KỶ NIỆM 235 NĂM CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI - ÐỐNG ÐA (1789 - 2024)
Chiến công oanh liệt, chói lọi trong lịch sử dân tộc
Tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý; thần tốc, quyết liệt trong tác chiến để giành thắng lợi là nét đặc sắc của thiên tài quân sự Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa đánh bại quân xâm lược Mãn Thanh là một trong những đỉnh cao về nghệ thuật này trong lịch sử quân sự Việt Nam, là chiến công oanh liệt, chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Bối cảnh lịch sử và chiến lược sáng suốt
Tháng 11.1788, từ sự cầu viện của tên vua “cõng rắn cắn gà nhà” Lê Chiêu Thống, 29 vạn quân Thanh dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị kéo sang biên giới và tràn vào lãnh thổ Đại Việt. Trước sức tiến công ồ ạt và quy mô của đội quân xâm lược, theo chủ trương của Ngô Thì Nhậm, quân Tây Sơn rút khỏi Thăng Long về chốt chặn tại Tam Điệp - Biện Sơn.
Đây là chiến lược sáng suốt. Ngô Thì Nhậm đã xem xét sức mạnh chiến tranh trong mối tương quan giữa địch và ta cả về thế và lực, cả về chính trị lẫn quân sự. “Hoàng Lê nhất thống chí” ghi nhận: “Nước cờ Tam Điệp” này vừa thực hiện kế sách làm “kiêu lòng” giặc, để “cho chúng ngủ trọ một đêm rồi lại đuổi đi”; đồng thời, có tác dụng trấn giữ chỗ hiểm không cho địch tràn qua, bảo toàn lực lượng, tạo điều kiện và thời cơ để chờ đại quân Nguyễn Huệ từ phía Nam ra tiến hành phản công lại giặc.
Du khách xem phim 3D về vương triều Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: MAI LÂM
Khi tin về cuộc xâm lược của quân Thanh được cấp báo về đại bản doanh quân đội Tây Sơn, Nguyễn Huệ đứng trước bài toán nan giải: Phải lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh với lực lượng chủ yếu là quân đội chính quy.
Trong khi quân Thanh đang tự mãn trước những thắng lợi bước đầu và mải mê chuẩn bị ăn Tết thì tại Phú Xuân, nhà cầm quân thiên tài Nguyễn Huệ đã chủ trương tập trung lực lượng, bằng lối đánh thần tốc, táo bạo, bất ngờ và mãnh liệt, quyết tâm giải quyết chiến tranh nhanh gọn trong một trận quyết chiến. Ông đã chọn đúng hướng, điểm đúng huyệt, đánh địch trên thế áp đảo, khiến quân thù tuy có binh hùng tướng giỏi, lực lượng đông gấp bội quân ta, nhưng do chủ quan nên không kịp trở tay, toàn quân rung chuyển rồi tan rã nhanh chóng.
Nghệ thuật quân sự thiên tài của Quang Trung
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, điểm độc đáo của chiến dịch trước hết thể hiện ở nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc. Nguyễn Huệ đã thiết lập một hệ thống tổ chức hành quân đạt hiệu quả tối đa, khiến địch hoàn toàn bất ngờ. Kể từ lúc khởi binh đến khi kết thúc chiến tranh chỉ chưa đầy 40 ngày (22.12.1788 - 30.1.1789). Song, nghệ thuật quân sự của Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn được biểu hiện tập trung nhất trong việc tổ chức và thực hành trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa.
Nguyễn Huệ chọn Thăng Long làm mục tiêu tiến công chủ yếu, tiến công địch vào đúng lúc quân địch lo nghỉ ngơi ăn Tết là hết sức đúng đắn.
Trên cơ sở hiểu địch và với ý định chỉ đánh một trận là tiêu diệt, Nguyễn Huệ đã có kế hoạch chia quân Tây Sơn thành 5 đạo, tiến công trên 3 hướng: Hướng Nam, hướng Tây Nam và Đông Bắc Thăng Long. Đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, đánh thẳng vào hệ thống phòng ngự chủ yếu của địch ở phía Nam Thăng Long (các đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi). Đạo quân thứ hai do Đô đốc Bảo chỉ huy, tiến ra Đại Áng (Thường Tín, Hà Nội), là hướng phối hợp quan trọng sẵn sàng chi viện, tăng cường sức mạnh cho hướng chủ yếu. Đạo quân thứ ba do Đô đốc Long chỉ huy, thực hiện vu hồi tiến công đồn Khương Thượng (Đống Đa), rồi thọc vào Thăng Long. Đạo quân thứ tư do Đô đốc Tuyết chỉ huy, theo đường biển đánh vào Hải Dương. Đạo quân thứ năm do Đô đốc Lộc chỉ huy, cũng theo đường biển vào cửa Lục Đầu, tiến lên Bắc Giang chặn đường rút lui của quân Thanh từ Thăng Long về và sẵn sàng đánh quân tiếp viện của địch từ Quảng Tây sang. Như vậy, với cách tổ chức và sử dụng lực lượng này, quân Tây Sơn đã hình thành hai trận quyết định: Trận Ngọc Hồi trên hướng chủ yếu và trận Khương Thượng (Đống Đa) trên hướng vu hồi.
