Người thanh niên ấy có tên là yêu nước
Tôi đã nhiều lần đi trên con đường mang tên Nguyễn Sinh Cung ở Huế. Tôi cũng đi không ít lần trên con đường Nguyễn Tất Thành chạy dọc biển Ðà Nẵng. Nhưng vào Quy Nhơn, tôi chưa được thấy con đường mang tên Nguyễn Ái Quốc. Hơn bất cứ nơi đâu, tôi tin thành phố này xứng đáng có đường phố mang tên ấy.
Quy Nhơn đã có tượng đài thể hiện cuộc gặp gỡ và chia tay giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc và người con cụ thương yêu là Nguyễn Tất Thành. Đó là cuộc gặp gỡ và chia tay cuối cùng và tôi luôn tin rằng, với tầm vóc tư tưởng của một nhà nho thương dân, của một người thanh niên yêu nước, nơi cha con họ chia tay nhiều khả năng là một nơi nào đó bên dòng sông Côn - dòng sông trầm tích nhiều tầng văn hóa, nơi in dấu những người anh hùng áo vải cờ đào nổi tiếng, cuộc chia tay để chuẩn bị cho một cái tên mới sẽ ra đời không lâu sau đó. Ấy là tên khi “anh Ba” xuống tàu làm phụ bếp sang nước Pháp thực dân để “khai sinh lại” tên mình: NGUYỄN ÁI QUỐC.
Từ đó, nước Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” và nước Pháp thực dân biết một cái tên của người thanh niên Việt Nam, tên là “Người họ Nguyễn Yêu Nước” (Nguyễn Ái Quốc).
Trước khi xuất bản tờ báo “Người Cùng Khổ”(Le Paria) ở Paris tháng 4 năm 1922, thì người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã có bức thư đầu tiên gửi tới nước Mỹ, đề ngày 18.6.1919, sau chiến thắng của Đồng minh ở Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918).
Đó cũng là lần đầu tiên cái tên Nguyễn Ái Quốc vượt khỏi biên giới nước Pháp để tới nước Mỹ.
Bức thư ngắn viết bằng tiếng Pháp, đề ngày 18.6.1919, toàn văn như sau (đã được dịch ra tiếng Việt - NXB Hội Nhà văn, 2023):
“Kính gửi Ngài Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Hợp chúng quốc
Thưa Ngài,
Nhân dịp chiến thắng của Đồng minh, chúng tôi xin mạn phép gửi đến Ngài, kèm theo đây bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam.
Tin tưởng ở độ lượng cao cả của Ngài, chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền.
Xin Ngài vui lòng nhận sự biểu thị lòng kính trọng sâu sắc của chúng tôi.
Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam
NGUYỄN ÁI QUỐC”
Cái tên “Người họ Nguyễn Yêu Nước” ấy sau này đã vang danh khắp thế giới. Nhưng nếu chúng ta nhớ lại, cái tên ấy có thể đã khai sinh từ cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa hai cha con Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành. Năm 1911, khi bước xuống tàu Amiral Latouche -
Tréville sang Pháp, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã nung nấu trong đầu chàng trai Việt mang tên thường gọi “anh Ba”, cái tên rất Nam Bộ, mộc mạc và thật dễ lẫn lộn với tên những người An Nam lao động nghèo khổ khác.
Năm nay, 2024 - kỷ niệm 115 năm người thanh niên sắp mang tên “Yêu Nước” vào Bình Định thăm cha, trước khi sang Pháp để bắt đầu một hành trình mấy chục năm xuyên qua rất nhiều quốc gia trên thế giới. Người đã chiến đấu hết mình vì Độc lập, Tự do của đất nước và nhân dân Việt Nam.
Khi viết bức thư đầu tiên gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc mới có 29 tuổi. Và sau đúng 50 năm, bức thư cuối cùng viết năm 1969 ký tên Hồ Chí Minh, Chủ tịch một quốc gia độc lập, gửi trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon đề ngày 25.8.1969. Chỉ sau đó 7 ngày, Bác Hồ của chúng ta vĩnh biệt thế gian này, trong khi cuộc chiến đấu chống Mỹ đang ở thời điểm khốc liệt nhất.
Năm 2023, khi sang thăm Việt Nam và được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng món quà đặc biệt là cuốn sách “Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xúc động bày tỏ ông rất vui khi nhận sách này và hứa sẽ đọc rất kỹ quyển sách lịch sử ấy.
Lịch sử là câu chuyện không thể “tái bản”, nhưng cả người Việt Nam và người Mỹ đều rất tiếc nuối khi đọc cuốn sách lịch sử này. Lẽ ra, lẽ ra đã khác. Nhưng biết làm sao được.
Nơi cha con Bác Hồ chia tay nhiều khả năng là một nơi nào đó bên dòng sông Côn.
- Trong ảnh: Sông Côn, đoạn chảy qua TX An Nhơn. Ảnh: NGUYỄN MINH THỌ
Và từ cái tên Nguyễn Ái Quốc đến cái tên Hồ Chí Minh, hành trình của “Người Yêu nước vĩ đại” ấy cũng là hành trình đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân đất nước Việt Nam. Cho mãi tới ngày 30.4.1975, nước Việt Nam chúng ta mới thực sự Hòa bình, Thống nhất như Bác ước mong.
Và tới hôm nay, là câu chuyện khẳng định hiện tại và hướng tới tương lai, được thực hiện ở mức cao nhất quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Lý tưởng vĩ đại của người thanh niên có tên Nguyễn Ái Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện tại đất nước mà người thanh niên ấy đã phải dứt áo ra đi tìm đường cứu nước.
Tôi nghĩ, nhân kỷ niệm 115 năm ngày chàng trai Nguyễn Tất Thành đến thăm cha, trước khi xuống tàu, vượt biển tìm đường cứu nước, có lẽ tỉnh Bình Định nên nghiên cứu tìm một đường phố nào đó xứng tầm đặt tên là Nguyễn Ái Quốc. Đến nay ở nước ta chưa có địa phương nào có tên đường phố như thế và có lẽ không nơi nào xứng đáng hơn Quy Nhơn - Bình Định là địa phương đầu tiên có đường phố mang một cái tên giàu khát vọng đến thế.
THANH THẢO