Ðịnh vị 3 cực phát triển cho Bình Ðịnh
TP Quy Nhơn và vùng phụ cận là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Ðông Nam tỉnh Bình Ðịnh; TX Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc, hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Bắc tỉnh; còn đô thị Tây Sơn sẽ là cực phía Tây, hạt nhân thúc đẩy phát triển cho khu vực này.
Ðây là 3 cực phát triển trong cấu trúc không gian đô thị của tỉnh được xác định tại Quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
BÍ THƯ THÀNH ỦY QUY NHƠN NGUYỄN VĂN DŨNG:
Phát triển cảng biển - dịch vụ - du lịch và công nghiệp
TP Quy Nhơn được quy hoạch xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và KHKT của tỉnh; trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, ứng dụng KHKT và công nghệ của vùng. Đồng thời phát triển, mở rộng thành phố về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại KKT Nhơn Hội; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông xung quanh đầm Thị Nại để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ và các dự án phát triển KT-XH là một định hướng hết sức cần thiết, quan trọng.
Trên cơ sở đó, thành phố xác định trọng tâm phát triển nhanh, bền vững với các mũi nhọn: Cảng biển - dịch vụ - du lịch, trên cơ sở công nghiệp làm nền tảng quan trọng.
Về dịch vụ - du lịch biển, tập trung phát huy hiệu quả không gian ven biển vốn có của Quy Nhơn và KKT Nhơn Hội có thế mạnh đặc thù cảnh quan đẹp. Đặc biệt, chú trọng quy hoạch, xây dựng và hình thành 4 điểm du lịch cộng đồng tại các làng chài xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng) và hoạt động du lịch tuyến sông, đầm Thị Nại. Thành phố cũng triển khai thực hiện đồ án quy hoạch không gian vịnh Quy Nhơn, công viên biển Xuân Diệu, bảo tồn và phát triển du lịch bền vững khu vực làng chài xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu.
Thành phố tập trung nguồn lực phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch đa dạng như du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - thể thao biển, du lịch khoa học - du lịch MICE, du lịch di sản văn hóa, đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp, hiện đại, xanh, an toàn, thân thiện và giàu bản sắc văn hóa; tăng cường kết nối các địa bàn trọng điểm du lịch trong tỉnh, liên kết vùng và liên vùng.
Không chỉ thế, TP Quy Nhơn kết nối với huyện Tuy Phước, lấy đầm Thị Nại làm trung tâm phát triển. Quy Nhơn - Tuy Phước và khu vực xung quanh đầm Thị Nại là nơi hội tụ mọi yếu tố cảnh quan thiên nhiên đa dạng. Trung tâm của vùng cảnh quan thiên nhiên này là đầm Thị Nại - giao giữa đất liền và bán đảo, liên kết giữa cánh đồng bằng phẳng và núi non, giữa các mạch sông suối và đại dương, tạo thành bản sắc cảnh quan đặc sắc hiếm có và cũng là khu vực tạo động lực phát triển TP Quy Nhơn về hướng Đông Bắc theo định hướng.
Thành phố cũng tập trung phát triển đô thị nhanh và bền vững để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học. Mặt khác, chúng tôi đặc biệt chú trọng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Để thực hiện, thành phố chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông chính qua địa bàn như tuyến ven biển ĐT 639, Điện Biên Phủ, QL 19B, QL 19C, cao tốc Bắc - Nam nhằm kết nối đô thị phía Tây của thành phố; kết nối phát triển kinh tế công nghiệp, đô thị, du lịch, phát triển Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định cùng với các khu logistics, Cảng hàng không Phù Cát.
TP Quy Nhơn khai thác lợi thế đô thị ven biển để phát triển du lịch, kinh tế biển. Ảnh: N.DŨNG
BÍ THƯ THỊ ỦY HOÀI NHƠN PHẠM TRƯƠNG:
Bốn nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực phát triển thị xã
Quy hoạch tỉnh Bình Định xác định đến năm 2025 TX Hoài Nhơn là đô thị loại III và phát triển lên thành phố vào năm 2030, kết nối hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế biển... Để từng bước cụ thể hóa thực hiện quy hoạch của tỉnh, Hoài Nhơn tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực phát triển của thị xã. Đó là:
- Hoàn thiện để trình cấp thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch phát triển khu vực thảo nguyên La Vuông (xã Hoài Sơn) và quy hoạch không gian phát triển chuỗi du lịch biển Tam Quan - Hoài Hải, du lịch làng nghề, văn hóa, di tích lịch sử... Tranh thủ chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nguồn lực của thị xã và các nguồn xã hội hóa để đầu tư hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết, nhằm phát huy lợi thế địa hình tự nhiên, giá trị cảnh quan của khu vực tạo sự độc đáo, khác biệt, phục vụ phát triển du lịch.
