quay cuồng trong tâm trí.
Cuộc sống vốn dĩ lắm bất ngờ. Sau những phút giây chết điếng, tôi học chấp nhận diễn biến mới của đời mình và thật bất ngờ tôi lờ mờ nhận ra rằng hình như phải như thế này mới thật là đúng.
Lại một buổi sáng chủ nhật miên man nắng ấm, tựa lưng bên cửa sổ, tôi chậm rãi đọc lại truyện ngắn Hiên nhà hoa rụng bỏ dở hôm trước: “…Mình yêu anh ấy thật rồi. Mình biết như thế là sai nhưng mình không cưỡng lại được. Mình cồn cào nhớ, mong ngóng anh. Sau mỗi lần ghì siết mình vào lòng, sau mỗi lần tan chảy ra, lần nào giọng anh cũng khê đặc thổn thức, tại sao anh không nhận ra, tại sao anh lại lạc lòng như thế… Thanh ơi!”.
Tôi đưa mắt nhìn ra phía cửa sổ, ngoài hiên, dì - à không mẹ tôi lặng lẽ ngồi khâu chiếc áo cũ của tôi, dưới giàn mướp hương rụng hoa vàng thổn thức… Nhiều ngày đã qua, mẹ vẫn chưa thể ngồi vào viết lại, cứ lâu lâu mẹ lại ôm tôi vào lòng “con ơi con ơi…” cứ như thể để bù lại mười mấy năm phải chôn chặt cảm xúc thật; rồi cũng lâu lâu mẹ ngồi thẫn thờ, tôi biết mẹ nhớ chị mình, không biết bà có ở được với ông chủ nhà hàng kia không. Tôi hình dung, tôi mường tượng… Tôi hiểu ra những lúc mẹ quát tháo vô cớ mà bố lẳng lặng nhẫn nhịn… Tôi nhớ những lúc bố buồn xa xăm, như hoài nhớ một điều gì đó, ánh mắt của bố giờ đây nếu diễn đạt cho đúng tôi sẽ gọi là “đau đớn”… Tôi biết vì sao bố gần như không muốn về ngoại, quá đỗi cần thiết bố mới về nhưng cũng rất nhanh, bố mượn cớ để đi ngay và bố lảng tránh người mà lẽ ra tôi phải gọi “mẹ ơi” sớm hơn… Có lẽ ngay từ đầu bố phải ráp với mẹ thì có phải là đời đã có một đôi thật đẹp, trớ trêu thay bố lại để đường tình của mình rẽ đi như thế. Càng nghĩ tôi càng thương bố hơn!