Tự kỷ - những tiếp cận ban đầu
Dù tự kỷ không còn là một khái niệm quá mới mẻ, nhưng ngay cả các nhân viên y tế cũng chưa chắc hiểu chính xác về nó. Lớp tập huấn về rối loạn phổ tự kỷ được tổ chức ở tỉnh ta đã góp phần giải quyết được khó khăn đó.
Khi mang thai con trai đầu lòng, chị B. - nhân viên y tế ở huyện Hoài Nhơn - đang dang dở một lớp học ở Huế. Di chuyển nhiều, chị bị động thai, phải uống thuốc thường xuyên. Vừa lọt lòng mẹ, M. không khóc. Cậu bé có trí nhớ rất tốt, có thể nhớ và hát đúng lời nhiều bài hát khó, nhưng không chịu nói. Chị B. đưa M. vào TP Hồ Chí Minh khám. Kết luận cũng chỉ là… chậm nói!
Khi biết con bị chứng tự kỷ, chị B. cũng cất công tìm cách chữa trị, nhưng lực bất tòng tâm. 5 tuổi, M. vẫn đang học lớp chồi. Sau thời gian dài tự chơi một mình và sẵn sàng đánh bạn, M. đã chịu ra khỏi phòng học vào giờ ra chơi. Tuy nhiên, cậu bé vẫn cực kỳ hiếu động, thấy ai khởi động xe máy là leo tót lên ngồi.
Hiểu đúng, chẩn đoán và can thiệp sớm
Theo Thạc sĩ Hà Chân Nhân, Quyền trưởng bộ môn Phục hồi chức năng của Trường ĐH Y dược Huế, tự kỷ là 1 dạng rối loạn hành vi và khả năng tương tác xã hội. Tự kỷ được chia thành 3 nhóm triệu chứng chính: rối loạn khả năng tương tác xã hội, rối loạn khả năng giao tiếp và rối loạn hành vi.
Có nhiều quan niệm sai lầm về tự kỷ, như cho rằng nguyên nhân của tự kỷ là do bố mẹ thiếu quan tâm, chăm sóc; trẻ mắc tự kỷ không biết nói, không thể học được, không bao giờ muốn có bạn bè, không thể tiến bộ được; tất cả các trẻ mắc tự kỷ là thiên tài… “Trong đó, sai lầm phổ biến nhất là cho rằng trẻ bị tự kỷ do bố mẹ bỏ bê, không quan tâm chăm sóc. Chính cách nghĩ này hình thành sự kỳ thị, làm giảm “nhiệt huyết” của nhiều người trong quá trình điều trị và chăm sóc con”, Thạc sĩ Nhân chia sẻ.
Đến nay, vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra tự kỷ. Tuy nhiên, người ta đã chỉ ra 2 nhóm yếu tố nguy cơ: môi trường (trong quá trình người mẹ mang thai) và di truyền (60-94% anh chị em sinh đôi cùng trứng cùng mắc tự kỷ). Thạc sĩ Hồ Dũng, giảng viên bộ môn Tâm thần - Trường ĐH Y dược Huế, cho rằng thời gian “vàng” để sàng lọc, chẩn đoán và can thiệp hiệu quả nhất cho trẻ tự kỷ là 16-30 tháng tuổi. Liệu pháp can thiệp hành vi là phương pháp điều trị có bằng chứng nghiên cứu cho thấy hiệu quả. Còn thuốc chỉ là điều trị hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết (như trẻ bị kích động quá mức, mắc tự kỷ đồng thời với động kinh, rối loạn giấc ngủ…).
“Việc điều trị có thể được thực hiện bởi các chuyên gia về giáo dục đặc biệt ở trường học, người tập vật lý trị liệu, người thực hiện tâm lý trị liệu. Tuy nhiên, tất cả đều phải được đào tạo bài bản”, Thạc sĩ Dũng nhấn mạnh.
Xóa dần một khoảng trống
Dù tự kỷ đã được nhắc đến thường xuyên hơn trong đời sống xã hội, nhưng công tác sàng lọc phát hiện ở các cơ sở y tế vẫn đang bị bỏ ngỏ. Điều trị tự kỷ càng khó khăn, bởi thách thức không chỉ nằm ở yếu tố con người, bởi cơ sở vật chất hỗ trợ rất quan trọng.
Những ngày cuối tháng 8.2014, 2 lớp tập huấn về rối loạn phổ tự kỷ được tổ chức cho bác sĩ và kỹ thuật viên của các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của “Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp người khuyết tật” do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ. Giảng viên đứng lớp là 2 chuyên gia đến từ Trường ĐH Y dược Huế - Thạc sĩ Hà Chân Nhân và Thạc sĩ Hồ Dũng. “Mục tiêu của chúng tôi là làm cho cán bộ y tế quan tâm nhiều hơn đến các rối loạn phổ tự kỷ, cung cấp cho họ những kiến thức căn bản nhất về tự kỷ và có khả năng sàng lọc được những trường hợp nghi ngờ”, Thạc sĩ Nhân cho hay.
Hai giảng viên trẻ đã cung cấp cho các học viên những kiến thức và kỹ năng với các chủ đề: tổng quan về rối loạn phổ tự kỷ và các phương pháp điều trị tự kỷ, các dấu hiệu nhận biết sớm trẻ tự kỷ, các công cụ sàng lọc tự kỷ, tự kỷ và dược học tâm thần, các liệu pháp can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ, vận động trị liệu và hoạt động trị liệu cho trẻ tự kỷ; di truyền học, chẩn đoán hình ảnh, điện não đồ và các nghiên cứu về tự kỷ… Không đơn thuần là cung cấp kiến thức khô cứng, sự tương tác giữa giảng viên- học viên được chú trọng trong từng buổi học.
Theo bác sĩ Thái Thành Hiệp (khoa Khám - Hồi sức cấp cứu, TTYT Vĩnh Thạnh), lâu nay, tự kỷ chủ yếu được biết đến qua một số thông tin rời rạc trên báo chí. Nay, những kiến thức về tự kỷ được nắm bắt một cách có hệ thống. “Chẩn đoán phát hiện tự kỷ có những tiêu chí cụ thể, hướng xử lý cũng rõ ràng. Do đó, trong quá trình khám bệnh, chúng tôi có thể chẩn đoán, phát hiện sớm trẻ có dấu hiệu tự kỷ, từ đó can thiệp sớm hơn”, bác sĩ Hiệp cho biết.
Với các bác sĩ phục hồi chức năng, những kiến thức về điều trị trẻ tự kỷ thật sự giúp ích cho họ. Bác sĩ Lê Văn Đức, Trưởng khoa Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu (BVĐK khu vực Bồng Sơn), khẳng định: “Không chỉ nắm chắc hướng xử lý để chuyển lên tuyến trên những trường hợp khó, chúng tôi còn có thể tham gia điều trị trong khả năng”.
Một số dấu hiệu rất đặc trưng của tự kỷ: không biết cười tươi hoặc thể hiện tình cảm, niềm vui khi được 6 tháng tuổi trở lên; không biết hóng chuyện, cười hay thể hiện nét mặt qua lại với người đối diện khi được 9 tháng tuổi trở lên; không có cử chỉ tương tác qua lại với người đối diện như chỉ tay, vẫy tay, với tay lấy đồ vật khi được 12 tháng tuổi; không bập bẹ được khi 12 tháng tuổi; không nói được từ đơn khi 16 tháng tuổi; không nói được từ đôi khi được 24 tháng tuổi; mất khả năng ngôn ngữ hoặc các kỹ năng xã hội khác tại bất cứ độ tuổi nào.
NGUYỄN VĂN TRANG