Vươn tầm cao bằng các đô thị biển
Thúc đẩy sự kết nối giữa kinh tế biển với chuỗi đô thị biển là cách thức để Bình Ðịnh hình thành các cực kinh tế mũi nhọn có thể cạnh tranh trong xu thế tiến về phía biển hiện nay.
Động lực để phát triển
Với vị trí địa kinh tế thuận lợi, TP Quy Nhơn đã khai thác các ưu thế để phát triển du lịch, kinh tế biển. Việc lấy biển làm mặt tiền đã mở ra không gian phát triển cho thành phố. Các khu dân cư, khu đô thị và dịch vụ mới ven biển như khu du lịch Kỳ Co, khu du lịch sinh thái Eo Gió, quần thể du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn - Nhơn Lý, tổ hợp khách sạn FLC Sea Tower Quy Nhơn, các dự án đầu tư dọc biển… là điểm nhấn quan trọng cho không gian kiến trúc cảnh quan đô thị Quy Nhơn.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, thành phố đã tập trung thực hiện tái cấu trúc mạng lưới phân bố đô thị. Đồng thời, thực hiện quy hoạch phát triển, mở rộng đô thị về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm. Trong đó, Quy Nhơn và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm. Các khu vực đô thị phát triển có cấu trúc mở, liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông vùng. Các lưu vực sông Hà Thanh, sông Côn, đầm Thị Nại, vịnh Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai, núi Vũng Chua… là bộ khung tự nhiên có vai trò cân bằng trong phát triển đô thị.
TP Quy Nhơn kết nối với huyện Tuy Phước, lấy đầm Thị Nại làm trung tâm phát triển về hướng Đông Bắc. Ảnh: N.DŨNG
Ngoài TP Quy Nhơn, tuyến đường ven biển dần hoàn thiện là cơ hội cho các địa phương khai thác lợi thế phát triển đô thị biển. Đến thời điểm này, toàn bộ khu vực ven biển của huyện Phù Cát (thị trấn Cát Tiến, đô thị Cát Khánh, xã Cát Hải và xã Cát Thành) đã được lập quy hoạch chung, riêng các khu vực trọng tâm như đô thị Cát Tiến, Cát Khánh và một số khu vực có lợi thế được lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Văn Hưng khẳng định: “Chúng tôi ưu tiên tối đa nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, vốn đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng khung tạo động lực cho khu vực đô thị ven biển. Ngoài tuyến đường ven biển đã được đưa vào khai thác sử dụng, nhiều công trình cũng đang được tập trung đầu tư xây dựng, như: Các trục đường kết nối với đường ven biển, dự án nâng cấp Cảng Đề Gi (Cát Khánh), đường ven biển phát triển du lịch thị trấn Cát Tiến, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, du lịch lớn như: Dự án Maia Quy Nhơn Beach Resort, khu du lịch Trung Lương (Cát Tiến), khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Ban Mai, khu nghỉ dưỡng cao cấp Cát Hải Bay (Cát Hải), khu đô thị và du lịch biển An Quang (Cát Khánh)…”.
Hơn 1 năm sau khi tỉnh khánh thành tuyến đường ven biển, đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh (TX Hoài Nhơn), đồng thời đầu tư cho các tuyến đường kết nối, đã mở ra không gian phát triển mới, diện mạo cho phường Hoài Hương. Ông Dương Văn Bát, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TX Hoài Nhơn, cho biết, 110 ha làm khu thương mại từ Tam Quan Bắc đến Hoài Hương cũng được định hình để mở hướng phát triển cho các đô thị dọc biển.
Kết nối mạng lưới đô thị biển thực thụ
Quan điểm của tỉnh là không hình thành những đô thị nén mà mở rộng không gian bằng những đô thị vệ tinh xung quanh Quy Nhơn, trục đô thị ven biển.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, đô thị biển tại Bình Định cần tăng sức cạnh tranh, nâng tầm vị thế để kết nối mạng lưới đô thị biển thực thụ, làm đòn bẩy kết nối giữa kinh tế biển và chuỗi đô thị nhằm thúc đẩy hình thành các cực kinh tế mũi nhọn.
Khi nói về quy hoạch phát triển và việc phát huy lợi thế tuyến đô thị ven biển, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhiều lần nhấn mạnh đây phải là những khu đô thị kiểu mới, đô thị thông minh, đô thị xanh, đi cùng là sự ổn định và đi lên của đời sống cư dân lâu năm tại địa phương, chứ không phải phát triển bằng cách đẩy người dân lùi lại phía sau, vì như vậy là không đúng, không bền vững.
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì cho rằng, đô thị ven biển là đô thị đặc thù, có tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế biển đa dạng như cảng biển, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, du lịch… Bởi vậy, quy hoạch đô thị không được chỉ dừng ở từng đô thị riêng lẻ, mà cần được xem xét trên quy mô của cả hệ thống (hệ sinh thái đô thị với các đô thị vệ tinh, đô thị thành phần), đặc biệt là tạo ra động lực, sức ảnh hưởng lan tỏa và khả năng liên kết vùng.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đô thị biển là những tọa độ mở cửa quốc gia, nên phải giàu chất hội nhập và mạnh mẽ về sức cạnh tranh quốc tế. Do đó, cần có tầm nhìn, cách tiếp cận khác về cách phát triển các cụm kinh tế biển và khu kinh tế biển. Trên nền tảng đó dựng nên tầm nhìn, cách tiếp cận mới về đô thị biển. Điều này phải được thể hiện trong quy hoạch đô thị quốc gia. Chức năng của các khu đô thị, khu kinh tế biển cần được định hình rõ và phải bảo đảm không gây xung đột.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đặt thẳng vấn đề Bình Định phải phát triển đô thị biển, ven biển trong 7 nhóm giải pháp cần thiết để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tháng 12.2023. “Với quy hoạch hiện nay cùng trục đường ven biển rất đẹp đang hoàn thiện, tỉnh Bình Định sẽ đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, phát triển chuỗi đô thị ven biển. Điều quan trọng là phải triển khai nhanh chuỗi đô thị này, đồng thời gắn với sân bay Phù Cát để kết nối cho tuyến đô thị biển, đô thị cảng biển và đô thị sân bay. Đây là một điểm đột phá mà Bình Định có sẵn lợi thế, song phải biết tận dụng để phát triển không gian đô thị và kinh tế đô thị”, TS Trần Du Lịch gợi ý.
MAI HOÀNG