KỶ NIỆM 235 NĂM CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI - ÐỐNG ÐA (1789 - 2024)
Truyền thuyết Tây Sơn Ánh hồi quang từ lịch sử
Chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (1771 - 1802), nhưng triều đại Tây Sơn với những chiến công vang dội và cả những bước thăng trầm, đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm hồn nhân dân. Dấu ấn đó thể hiện qua lượng di sản văn hóa dân gian lớn, trong đó đặc sắc nhất là mảng truyền thuyết khá phong phú, có sự hòa quyện đậm đặc giữa các yếu tố lịch sử và tưởng tượng kỳ ảo.
Phong trào Tây Sơn trong sự yêu mến, tôn trọng của người dân
Qua những câu chuyện trong mảng truyền thuyết Tây Sơn, chúng ta có thể nhận thấy bóng dáng của những sự kiện, con người có thật của lịch sử thế kỷ XVIII với cả hành trạng, chiến công, nỗi niềm tâm sự... Nhiều câu chuyện thể hiện sự yêu mến, tôn trọng của nhân dân đương thời đối với phong trào Tây Sơn.
Cụm tượng Quang Trung - Ngô Thì Nhậm - Ngô Văn Sở trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: M.LÂM
Nhiều truyện có âm điệu ca ngợi đức độ, tài năng phi thường của các tướng lĩnh Tây Sơn, đặc biệt là ba anh em nhà Tây Sơn mà nhân dân địa phương tôn kính gọi là “Tây Sơn tam kiệt”. Một ví dụ, trong lịch sử, ba anh em Tây Sơn vốn xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả, thuở nhỏ được gia đình cho đi học văn, học võ ở An Thái. Truyền thuyết lại miêu tả anh em Tây Sơn như những người nghèo khổ nhất, bần cùng nhất của xã hội thời bấy giờ. Đó là vì người nông dân và nhân dân lao động muốn lãnh tụ của mình phải là người cùng cảnh ngộ, gần gũi, hiểu biết nỗi thống khổ của mình.
Mặt khác, nhân vật lại được “thiêng hóa” thể hiện qua những điềm báo trước họ là những con người có đức hạnh, tài trí, sẽ là bậc đế vương tương lai. Ví dụ, Nguyễn Huệ đi buôn trầu ở vùng Cà Nác, ông nghỉ chân nằm ngủ dưới một gốc cổ thụ, đồng bào Bana thấy có rồng chầu hai bên; Nguyễn Nhạc được kiếm báu cắm trên tảng đá trên núi. Nói theo cách nói dân gian, đặc điểm đó là “ý trời và tài trí của con người”.
Sự thiêng liêng hóa thời gian, không gian, nhân vật trong truyền thuyết còn cho thấy, có thể dựa vào tín ngưỡng dân gian, các thủ lĩnh Tây Sơn thời bấy giờ đã dùng yếu tố thần kỳ như một phương tiện để xây dựng niềm tin vững chắc cho nhân dân các dân tộc địa phương đối với các lãnh tụ của nghĩa quân trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa.
Một đặc điểm khác của thi pháp truyền thuyết là kết cấu và cốt truyện của truyền thuyết thường theo chuỗi, theo hệ thống. Điều này thể hiện tương đối rõ nét trong truyền thuyết Tây Sơn. Qua các truyền thuyết được tập hợp trong công trình “Văn học dân gian Tây Sơn” (Nguyễn Xuân Nhân, Nhà xuất bản Trẻ, năm 2000), có thể thấy rõ đặc điểm này, đặc biệt là mảng truyền thuyết về ba anh em Tây Sơn. Xét về đại thể, các truyền thuyết này theo sát các giai đoạn của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, lại có thể chia làm những mảng nhỏ hơn. Trước ngày dấy nghĩa thì có các truyện “Mối tình Kinh Thượng”, “Thu phục lòng dân”, “Trời trao mũ áo”, “Sứ giả Ngọc Hoàng” nói về quá trình xây dựng lực lượng, thu phục lòng người Kinh, người Thượng của các thủ lĩnh Tây Sơn. Khi khởi nghĩa thì có các truyện “Đêm đầu trong quán Chiêu Anh”, “Cây Ké phất cờ, cây Cầy khỉ cổ”, “Xuống núi khao quân”, “Đoạt thành Quy Nhơn”... Về từng nhân vật, lại có những câu chuyện liên hoàn để giải thích về tính cách, tài năng như chùm truyện về Võ Văn Dũng, về nữ tướng Bùi Thị Xuân… cũng rất độc đáo và thú vị.
