Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ:
Chọn được 2 giống cói năng suất cao
Sau hơn một năm thí nghiệm, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (KHKTNN DHNTB) đã tuyển chọn được giống cói phù hợp, cộng với phương pháp canh tác hợp lý đã đưa năng suất cây cói lên trên 8 tấn khô/ha, cao hơn cách trồng cói truyền thống.
Qua khảo sát, toàn tỉnh có diện tích cây cói dao động từ 304 - 365 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước. Trong đó huyện Hoài Nhơn chiếm nhiều nhất với 254 ha (khoảng 70% diện tích cói toàn tỉnh). Tuy nhiên, đến năm 2013, Hoài Nhơn chỉ còn 170 ha cói.
Do chưa áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến nên năng suất cây cói ở tỉnh ta chỉ từ 59 - 62,7 tạ/ha (cói tươi). Đồng thời, sản lượng cói của cả tỉnh có xu hướng giảm dần bởi giá cả bấp bênh nên diện tích trồng cói ngày càng thu hẹp. Hầu hết ruộng cói của Bình Định đều bị nhiễm mặn thời gian dài 20 - 40 năm, vì vậy, ngoài trồng cói không thể trồng loại cây nào khác.
Bà Lê Thị Sưa, một nông dân trồng cói ở thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, cho biết: Mỗi năm có 2 vụ cói. Nếu các năm trước đây, cói bán tại ruộng có giá 2,5 triệu đồng/sào, hoặc thu hoạch phơi khô bán 4 triệu đồng/sào gần tương đương với trồng lúa, thậm chí có lúc cho thu nhập cao hơn, thì nay giá cói ngày càng giảm nên trồng không hiệu quả.
Lâu nay, người trồng cói ở Bình Định chỉ trồng giống cói địa phương. Có thể chia ra 2 nhóm là giống cói bông đỏ và giống cói bông trắng. Trong đó giống bông trắng cho năng suất cao, chất lượng tốt nên có đến 63,7% hộ trồng cói trồng giống này. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, công tác tại Viện KHKTNN DHNTB, cho biết: Theo cách truyền thống, người trồng cói thường không thau chua rửa mặn, không bón vôi, ít bón lót phân hữu cơ trước khi trồng; tất cả đều bón thúc từ 2- 3 lần/vụ nhưng chưa hợp lý, mật độ trồng cũng không đồng nhất, có người trồng 130 ngàn khóm/ha, lại có người trồng 250 ngàn khóm/ha, nên năng suất cói không cao.
Năm 2013, Viện KHKTNN DHNTB đã thu thập 6 giống cói ở Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, thuộc 2 nhóm giống cói bông trắng và cói bông đỏ, đem trồng thí nghiệm ở 2 địa điểm thuộc xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) và Cát Tiến (huyện Phù Cát). Những giống của địa phương này đem trồng thí nghiệm tại địa phương kia và ngược lại. Bên cạnh đó cũng thí nghiệm ở mật độ trồng, cách canh tác, chăm bón… Kết quả, đã tuyển chọn được giống cói bông trắng cho năng suất cao hơn.
Vào khoảng tháng 10.2014, Viện KHKTNN DHNTB tiếp tục xây dựng hai mô hình trồng giống cói bông trắng ở xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) và Cát Tiến để khẳng định kết quả, sau đó sẽ hoàn thiện quy trình canh tác và chuyển giao cho người dân.
HOÀNG LÂN