- Thị xã cũng đẩy mạnh hoàn thiện quy hoạch, đầu tư, phát triển các khu đô thị, thương mại - dịch vụ, công viên cây xanh dọc sông Cạn, phát huy giá trị cảnh quan, hình thành khu đô thị, khu dân cư xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu.
- Tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế biển, đặc biệt đầu tư, nâng cấp Cảng cá Tam Quan đạt tiêu chuẩn cảng cá loại 1 và các dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị sản phẩm thủy hải sản; hình thành trung tâm đấu giá cá ngừ đại dương khu vực Đông Nam Á tại đây.
- Cùng với đó, TX Hoài Nhơn phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xúc tiến thành lập Khu công nghiệp Hoài Mỹ, Bến cảng Hoài Nhơn và các dự án đầu tư nhà máy điện gió phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, logistics…; hình thành các điểm du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn) với không gian phát triển mới, diện mạo mới sau khi tuyến đường ven biển của tỉnh được hoàn thành. Ảnh: N.DŨNG
Thị xã sẽ tổ chức hội nghị công bố Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Hoài Nhơn đến năm 2035 và xúc tiến đầu tư năm 2024, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư các danh mục, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của thị xã, giai đoạn 2021 - 2025, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đẩy nhanh đô thị hóa; ưu tiên các danh mục công trình, dự án lớn, có tính chất quan trọng, sức lan tỏa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH.
BÍ THƯ HUYỆN ỦY TÂY SƠN LÊ BÌNH THANH:
Phát triển đồng bộ bốn trụ cột tăng trưởng
Nằm ngay cửa ngõ ra vào các tỉnh Tây Nguyên và trên hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, huyện Tây Sơn đang nỗ lực để trở thành đô thị mới cho cực tăng trưởng phía Tây tỉnh. Trong đó, huyện sẽ tập trung phát triển đồng bộ 4 trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp - du lịch - nông nghiệp công nghệ cao - đô thị.
Để hiện thực hóa mục tiêu “lên thị”, Tây Sơn sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư cho đô thị. Đến nay, trên địa bàn huyện có 2 đô thị (đô thị loại IV Phú Phong và đô thị loại V Tây Giang), 14/14 xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới (trong đó có 2 xã nông thôn mới nâng cao); huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100% và đã hoàn thành quy hoạch phân khu 1/2.000 tại 9 khu vực dự kiến thành phường. Tây Sơn sẽ tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của đô thị, đẩy mạnh phát triển khu vực nội thị theo hướng đô thị hiện đại gồm 9 xã, thị trấn dự kiến trở thành phường; tiếp tục phát triển các vùng ngoại thị gồm 6 xã...
Huyện cũng tập trung phát triển và quy hoạch mở rộng các cụm công nghiệp hiện hữu, đồng thời quy hoạch và thành lập thêm cụm công nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tối đa thế mạnh của DN đầu tư tại địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm đầu tư và đưa vào hoạt động Khu công nghiệp Bình Nghi, xúc tiến các bước lập quy hoạch, triển khai Khu công nghiệp Tây Giang.
Huyện Tây Sơn đang nỗ lực để trở thành đô thị mới cho cực tăng trưởng phía Tây tỉnh. Ảnh: NGUYỄN MINH THỌ
Với tiềm năng, thế mạnh về các sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa và du lịch, Tây Sơn cũng sẽ chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp các điểm đến, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng... nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngoài ra, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Phấn đấu xây dựng và phát triển vùng sản xuất theo chuỗi giá trị ít nhất 2 loại cây trồng chủ lực; có từ 6 - 10 ha trồng rau an toàn và hình thành chuỗi tiêu thụ; diện tích cây trồng được chứng nhận VietGAP trên 50 ha; diện tích ứng dụng công nghệ thâm canh lúa cải tiến (SRI) đạt khoảng 600 ha...
MAI HOÀNG - HOÀI THU - HỒNG PHÚC (Ghi)