Cẩn trọng với nhồi máu não
Nhồi máu não là 1 trong 2 thể bệnh của đột quỵ não (cùng với xuất huyết não). Hằng năm, BVĐK TP Quy Nhơn tiếp nhận, điều trị khoảng 300 ca đột quỵ não, trong đó nhồi máu não chiếm 70%. Bệnh xu hướng ngày càng tăng và tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.
Cách đây không lâu, bệnh nhân Cao Thị Xuân Nh. (48 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) nhập viện với triệu chứng đau đầu, nói ngọng, yếu tay chân trái, huyết áp 190/120mmHg, chụp CT-scanner sọ não thấy ổ nhồi máu ở bán cầu phải. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và tăng lipid máu nhưng điều trị không thường xuyên. Hiện tại, bệnh nhân điều trị bằng thuốc tăng tuần hoàn não, hạ huyết áp, giảm lipid máu, kháng kết tập tiểu cầu và vật lý trị liệu. Bệnh tiến triển thuận lợi nhưng cần theo dõi lâu dài để phòng tái phát.
Nhồi máu não hay còn gọi là thiếu máu não cục bộ là hậu quả của sự giảm lưu lượng máu hoặc sự đình chỉ lưu thông của một hoặc nhiều động mạch não có trách nhiệm tưới máu, nuôi dưỡng vùng não nào đó. Hậu quả là tế bào não bị hư hại, tùy mức độ có thể hồi phục hoàn toàn, hồi phục một phần hoặc không hồi phục.
Dấu hiệu sớm của bệnh là đột ngột tê và yếu nửa mặt, tay, chân hoặc nửa người; đột ngột tối 1 bên mắt không nhìn được; không nói được hoặc nói khó, không hiểu lời nói; đột ngột nhức đầu dữ dội; chóng mặt, không đứng vững hoặc ngã mà trước đó không có triệu chứng gì; đột ngột khó nuốt. Khi có một trong các dấu hiệu trên cần đến ngay các cơ sở y tế có đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chẩn đoán và điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt để khả năng cứu sống tế bào não cao, tăng khả năng hồi phục. Tuyệt đối không chích lể, cạo gió, cúng bái…
Phòng bệnh nhồi máu não có 2 cấp. Phòng bệnh cấp 1 (khi chưa bị nhồi máu não), giữ không để nhồi máu não xảy ra như thay đổi lối sống: giữ cân nặng ở mức phù hợp, không uống nhiều bia rượu, bỏ thuốc lá; không ăn mặn, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm chất béo như phủ tạng, da động vật, trứng gà vịt… Rèn luyện tinh thần sống lạc quan, tránh stress.
Phòng bệnh cấp 2 (khi đã bị nhồi máu não, mục đích không để nhồi máu não tái phát): phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý tăng huyết áp (ổn định ở mức dưới 140/90mmHg), đái tháo đường (ổn định đường huyết ở mức 3,9-7,2mmol/l), tăng lipid máu (giữ mức cholesterol và LDL-C ở mức phù hợp), các bệnh lý tim mạch (như hẹp van hai lá, rung nhĩ), béo phì…
BS BÀNH QUANG KHẢI
Những loại bệnh mà bác sĩ Khải nói trên là rất thường gặp ở người trung niên, cỡ từ 49-51 tuổi trở đi cho đến giai đoạn già. Trước đây, dân gian cứ hay gọi là bị Trúng Gió. Mấy người lớn, người già, sáng ngủ dậy sớm, mở cửa đi tiểu, bị không khí lạnh ập vào đột ngột, té ngã. Nếu nặng, không ai thấy và đưa đi cấp cứu thì chết tại chỗ. Nếu nhẹ thì méo miệng, thè lưỡi, nói không được, tê liệt 1 bên tay chân... Thật ra, đó là tai biến mạch máu não, như BS Khải nói cụ thể ở trên là một dạng trong bệnh đó. (Một dạng là thiếu máu lên não, một dạng là bể mạch máu não, máu chảy tràn lan). Cho nên, xin bà con ở quê đừng quan niệm là trúng gió nữa, và cũng đừng có xức dầu tùm lum, giựt tóc mai, nặng chanh vào miệng, chích lễ tùm lum, lau tay lau chân...nữa. Để ở nhà lâu chừng nào là nhanh chết chừng đó, hoặc nếu sống thì cũng bị nặng, khó hồi phục hoặc chỉ còn sống "thực vật". Thay vào đó, hãy bình tĩnh, nhẹ nhàng, khiêng họ ở tư thế nằm và kêu xe đưa đến bệnh viện, càng sớm càng tốt.