Tự đề ra chỉ tiêu cụ thể để thực hiện thành công Ðề án 06
Từng sở, ngành, địa phương cần tự đặt chỉ tiêu để thực hiện hiệu quả Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Ðề án 06); việc này phải được triển khai đồng bộ, có sự đánh giá rõ ràng trong từng nhiệm vụ, thời điểm cụ thể... Ðó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Ðề án 06 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra ngày 25.1.
Nhận diện điểm nghẽn
Theo thông tin tại hội nghị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành, UBND địa phương thực hiện quyết liệt. Cụ thể, Bình Định là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc triển khai thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Hệ thống quản lý nội bộ của một số bệnh viện, đơn vị cấp nước, dịch vụ vệ sinh môi trường để thanh toán trực tuyến viện phí, phí sử dụng nước, rác.
Người dân đăng ký sử dụng tài khoản định danh mức độ 2 để thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công. Ảnh: K.A
Bình Định là 1 trong những địa phương có số hồ sơ thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” cao nhất nước. Hoàn thành việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa hệ thống nội bộ của 100% cơ sở y tế khám sức khỏe lái xe trên địa bàn tỉnh với Cổng giám định BHYT của BHXH, đảm bảo cho việc cấp đổi GPLX theo phương thức trực tuyến…
Tuy vậy, tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án 06. Đơn cử như tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh đối với 53 dịch vụ công thiết yếu chưa cao. Trong đó, thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ngành LĐ-TB&XH thấp nhất (chỉ 1,7%); việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tới đối tượng hưởng trợ cấp trên địa bàn tỉnh cũng đạt thấp.
Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thực tế đa số người lao động thất nghiệp là lao động phổ thông và lớn tuổi, muốn chọn nộp hồ sơ trực tiếp để được kết hợp tư vấn giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó, đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, những người yếu thế trong xã hội, phần lớn không có điện thoại thông minh hoặc gặp khó khăn trong thao tác trên điện thoại thông minh (quên mật khẩu, chọn nhầm tên người nhận tiền khi sử dụng chuyển tiền qua internet banking, mobile banking…).
Trong khi đó, đại diện Sở Tư pháp cho rằng cơ sở hạ tầng mạng, đường truyền chưa hoàn thiện nên quá trình triển khai hệ thống bị chậm, bị treo, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho công dân, DN.
“Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị ở địa phương có nơi còn hạn chế, chưa cùng trao đổi để tháo gỡ khó khăn. Do đó, dù đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhưng tiến độ triển khai nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại một số địa phương còn chậm”, bà Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa nắm rõ mục đích, ý nghĩa và tiện ích từ Đề án 06 nên chưa tích cực kích hoạt, sử dụng tài khoản VNeID, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nguồn lực về công nghệ thông tin để triển khai Đề án 06 tại địa phương, nhất là cấp xã còn nhiều khó khăn...
Tự giao chỉ tiêu thực hiện Đề án 06
Có thể nói, Đề án 06 là trung tâm của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, lấy dữ liệu dân cư làm dữ liệu gốc để hướng đến phục vụ 5 nhóm tiện ích cốt lõi: Giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển KT-XH; phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, Đề án 06 là “linh hồn” của chuyển đổi số. Do đó, các sở, ngành liên quan cần chủ trì, phối hợp rà soát, nhận diện các tồn tại theo từng lĩnh vực phụ trách để có giải pháp khắc phục cụ thể, phù hợp. Từng sở, ngành, địa phương phải tự giao chỉ tiêu thực hiện; việc này phải thực hiện một cách đồng bộ, có sự đánh giá rõ ràng trong từng nhiệm vụ. Phải mạnh dạn đề xuất các phương án phù hợp tình hình thực tế để gỡ vướng, không nên thụ động thoái khó. Riêng với việc chi trả không dùng tiền mặt, trong quý I/2024, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước, 6 ngân hàng thương mại cổ phần, Sở LĐ-TB&XH, CA và BHXH để có giải pháp cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: K.A
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, các sở, ngành và địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06 để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và DN về sự cần thiết, tính cấp thiết và lợi ích mang lại từ Đề án 06. Khuyến khích người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và sử dụng các tiện ích của thẻ CCCD, sử dụng tài khoản định danh điện tử, chữ ký số cá nhân để đăng nhập vào cổng dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, giao CA tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ UBND tỉnh giao. Văn phòng UBND tỉnh có giải pháp theo dõi, đánh giá, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến Bộ chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; mục tiêu là trong năm 2024, Bình Định nằm trong tốp đầu các địa phương trên toàn quốc. Sở TT&TT theo dõi, quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục những tồn tại, hạn chế về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản tại cấp huyện, cấp xã để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ….
Bình Định đã hoàn thành 67/71 nhiệm vụ đặt ra từ Đề án 06.
Riêng đối với dịch vụ công thuộc các lĩnh vực của CA, đã tiếp nhận 359.399 hồ sơ, trong đó trực tuyến 153.380 hồ sơ, đạt 42,67%; đối với dịch vụ công của các sở, ngành, đã tiếp nhận 191.374 hồ sơ, trong đó trực tuyến 137.809 hồ sơ, đạt 72,01%.
KIỀU ANH