Tỉnh táo với miếng mồi “việc nhẹ lương cao”
Mánh khóe lừa đảo “việc nhẹ lương cao” được nhắc đến ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ðể tránh được bẫy lừa đảo, mỗi gia đình cần nâng cao tinh thần cảnh giác, theo dõi chặt con em trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Nhắc đến “việc nhẹ lương cao”, chị G. (ở huyện Tuy Phước) vẫn còn bàng hoàng với sự việc đã xảy ra với con mình. Tháng 11.2023, con trai chị là V. (SN 2010, đã nghỉ học) được một tài khoản Facebook ảo có tên L.Q. nhắn tin rủ rê làm việc tại tỉnh Long An. Công việc là đánh máy, chỉ làm 4 tiếng/ngày với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Công ty sẽ hỗ trợ vé tàu xe, bao ăn uống, thử việc trong 15 ngày, nếu không ổn sẽ hỗ trợ tiền vé xe về quê và một phần tiền mặt để tiêu Tết.
Trong lúc không có công việc lại muốn có tiền để tiêu Tết, con trai chị đồng ý nhận việc. Sau đó, kẻ gian đã đưa cho con chị một địa chỉ và yêu cầu đón xe đến đó, trong quá trình di chuyển phải liên tục quay video chứng minh. Chị G. đi làm về không thấy con đâu nên tức tốc đi tìm. Khi nghe con nói đang ở bến xe vào Long An làm việc, chị đã vội vã ra bến xe tìm con trở về. Nghi ngờ các đối tượng trên lừa đảo, chị G. gặng hỏi thông tin về công ty, ngay sau đó kẻ gian đã chặn liên lạc. Chỉ vài ngày sau, lại có vài tài khoản Facebook ảo khác nhắn tin cho V. với nội dung tuyển việc làm tương tự, nhưng yêu cầu V. giữ kín. Rất may, gia đình đã ngăn chặn và yêu cầu V. không được tìm việc làm trên mạng.
Những tin nhắn chiêu dụ “việc nhẹ lương cao” kẻ lạ nhắn tin cho em V. Ảnh: N.X
Theo lời kể của V., L.Q. đã kết bạn với em từ nhiều tháng trước. Đối tượng này thường xuyên tương tác, xây dựng hình ảnh một người anh “xã hội” sẵn sàng giúp đỡ các trường hợp khó khăn. Đối tượng này luôn khoe sự giàu có, mức lương cao và kể về “hành trình vượt khó” của bản thân nhờ vào công ty X. làm việc. L.Q. còn đưa ra phương thức tuyển dụng rất đơn giản, không cần giấy tờ tùy thân, không cần kinh nghiệm. Đặc biệt, phải đi một mình hoặc nói dối bố mẹ là đi chơi. Chiêu trò tinh vi đó khiến V. suýt sập bẫy.
“Vì cháu suốt ngày ở nhà, bản thân tôi lại quá bận rộn với công việc nên ít khi dành thời gian trò chuyện với con. Đây cũng là bài học cho gia đình”, chị G. nói.
Tương tự, gia đình anh K. (ở phường Bùi Thị Xuân,TP Quy Nhơn) cũng một phen thót tim sau khi con trai xin được việc làm trên mạng. Vì gia cảnh nghèo khó, con đông nên con trai đầu của anh K. là M. (SN 2008) phải nghỉ học từ sớm để đi làm phụ cha nuôi em ăn học. Đầu tháng 12.2023, qua các trang tìm việc làm, M. được một người tên P.H. rủ vào Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) làm việc với mức lương 35 triệu đồng/tháng. Vui mừng vì mức lương cao, nhưng sợ cha lo lắng nên M. nói vào Phú Yên làm công nhân. Đến ngày đi, đối tượng P.H. yêu cầu M. đến địa chỉ khác sẽ có xe đến đón, đồng thời yêu cầu đi một mình. Nghi ngờ có sự tình không hay, anh K. một mực đưa con đến điểm hẹn. Sự việc vỡ lở, đối tượng P.H. gọi điện mắng M. xối xả, còn đe dọa M. nếu gặp sẽ không tha cho em vì không làm theo hướng dẫn.
“Tôi sẽ cố gắng cho con đi học nghề để sau này có thể tìm một công việc tốt hơn. Sau sự việc trên, tôi không cho con tự ý tìm việc làm nữa”, anh K. kể.
Những sự việc trên khiến chúng ta liên tưởng đến nhiều vụ án buôn người qua biên giới để cưỡng bức lao động trong thời gian qua. Với công thức chung là “việc nhẹ lương cao”, không ít thanh thiếu niên đã bị lừa đảo sang nước ngoài, bị cưỡng bức lao động, bị bỏ đói, đánh đập, thậm chí là yêu sách tống tiền để chuộc thân. Trước tình hình phức tạp trên, các phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, quản lý chặt chẽ con em mình để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Theo Th.S Nguyễn Thị Thùy Trang, giảng viên Tâm lý học (khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn), một số gia đình có tâm lý coi thanh thiếu niên như người trưởng thành nên lơ là quản lý; có khi còn bắt các em phải lao động, kiếm tiền nuôi gia đình. Đây là một trong những yếu tố khiến các em bị áp lực đè nặng, cộng với thiếu kiến thức xã hội nên dễ sa vào bẫy “việc nhẹ lương cao”. Gia đình cần có sự kết nối với con cái nhiều hơn, trang bị kỹ năng số để con có thể nhận biết các nguy cơ trên mạng xã hội. Cần giúp các em hiểu rằng những gì có được quá dễ dàng mà không cần bỏ nhiều công sức thì cần phải hết sức cân nhắc, cảnh giác.
N.XUÂN