Trong “trận hội chiến” này, Nguyễn Huệ đã khéo sử dụng lực lượng ưu thế cho từng hướng tiến công và từng trận đánh. Sử dụng hai đạo quân vào hướng chủ yếu, ông đã tạo được thế uy hiếp ở trước mặt và cạnh sườn để bao vây, tiến công chúng. Từ thế uy hiếp mạnh mẽ ở hướng chính, ông lại tạo được ưu thế cho hướng vu hồi dễ dàng diệt gọn mấy nghìn quân của Sầm Nghi Đống, rồi nhanh chóng thọc sâu vào đầu não địch với thế như chẻ tre. Uy thế áp đảo ở hướng này lại tạo thêm uy lực cho hướng chính đánh trận then chốt quyết định ở Ngọc Hồi.
Một điều mà các nhà nghiên cứu quân sự rất khâm phục là ở thời kỳ đó (thế kỷ XVIII) chưa có các phương tiện thông tin hiện đại như ngày nay, vậy mà các hướng tiến công đã hiệp đồng tác chiến để đột phá kết hợp với bao vây, vu hồi; giữa hướng chủ yếu và các hướng khác, giữa lực lượng thê đội một và thê đội hai… dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ lại diễn ra ăn khớp, nhịp nhàng đến thế.
Điều đó càng chứng tỏ nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng của Nguyễn Huệ trong đại phá quân Thanh nói chung, trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa nói riêng hết sức tài tình. Đặc biệt, đội tượng binh - “binh chủng” mới của đội quân Tây Sơn, ngoài cung, nỏ, giáo, lao, còn được trang bị thêm nhiều thứ hỏa khí (như súng tay, hỏa hổ và đại bác) được sử dụng hiệu quả, bất ngờ, đúng thời cơ, hướng vào mục tiêu trọng yếu để giành thắng lợi quyết định.
Trận đại phá quân Thanh bắt đầu vào đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức đêm Giao thừa), kết thúc thắng lợi giòn giã vào chiều mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, sau 5 ngày tốc chiến tốc thắng vô cùng oanh liệt của quân Tây Sơn.
Có thể thấy, cùng một lúc đánh địch bằng nhiều mũi trên nhiều hướng, kết hợp chính binh và kỳ binh, giữa đánh chính diện và đánh vu hồi, nhanh chóng chia cắt, làm tan rã và tiêu diệt quân địch là điểm nổi bật của cách đánh Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn trong trận quyết chiến chiến lược. Chiến thuật của quân đội Tây Sơn đã có bước phát triển trong việc nâng cao vai trò của hỏa lực và cơ động để phá vỡ đội hình địch, thực hiện đòn đột kích liên tiếp cho đến thắng lợi.
Theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng trong “Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ”, chiến thuật kết hợp vừa gấp gáp vừa thư thả, giương Đông kích Tây, tránh chỗ mạnh nhằm chỗ yếu hơn ở Ngọc Hồi - Khương Thượng đã đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự của Nguyễn Huệ.
Ý nghĩa lịch sử to lớn
Chiến thắng Kỷ Dậu 1789 được các nhà nghiên cứu Việt Nam đánh giá là chiến công oanh liệt nhất của hoàng đế bách chiến bách thắng Nguyễn Huệ. Chiến thắng này đã chặn đứng ý định xâm chiếm Đại Việt của nhà Thanh dưới thời Càn Long thịnh trị. Từ đó, góp phần giữ vững nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam, vĩnh viễn chấm dứt nạn xâm lăng của các tập đoàn phong kiến phương Bắc luôn đe dọa dân tộc Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm.
“Almanach các nền văn minh thế giới” đánh giá: “Từ ngày lập quốc cho tới cuối thế kỷ XVIII, dân tộc và đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống quân ngoại xâm và cũng đã chiến thắng tất cả những kẻ thù hung hãn nhất của các thời đại, nhưng chưa bao giờ lại tiêu diệt gọn một lực lượng lớn quân xâm lược trên 20 vạn tên và quân phản quốc tay sai chỉ trong 5 ngày như trận đại phá quân Thanh của Nguyễn Huệ”.
Chiến thắng này cùng với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đánh tan 5 vạn quân Xiêm, nói lên đầy đủ thiên tài quân sự của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Người anh hùng “áo vải cờ đào” đã kế thừa sáng tạo tinh hoa nghệ thuật quân sự, truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, tránh chỗ mạnh, đánh chố yếu, tương kế tựu kế, thế trận uyển chuyển, hiệp đồng quy mô lớn, tốc độ cao trong thời gian ngắn, đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi.
235 năm đã trôi qua, lịch sử vẫn luôn ghi nhận chiến thắng mùa Xuân Kỷ Dậu của Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, cùng với những trận Bạch Đằng, Chi Lăng… là những trang sử chói lọi bậc nhất trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt.
VŨ TÙNG