Tiếng người
Tạp bút của HOÀNG CHƯƠNG
Trong cái lạnh lây phây cuối năm của buổi uống trà sáng hội hưu trí trong xóm, anh bạn hùng hồn khẳng định rằng nuôi cá, chơi cây cảnh, đọc sách… là phù hợp với lứa già đang dần đến đận gần đất xa trời như chúng ta. Anh nói tiếp: Tới cái tuổi tóc muối nhiều hơn tiêu này, càng ít nghe người ta lý sự là càng tốt và cũng để cho lòng bớt sân si vướng víu. Không biết mấy ông thấy sao chứ về phần mình, tôi nghiệm ra cứ im lặng ngắm hoa nở, ngắm trăng lên, thưởng thức từng trang sách... cũng là một cách nhấm nháp thi vị sự đời. Đâu cần phải giãi bày ồn ào với người khác mà có khi lợi bất cập hại.
Tôi thì nghĩ hơi khác. Tuổi càng cao thì càng phải giữ sự giao lưu, đối thoại với đối tác chung quanh, tất nhiên là trước khi nói phải suy nghĩ thấu đáo, tiếp thu có cân nhắc, chọn lọc. Còn cứ im ỉm lặng lờ suốt, ắt sẽ dễ trầm cảm mà già mau, chết sớm như chơi. Cùng ngồi cà phê hay nhắm rượu mà anh nào anh nấy cứ thu lu một đống, mạnh ai nấy mạnh lặng thinh chăm bẵm lướt vuốt màn hình điện thoại thì quá chán thiệt tình. Vợ chồng chung nhà mấy mươi năm, ngày nào cũng chỉ nhát gừng trao đổi ừ hử mấy tiếng thì gia đình sẽ buồn như rệp. Chợt nhớ báo đăng chuyện ông kia ra nước ngoài tình cờ bật mấy câu tiếng Việt giữa phố chiều tuyết rụng lạnh băng. Bỗng đâu có anh khác chạy tới lắp bắp cho biết lâu quá là lâu mới được nghe lại giọng điệu quê nhà rồi cả hai ôm nhau mắt rưng rưng sương khói. Hồi đất nước còn chiến tranh bom đạn tơi bời, bạn bè gặp nhau có khi chưa kịp nói lời tri âm tri kỷ thì đã xương tan máu rơi, âm dương chia lìa đôi ngã. Đến nỗi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải thốt lên ngậm ngùi trong một ca khúc: “Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn/ Thừa đôi tay, dư làn môi/ Từ nay tôi quên hết tiếng người!”…
Tranh của họa sĩ VĂN QUÂN
Cùng bao âm thanh quen biết hàng ngày của làng quê, phố thị, biển thẳm, non cao, tiếng người giao tiếp với các cung bậc đa âm đa sắc làm cho cuộc sống đời thường động cựa đáng yêu hơn. Thương nhất vẫn là tiếng bi bô hồn nhiên của trẻ thơ ngày đầu tập nói; tiếng mẹ ru con ngọt ngào thuở ấu thơ mà bao ông già bà cả vẫn nhớ mãi không quên; tiếng ngọt ngào, dịu dàng như rót mật vào lòng của người vợ đầu gối tay ấp trọn đời chung thủy cùng chồng vững vàng đi qua bao sóng gió cuộc đời... Tiếng người khoan hòa, chuẩn mực của cha mẹ trong nhà dạy con cái sau này biết sống thiện lương giữa chìm nổi cuộc đời. Tiếng người công tâm, chính trực của thủ trưởng động viên cán bộ, nhân viên biết chia sẻ vui buồn, đoàn kết, tương trợ để toàn cơ quan công tác, làm việc tử tế mà hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Tiếng người phát ra đúng lúc, đúng nơi có khi sẽ giúp một cá nhân vươn tới đỉnh cao trong học hành, lập thân lập nghiệp. Còn ngược lại là đẩy tha nhân xuống vực sâu của tù tội, tủi nhục, tha hóa, đớn hèn!
Chó sủa, mèo kêu, chim ca, vượn hú, chuông ngân, gió thổi... là những thanh âm thân thuộc nhưng làm sao thân thương bằng tiếng mẹ đẻ đã tồn tại, biến thiên đủ kiểu nhưng vẫn ngọt ngào qua hàng dặm dài lịch sử. Từ lúc oe oe chào đời cho đến khi xuôi tay nhắm mắt về cõi vĩnh hằng, luôn đồng hành, bíu ríu cùng ta theo vận nước nổi chìm, tiếng Việt à tiếng Việt ơi...