Tự đề ra chỉ tiêu cụ thể để thực hiện thành công Đề án 06
Ngày 25.1, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh và đại diện các sở, ngành, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: K.A
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, UBND địa phương thực hiện quyết liệt. Cụ thể, Bình Định đã hoàn thành 67/71 nhiệm vụ. Riêng đối với dịch vụ công thuộc các lĩnh vực của CA, đã tiếp nhận 359.399 hồ sơ, trong đó trực tuyến 153.380 hồ sơ, đạt 42,67%; đối với dịch vụ công của các sở, ngành, đã tiếp nhận 191.374 hồ sơ, trong đó trực tuyến 137.809 hồ sơ, đạt 72,01%.
Tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu, địa phương cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 06 như: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh đối với 53 dịch vụ công thiết yếu chưa cao. Trong đó, thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ngành LĐ-TB&XH thấp nhất chỉ 1,7% và việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tới đối tượng hưởng trợ cấp trên địa bàn tỉnh cũng thấp. Công tác số hóa dữ liệu còn chậm, chất lượng dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Việc kích hoạt sử dụng tài khoản VneID, thực hiện dịch vụ công trực tuyến vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa nắm rõ mục đích, ý nghĩa và tiện ích của Đề án 06 nên chưa tích cực kích hoạt, sử dụng tài khoản VneID, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nguồn lực về công nghệ thông tin để tham mưu triển khai Đề án 06 tại địa phương, nhất là cấp xã còn nhiều khó khăn. Công tác cấp CCCD lần đầu qua dịch vụ công trực tuyến cho đối tượng đủ 14 tuổi và người già gặp khó khăn do không sử dụng điện thoại di động hoặc không biết sử dụng các thiết bị điện tử dẫn đến không thực hiện được dịch vụ công trực tuyến... Chưa kể công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án 06 đối với các nội dung liên quan trực tiếp đến người dân, DN chưa thật sự phát huy hiệu quả...
Trao giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án 06
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng, Đề án 06 là linh hồn của chuyển đổi số. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan chủ trì, phối hợp rà soát, nhận diện các tồn tại theo từng lĩnh vực phụ trách để có giải pháp một cách cụ thể, phù hợp. Trong đó, từng sở, ngành, địa phương phải tự giao chỉ tiêu thực hiện và việc này phải thực hiện một cách đồng bộ, có sự đánh giá rõ ràng trong từng nhiệm vụ. Phải mạnh dạn đề xuất các phương án phù hợp tình hình thực tế để gỡ vướng, không nên thụ động thoái khó.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, các sở, ngành và địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06 để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và DN về sự cần thiết, tính cấp thiết và lợi ích mang lại từ kết quả thực hiện Đề án 06. Khuyến khích người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và sử dụng các tiện ích của thẻ CCCD, sử dụng tài khoản định danh điện tử, chữ ký số cá nhân để đăng nhập vào cổng dịch vụ công trực tuyến.
Dịp này, UBND tỉnh trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện Đề án 06
KIỀU ANH