“Ðất Vua” đi lên từ mạch nguồn truyền thống
Nằm trên QL 19, cách Quy Nhơn về phía Tây hơn 40 km, mảnh đất Tây Sơn từng là ngọn nguồn của một triều đại thịnh trị, nhiều vẻ vang trong lịch sử dân tộc. Từ mạch nguồn truyền thống, Tây Sơn đang vươn mình mạnh mẽ để tiến đến mục tiêu “lên thị”, trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây của tỉnh.
Chung sức, đồng lòng
Có đoàn kết, có sức dân, có nông thôn mới (NTM). Sức mạnh từ phương châm đó đã trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng tại xã NTM nâng cao Tây Phú. Việc 12 hộ dân ở thôn Phú Thịnh đồng loạt hiến đất để làm đường ở đây là chuyện không hiếm. Đặc biệt, riêng gia đình bà Nguyễn Thị Kim Đa (42 tuổi) còn hỗ trợ thêm kinh phí cho 10 hộ khác để tháo dỡ các công trình phục vụ làm đường. Nói về việc làm của mình, bà Đa khiêm tốn: “Mình có mất chút đất, mất thêm chút tiền cũng không đáng bằng lợi ích mang lại lâu dài khi có đường to, đường đẹp ngay trước nhà”.
“Đô thị lõi” Phú Phong ngày càng được nâng tầm. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Dân làm, dân hưởng. Trong tổng số kinh phí hơn 78 tỷ đồng để xây dựng NTM nâng cao tại xã Bình Tường, người dân đã đóng góp trên 5,65 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Bình Tường Trần Công Dũng khẳng định: “Biết dựa vào sức dân là chìa khóa mang đến thành công trong xây dựng NTM nâng cao ở địa phương”.
Trong khi đó, đến xã miền núi Vĩnh An vào dịp cuối năm, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tuyến đường do Hội Phụ nữ hoặc Đoàn Thanh niên tự quản. Trong xây dựng NTM tại xã miền núi này, MTTQ cùng các đoàn thể đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa hỗ trợ kinh phí vừa có những đóng góp bằng cách phát huy công sức, trí tuệ của các đoàn viên, hội viên. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An Huỳnh Thanh Sơn bày tỏ rằng quá trình xây dựng NTM, địa phương đã nhận được nhiều trợ lực từ hoạt động kết nghĩa giữa các làng với các ngành, đoàn thể. “Nhờ đó, người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tự thân vươn lên phát triển kinh tế, phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, góp phần làm thay đổi diện mạo của xã”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bước chuyển mình của Tây Sơn có thể thấy từng ngày. Đến tháng 11.2023, trên địa bàn huyện có 12 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Riêng 2 xã Vĩnh An và Tây Giang đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM đang chờ công nhận; thị trấn Phú Phong được công nhận đạt chuẩn Đô thị văn minh. Huyện Tây Sơn cũng đã đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM trong năm 2023. Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng chia sẻ rằng, kết quả này có được từ quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của toàn Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân. Đây sẽ là nền tảng, là động lực để huyện tiếp tục đi lên, từng bước vững chắc.
Vững tin lên thị
Những năm gần đây, huyện Tây Sơn xây dựng nhiều công trình mang tính đột phá như điện, đường, các công trình thủy lợi, các cụm công nghiệp... Một số dự án lớn cũng được đầu tư như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong và thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư; đập dâng Phú Phong, cầu Bình Thành, cầu Hữu Giang... sẽ tạo ra những điểm nhấn tích cực.
Ông Phan Chí Hùng kể cho chúng tôi nghe về cuộc gọi điện đột xuất của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện nhanh chóng tìm một vị trí phù hợp trong các khu, cụm công nghiệp để Công ty CP Vinanutrifood hay Công ty CP Takao Bình Định đầu tư nhà máy. Ngay lập tức các cuộc họp được dừng lại, dành thời gian cho việc đồng hành cùng DN triển khai các thủ tục đầu tư.
“Chúng tôi xác định toàn bộ hệ thống chính quyền phải chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; lấy người dân, DN làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Mỗi việc làm đều phải hướng đến hạnh phúc, lợi ích cho người dân”, ông Hùng khẳng định.
Thách thức càng lớn, quyết tâm càng cao
“Hiện thực hóa mục tiêu “lên thị”, là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây của tỉnh sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức lớn. Nhưng cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân trên địa bàn sẽ quyết tâm cao, có ý chí bền bỉ trong thực hiện. Trước mắt, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ đề ra các chủ trương đúng, kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Từ đó, huy động nguồn lực hiệu quả để thực hiện, biến ý tưởng thành hiện thực, tạo ra động lực phát triển”.
Bí thư Huyện ủy Tây Sơn LÊ BÌNH THANH
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Tây Sơn đã ban hành chương trình hành động về “Xây dựng huyện Tây Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV và sớm đạt các tiêu chí thành lập thị xã”, hoạch định chiến lược phát triển cho khu vực trung tâm và phụ cận. Theo đó, huyện đã và đang tập trung vào việc phát triển đồng bộ 4 trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp, du lịch bền vững, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mở rộng phát triển không gian đô thị.
Đến nay, huyện đã tập trung triển khai lập và hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Tây Sơn đến năm 2035; hoàn thành và phê duyệt 9 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với các khu vực dự kiến phát triển thành phường. Hơn 2 năm qua, huyện đã lập và phê duyệt 40 đồ án quy hoạch chi tiết các khu dân cư, khu đô thị mới, khu tái định cư, khu chức năng với tổng diện tích hơn 420 ha.
“Riêng việc phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng mục tiêu “lên thị”, chúng tôi sẽ thực hiện theo hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm, khai thác lợi thế vị trí địa lý, tự nhiên, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội, giữ gìn bề dày văn hóa lịch sử”, ông Hùng thông tin thêm.
“Đô thị lõi” Phú Phong và các khu dân cư hiện hữu cũng đã được huyện Tây Sơn đầu tư nhiều công trình, hạng mục chỉnh trang để nâng tầm bộ mặt đô thị. Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong Nguyễn Thanh Diên khẳng định: “Chúng tôi ý thức rằng trong mục tiêu đưa huyện Tây Sơn lên thị xã, thị trấn Phú Phong có vai trò chủ lực và đây sẽ thành khu vực nội thị của thị xã nên sẽ hợp lực, đồng lòng với các địa phương khác cùng nằm trong quy hoạch để sớm hoàn thành mục tiêu này”.
HỒNG PHÚC