“Sử dân gian” - tài sản thiêng liêng của người Bình Định
Một đặc điểm trong thi pháp xây dựng kết cấu truyền thuyết Tây Sơn là do tính chất của truyền thuyết cận đại, những chi tiết mang yếu tố thần kỳ đã khá mờ nhạt. Khi xây dựng truyền thuyết về các anh hùng Tây Sơn (những người sống ở thời cận đại, đã từng đối mặt với nền văn minh công nghiệp thể hiện qua tàu đồng, đại bác của Tây phương), người nghệ nhân dân gian tuy có kể những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại nhưng ít nhấn mạnh những chi tiết thần kỳ.
Chẳng hạn, về anh hùng Nguyễn Huệ, chỉ có chi tiết điềm báo trước như rồng ngũ sắc đưa chân khi bơi vượt qua Bầu Dài, sứ giả của Ngọc Hoàng trao mũ áo và tấm bảng “Nguyễn Nhạc vi vương, Nguyễn Huệ vi tướng”. Chỉ có mô típ sức khỏe phi thường, thể lực, tài năng đặc biệt thể hiện qua các chuyện chém rắn mãng xà đề cờ khởi nghĩa, hoặc nhổ cây đấu võ thu phục người thợ rèn đao tài giỏi.
Trong khi đó, lại nổi lên nhiều truyền thuyết có chi tiết sự hiển linh của những oan hồn nghĩa quân Tây Sơn, như “Hòn đá chém” nói về những con ma không đầu than khóc xung quanh tảng đá đặt ở chùa Thập Tháp. Nhiều truyền thuyết về các vị tướng hữu danh và vô danh sau khi bị chém ở chiến trường ôm đầu cưỡi ngựa về đến quê nhà rồi mới ngã xuống ở các vùng Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn. Phải chăng, sự trả thù tàn bạo của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn cũng đã phần nào ảnh hưởng đến nội dung và kết cấu của những truyền thuyết này?
Hệ thống truyền thuyết Tây Sơn, giống như một loại “sử dân gian” đã trở thành tài sản thiêng liêng của người dân Bình Định. Trong nhiều trường hợp, các nhà nghiên cứu phải tìm những hạt nhân lịch sử ở truyền thuyết để bổ khuyết cho chính sử thời Tây Sơn vốn trong tình trạng bị thiếu hụt, xuyên tạc bởi các sử gia triều Nguyễn. Tất nhiên, không nên đồng nhất hóa lịch sử đích thực và câu chuyện có tính dã sử trong truyền thuyết, vì như một nhà nghiên cứu đã nói “Sự thật lịch sử chỉ là cốt lõi, chỉ là cái nền, cái phông để nhân dân nhào nặn lại, chứ không phải là sử đích thực”. Cho nên, cũng cần tránh sử dụng truyền thuyết Tây Sơn như những cứ liệu lịch sử chính xác, khi nó đã được nhìn qua lăng kính cảm tính của dân gian.
Có thể nói, kho tàng truyền thuyết Tây Sơn chính là một thứ “dã sử” đã được thiêng liêng hóa. Với tầm vóc đề cập đến nhiều sự kiện, nhiều chiến công lớn lao của Triều đại Tây Sơn “vang bóng một thời”, cần có sự nghiên cứu thích đáng để mảng truyền thuyết phong phú này có vị trí xứng đáng trong hệ thống truyền thuyết Việt Nam và được nhiều người biết đến.
ANH THƯ