Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024: Nhiều tín hiệu vui
Sau 11 năm triển khai thực hiện, bên cạnh sự đổi mới về công tác tổ chức và cách đánh giá, cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học ghi nhận nhiều ý tưởng sáng tạo, gần gũi với đời sống và có tác động tốt đến tinh thần yêu khoa học, thích khám phá sáng tạo trong học sinh. Cuộc thi năm học 2023 - 2024 đã cho thấy những chuyển biến rõ nét, vượt bậc.
Ý tưởng thực tế, đa dạng
Dự án Bảng tuần hoàn thông minh mà hai học sinh Nguyễn Thị Trà My và Trần Bình Thảo Trâm (lớp 8A2 Trường THCS Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn) mang đến cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của nhiều thầy cô và học sinh.
“Tấm bảng điện có màn hình hiển thị chữ viết, hình ảnh một cách sinh động, chỉ cần bấm nút vào nguyên tố muốn tìm hiểu, mọi thông tin sẽ hiển thị kèm giọng đọc thuyết minh”, Trà My giới thiệu với các bạn trường khác về dự án đạt giải nhì cuộc thi của mình như vậy.
Em Nguyễn Thị Trà My (đeo khăn quàng; lớp 8A2 Trường THCS Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn) giới thiệu về dự án Bảng tuần hoàn thông minh với các bạn. Ảnh: N.T
Ngoài bảng tuần hoàn thông minh kể trên, còn có website hỗ trợ học sinh THPT học tốt tiếng Anh do hai học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trân (TX Hoài Nhơn) thiết kế. Một số dự án khác như: Tủ thuốc thông minh sử dụng công nghệ IoT giúp nhắc người thân uống thuốc của học sinh Trường THCS Cát Hiệp (huyện Phù Cát) hay Ba lô cứu sinh thông minh của hai học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT An Lão..., đều có tính ứng dụng cao.
Nỗ lực phát huy sức mạnh công nghệ thông tin vào những dự án nâng cao kết quả học tập và chất lượng sống của học sinh tạo được ấn tượng với nhiều thành viên ban giám khảo. Nhiều dự án thể hiện sự quan tâm của học sinh đến những vấn đề của địa phương như phát triển tiềm năng du lịch, nông sản, bảo tồn văn hóa, tìm kiếm nguồn dược liệu quý. Trong đó, có những dự án hướng đến lợi ích cộng đồng, có tính nhân đạo, tuyên truyền về tinh thần tương thân tương ái rất lớn.
Không ngại ngần, các nhóm tác giả thực hiện dự án thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi đã thẳng thắn nêu rõ những vấn đề học sinh đang đối mặt như bị miệt thị ngoại hình; áp lực vì thầy cô, cha mẹ so sánh trong học tập; thiếu hiểu biết pháp luật khi sử dụng mạng xã hội nên bị dính bẫy lừa đảo trên mạng. Hai học sinh lớp 10 Trường THPT số 1 Phù Cát đã nghiêm túc đặt ra vấn đề triển khai thực hiện phương châm: “Học sinh biết, học sinh bàn, học sinh làm, học sinh kiểm tra, học sinh giám sát, học sinh thụ hưởng” sao cho thực chất để quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi của học sinh…
Cần tiếp tục phát huy
Cuộc thi lần này thu hút sự tham gia của 39 trường THPT, 44 trường THCS với 105 dự án thuộc 15 lĩnh vực của 206 học sinh được 105 thầy cô giáo hướng dẫn. Theo đánh giá của ban tổ chức, ban giám khảo, các dự án đều được chuẩn bị công phu, một số có tính mới, có tính ứng dụng cao.
Kết quả, có 50 dự án đạt giải, trong đó cấp THCS có 27 dự án; cấp THPT có 23 dự án. So với năm học 2022 - 2023, số dự án đạt giải tăng thêm 17 dự án (THCS tăng 1, THPT tăng 16). Ngoài ra, số lĩnh vực dự thi tăng 1, số đơn vị dự thi tăng 10. Các lĩnh vực có nhiều dự án dự thi là Khoa học xã hội và hành vi (31 dự án), Hệ thống nhúng (21 dự án), Kỹ thuật cơ khí (12 dự án).
Theo nhiều thầy cô giáo, trong số khá nhiều cuộc thi của ngành GD&ĐT, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học là một trong những cuộc thi nhiều ý nghĩa khi đặt ra mục đích là giúp học sinh vận dụng kiến thức sách vở vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Suốt hai ngày 17 - 18.1 diễn ra cuộc thi cấp tỉnh tại Trường Quốc học Quy Nhơn, khu trưng bày dự án luôn tấp nập thầy cô và học sinh có tham gia hoặc không tham gia cuộc thi đến tham quan, tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ, học hỏi. Cùng hai cô học trò Trường THPT Hùng Vương dành nhiều thời gian tham khảo các dự án, cô giáo Hoàng Thị Thùy Linh chia sẻ: “Các học trò tôi say mê nghiên cứu khoa học, thấy bạn bè mình đang bị vướng một số vấn đề về tâm lý, hai em muốn tìm kiếm giải pháp hỗ trợ bạn, đồng thời phổ biến giải pháp rộng rãi để hỗ trợ những học sinh gặp hoàn cảnh tương tự. Dù về trường dạy nhiều năm nhưng năm nay lần đầu tôi tiếp cận với việc này nên cả trò và thầy đều hứng thú tìm hiểu, học hỏi”.
Điều phấn khởi nhất là ý tưởng của đa số dự án bám rất sát thực tế trường lớp và đời sống. Ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban tổ chức, Phó Trưởng Ban chấm thi, cho hay: Từ những dự án, có thể thấy thầy cô hướng dẫn sau nhiều năm tham gia cuộc thi đã có nhiều kinh nghiệm, biết cách truyền cảm hứng, định hướng, khơi gợi, hỗ trợ các em xác định ý tưởng đúng hướng. Nhiều học sinh tự tin trong phần thuyết minh trước giám khảo, thể hiện mình chính là chủ nhân của ý tưởng, của quá trình triển khai thực hiện và cả giải pháp đưa ra.
NGỌC TÚ