Khó khăn trong chuyển đổi số
Công tác chuyển đổi số ngày càng được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện. Tuy vậy, quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản, nguồn nhân lực...
Còn gặp nhiều khó khăn
Phù Cát triển khai khá nhiều đầu việc về chuyển đổi số (CĐS), nổi bật là mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Phù Cát (thị trấn Ngô Mây), với 225/525 tiểu thương tham gia. 6/18 xã, thị trấn đã đầu tư, lắp đặt hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT). Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng VH&TT huyện Phù Cát, cho hay: Đơn vị chưa có viên chức, nhân viên chuyên ngành về CNTT, do vậy việc thực hiện các nhiệm vụ CĐS gặp nhiều trở ngại. Hầu hết, viên chức, nhân viên làm việc kiêm nhiệm, “vừa học, vừa mò mẫm”. Việc tuyển nhân lực CNTT cũng không đơn giản. Thực tế cho thấy, các kỹ sư CNTT sau khi tốt nghiệp đều chọn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương hoặc TP Hà Nội để công tác, bởi được trả lương cao, trong khi về đây chỉ nhận được khoảng 3,3 triệu đồng/tháng, nên rất khó thu hút.
Chưa hết, hạ tầng CNTT cơ bản (máy tính, mạng LAN, đường truyền internet) ở nhiều địa phương chưa hoàn thiện, nhất là các huyện, xã miền núi. Đơn cử ở huyện Vĩnh Thạnh, đến nay, nhiều xã, thị trấn và một số phòng, ban chưa có mạng LAN. Cá biệt, một số máy tính đã sử dụng nhiều năm, cấu hình thấp, chưa có phần mềm diệt vi rút bản quyền để bảo vệ an toàn dữ liệu. Hệ thống mạng internet tại các xã, thị trấn được đầu tư phân tán, mỗi đơn vị phòng, ban tự đầu tư đường truyền riêng; có đơn vị thiết lập mỗi tầng làm việc của cơ quan một đường truyền internet…
Thêm vào đó, có nơi đầu tư, lắp đặt đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT chưa được bao lâu đã hư hỏng, hoặc bị nhiễu sóng, không thu được sóng mỗi khi trời có mưa, gió mạnh. Ông Võ Văn Tín, Trưởng Phòng VH&TT huyện Hoài Ân, cho hay: Huyện có 8 xã đã đầu tư, lắp đặt hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, trong đó, Đài truyền thanh xã Ân Sơn được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo về thông tin. Tuy nhiên, có nơi đã xảy ra tình trạng hư hỏng, như Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT ở xã Ân Tường Tây đang có 4 - 5 cụm loa bị hư nhưng chưa được bảo trì, sửa chữa kịp thời.
Ngoài ra, hạ tầng viễn thông một số nơi chưa đảm bảo, trong đó có địa bàn An Nhơn. Ông Đặng Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng VH&TT TX An Nhơn, chia sẻ: Mạng 3G, 4G cơ bản được phủ sóng ở các thôn, khu vực trên địa bàn thị xã, tuy nhiên có lúc có nơi sóng chưa được ổn định, chập chờn, gây khó khăn trong triển khai ứng dụng công nghệ, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Công chức Bộ phận một cửa UBND xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: T.LỢI
Tìm giải pháp tháo gỡ
Tại hội nghị tổng kết ngành TT&TT năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, cho rằng: Nhân lực CNTT phục vụ CĐS là khó khăn chung nhiều sở, ngành, địa phương gặp phải. Ngay cả Sở TT&TT trong 2 năm qua không tuyển được viên chức CNTT. Trong điều kiện như vậy, trước mắt, các địa phương cần linh động luân chuyển cán bộ am hiểu CNTT theo hình thức biệt phái. TX Hoài Nhơn đang làm tốt việc này. Các địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hoài Nhơn để khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ CĐS được giao.
Về hạ tầng kỹ thuật CNTT, nhất là hạ tầng CNTT cơ bản, theo Sở TT&TT, thì cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm đầu tư, đảm bảo hoạt động. Năm 2023, UBND tỉnh đã bố trí mỗi đơn vị cấp huyện 10 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ CĐS, trong đó có phần việc này. Về lâu dài, các địa phương cần rà soát, đánh giá về thực trạng cơ sở vật chất, nhân sự CĐS chính xác, kỹ lưỡng; tập trung xử lý những vấn đề cấp thiết liên quan đến CĐS, làm cơ sở để Sở TT&TT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ tháo gỡ.
Về tình trạng đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT một số nơi gặp sự cố hư hỏng do chậm bảo trì, lãnh đạo Sở TT&TT ghi nhận, tổng hợp để có kế hoạch chỉ đạo bộ phận liên quan kiểm tra, đề xuất hướng giải quyết. Lưu ý, hiện nay có khá nhiều đơn vị cung cấp thiết bị đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, do đó quá trình triển khai cần nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn đơn vị cung ứng uy tín, chất lượng sản phẩm tốt. Sau khi hoàn thành đầu tư, các địa phương cần trao đổi thường xuyên với đơn vị lắp đặt để được hướng dẫn thêm thao tác vận hành. Ngoài ra, với chức năng của đơn vị, Sở TT&TT tiếp tục phối hợp với các địa phương mở nhiều lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức, người phụ trách đài truyền thanh xã... để có thể quản lý, vận hành tốt các trang thiết bị mới, hiện đại.
TRỌNG LỢI