Giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ chào mừng kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
(BĐ) - Tối 21.1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (TP Quy Nhơn) đã diễn ra chương trình nghệ thuật giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ. Chương trình do UBND tỉnh phối hợp với Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức để chào mừng kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (7.1.1972 - 7.1.2024) và kỷ niệm 74 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26.1.1950 - 26.1.2024).
Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi (thứ 2 từ phải sang) dự chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dự chương trình, về phía Ấn Độ có ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh và phu nhân. Về phía tỉnh, có lãnh đạo Sở VH&TT, Sở Ngoại vụ; đại diện các sở, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh; đông đảo học sinh, sinh viên và nhân dân đến xem.
Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh chia sẻ: “Thời gian qua, hợp tác giữa tỉnh Bình Định và các địa phương của Ấn Độ đã đạt được một số kết quả nhất định. Tỉnh Bình Định mong muốn Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh cùng các cộng sự sẽ tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, kết nối cộng đồng DN, thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa Bình Định với các đối tác Ấn Độ, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm cao mới. Sự kiện văn hóa được tổ chức hôm nay là hoạt động nhằm thắt chặt tình hữu nghị, giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ, góp phần quảng bá về con người, văn hóa, quê hương Bình Định đến với bạn bè quốc tế”.
Phát biểu tại chương trình, ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Ấn Độ và Việt Nam đã có mối quan hệ bền chặt trong suốt 52 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Bản thân tôi đã nhiều lần đến với Quy Nhơn - Bình Định, tôi rất mong muốn Bình Định và các địa phương khác của Ấn Độ sẽ kết nối phát triển trong tương lại, cũng như Ấn Độ và Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, phát triển bền vững hơn. Điệu múa tham gia biểu diễn tại chương trình là điệu múa truyền thống của đất nước chúng tôi, với những tiết tấu tươi vui. Mong rằng qua chương trình giao lưu này, các bạn ở đây sẽ hiểu thêm những nét đẹp văn hóa của Ấn Độ mà chúng tôi giới thiệu, tôi cũng muốn các bạn ở Bình Định sẽ có dịp sang Ấn Độ để tham quan, thúc đẩy hợp tác phát triển văn hóa”.
Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh (thứ 2 từ phải sang) tặng quà lưu niệm và hoa cho ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Chương trình diễn ra với những tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định (thuộc Sở VH&TT) và Đoàn nghệ sĩ múa Ấn Độ biểu diễn.
Mở đầu chương trình là tiết mục múa Trình tường do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tiết mục múa Chăm Hồn tháp do Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Mở đầu chương trình là tiết mục múa Trình Tường; múa Chăm Hồn tháp; biểu diễn võ cổ truyền Bình Định do các nghệ sĩ, diễn viên, võ sinh của các đơn vị trực thuộc Sở VH&TT tỉnh Bình Định biểu diễn.
Các điệu múa Punjabi do Đoàn nghệ thuật múa Ấn Độ biểu diễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tiếp đó là tiết mục biểu diễn các điệu múa Punjabi - đây là những điệu múa dân gian và tôn giáo của người dân bản địa ở vùng Punjab nằm dọc biên giới Ấn Độ và Pakistan, do Đoàn nghệ thuật múa Ấn Độ biểu diễn. Phong cách của các điệu nhảy Punjabi dao động từ năng lượng rất cao đến chậm rãi và dè dặt, đồng thời có những phong cách cụ thể dành cho nam, nữ; trong đó, bhangra là điệu múa dân gian phổ biến nhất ở Punjab, bắt nguồn từ vùng Sialkot của Punjab (Pakistan) gắn liền với lễ hội Vaisakhi mùa xuân, sau khi người nông dân thu hoạch lúa mì.
NGỌC NHUẬN