Chiếm dụng mặt nước nuôi thủy sản tự phát
Dưới chân cầu Ðề Gi (thuộc tuyến đường ven biển), nhiều hộ dân chiếm dụng mặt nước trong khu vực được quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão để làm lồng bè nuôi thủy sản tự phát, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông tàu thuyền, cản trở dòng chảy và tạo nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Đứng trên cầu Đề Gi nhìn xuống vùng biển dưới chân cầu thuộc khu vực xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), có thể thấy hàng chục lồng bè nuôi thủy sản san sát nhau trên mặt nước. Các lồng bè này nằm ngay trên luồng lạch tàu thuyền ra vào Cảng cá Đề Gi, do người dân chiếm dụng mặt nước để nuôi các loại cá biển và hàu.
Chiếm dụng mặt nước làm lồng bè nuôi thủy sản tự phát dưới chân cầu Đề Gi. Ảnh: X.N
Chủ tịch UBND xã Cát Khánh Đinh Thành Tiến xác nhận: “Việc chiếm dụng mặt nước để nuôi thủy sản bằng lồng bè của người dân địa phương có từ lâu, trước khi xây dựng cầu Đề Gi mới. Hiện có 12 trường hợp là người dân địa phương đang có lồng bè nuôi thủy sản nằm dưới chân cầu Đề Gi thuộc địa phận của xã. Việc nuôi thủy sản này là tự phát, không nằm trong quy hoạch, gây ra nhiều hệ lụy”.
Ở bờ đối diện thuộc địa phận xã Mỹ Thành cũng có 20 trường hợp (3 của xã Mỹ Thành và 17 của xã Cát Khánh) chiếm dụng trái phép mặt nước để nuôi thủy sản. Hầu hết các chủ lồng bè này đều trình bày nguyên nhân của việc làm kể trên là do nghề đi biển bấp bênh, nuôi tôm trên cát gặp khó khăn nên mới tận dụng mặt nước ở khu vực này nuôi thủy sản.
“Thấy người khác xuống làm được mà không ai nói gì nên tôi cũng làm theo. Mỗi vụ nuôi hàu kéo dài khoảng 5 tháng là thu hoạch, khi đến mùa mưa bão thì chúng tôi kéo bè vào bờ, trả lại mặt nước để tàu vào trú bão”, chủ một bè nuôi hàu cho biết.
Dù vậy, việc nuôi thủy sản của các hộ dân tại khu vực dưới chân cầu Đề Gi là sai quy định. Bởi vị trí nuôi nằm trong khu vực neo đậu tàu thuyền đã được UBND tỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão, sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông của tàu thuyền và nhiều hoạt động khác. Vì vậy, Sở NN&PTNT đã đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan nhanh chóng xử lý dứt điểm tình trạng chiếm dụng mặt nước để nuôi thủy sản bằng lồng bè ở khu vực này.
Về hướng xử lý các lồng bè nuôi thủy sản tự phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Hồ Ngọc Chánh cho biết, huyện đã chỉ đạo xã Mỹ Thành cùng các ngành liên quan thành lập đoàn công tác tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ lồng bè hiểu rõ việc chiếm dụng mặt nước đầm Đề Gi để nuôi thủy sản là vi phạm pháp luật. Đồng thời, yêu cầu hộ dân thực hiện cam kết tháo dỡ lồng bè ngay sau khi thu hoạch sản phẩm nuôi, không cho tái sản xuất và phát triển thêm. Những trường hợp cố tình vi phạm, các ngành chuyên môn cấp huyện sẽ tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo xã Cát Khánh nắm lại số lượng chủ lồng bè nuôi thủy sản tại đầm Đề Gi để tuyên truyền chấm dứt hoạt động này và không cho đóng mới. Riêng các lồng bè nuôi thủy sản tại khu vực dưới cầu Đề Gi phải xử lý dứt điểm, trả lại mặt bằng khu vực này để phục vụ triển khai Dự án Khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi.
Ông Đinh Thành Tiến cho biết thêm: “Xã đã làm việc với tất cả các chủ lồng bè và họ đã ký cam kết sẽ di chuyển lồng bè, trả lại hiện trạng mặt nước ở khu vực này. Về lâu về dài, chúng tôi cũng kiến nghị huyện cần sớm quy hoạch một khu nuôi thủy sản mới để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.
XUÂN NHÂM