Như thế là bội bạc
* Truyện ngắn của NGUYỄN LAN QUY
Kiều My đẹp. Hơn bốn mươi nàng vẫn rừng rực sức hấp dẫn, thì chuyện quán bún của nàng đông khách quá đỗi dễ hiểu. Bún ngon. Bà chủ hấp dẫn. Thì bọn đàn ông đến lắm cũng chả có gì bất thường. “Ngọt mật thì chết tươi ruồi”, huống chi “ruồi” chỉ mới lừ đừ. Đám đàn bà thị trấn không ưa bà chủ quán bún nhưng không lẽ lại cấm chồng ăn bún, phi lý quá. Đàn ông xứ biển mười thằng thì đến chín thằng rưỡi hay có thói thượng cẳng chân hạ cẳng tay mỗi khi cáu tiết. Lớ ngớ lại sinh chuyện. Sâm sẩm chiều làm tô bún rồi xuống bãi đẩy thuyền ra biển, thả lưới. Sáng sớm thu lưới, giao cá tôm cho vợ bán, lững thững lên quán làm tô bún, được quá đi chớ.
***
Chưa tròn đôi mươi, Kiều My cặp kè một gã cựu trung úy biệt kích Sài Gòn. Tuy hết thời nhưng bảnh bao, rất đàn ông và chịu chi. Nàng gặp và bập vào hắn trên phố huyện nhưng phải dạt về thị trấn này để né bà vợ. Không đánh ghen, thậm chí không nói nhiều, gặp đúng một lần nói cũng đúng ngắn: “Chớ có mà sinh con với ổng. Tao không làm gì mày đâu. Đừng sợ! Chả chỉ được cái mã, mày cũng không đục được gì ngoài cái mạng trành của chả. Khổ mày thôi!”, xong bà cười khẩy bỏ đi một lèo.
Cũng sờ sợ nhưng khi lạc vào vòng tay của y, Kiều My quên ráo, mơ hồ hy vọng sẽ có một đứa con trai và nó sẽ thay đổi vị thế của nàng. Nhưng rốt lại y lẳng lặng cùng cả nhà xuất cảnh theo diện HO. Đi thẳng một lèo sang Mỹ. Không từ biệt, không để lại cho nàng chút xíu gì. Một vài người trên phố huyện báo cho nàng biết, ngay từ đầu gã đã không muốn ăn đời ở kiếp với nàng, họa có mà điên vì y đang chờ hồ sơ HO được chấp nhận, cả nhà y đang hăm hở với giấc mơ Mỹ.
Sự thật nghe cứ dễ không. Nghe cứ dễ không nhưng rất cay đắng cho Kiều My. Rất cay đắng cho Kiều My vì nàng đương có bầu.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Người đẹp với đôi môi mọng gợi tình, đôi mắt tròn to, sóng sánh như rượu thơm, gò má lúc nào cũng hây hẩy hồng gọi mời… giờ ngẩn ngơ, tê tái với cái bụng bầu vượt mặt. Nàng khóc đêm, khóc ngày. Nàng tuyệt vọng vì nhanh chóng trở nên xấu xí, chả còn ai săn đón đến nàng. Bọn đàn ông có thằng nào thèm ngó ngàng đến một bà bầu. Đám đàn bà thì hả hể lắm. Sự đời vẫn vậy. Không thân thích. Không nghề nghiệp. Không cả bạn bè. Kiều My nhiều lần muốn tìm đến cái chết nhưng rồi nàng lại sợ. Nàng còn ham sống! Ai mà chả ham nhưng nàng ham nhiều hơn.
Vốn nàng hy vọng chàng trung úy sẽ bỏ vợ, cưới nàng và cả hai sẽ xây lâu đài tình ái ở một nơi khác. Nàng trẻ đẹp như thế cơ mà. Nhưng nàng đã nhầm. Toan tính của nàng trật lất. Nàng chửi thề. Nước mắt nàng chảy xuống ròng ròng, bụng nàng nhói lên, thai nhi đạp mạnh. Cũng may mấy năm trước y có mua cho nàng một cái nhà nhỏ để dễ bề hú hí. Nên giờ nàng có chỗ chui ra chui vô. Lúc nào nàng cũng ngồi chống cằm, đầu tóc rũ rượi. Đôi mắt u buồn, lâu lâu nàng nấc lên thành tiếng.
Có tiếng gọi:
- Cô gì ơi! Sao lúc nào tôi cũng thấy cô buồn khóc vậy? Chồng cô đâu?
Nàng ngậm chặt môi, ngước mắt nhìn lên, rồi lại mặt úp vào lòng bàn tay, vai run lên. Đó là một người đàn ông, vẻ mặt nom hiền lành. Anh mới dọn đến ở gian nhà công vụ gần đó, nghe nói là thầy giáo của trường học trong thị trấn. Nàng trả lời chậm rãi: - Tui hổng có chồng…
Nàng quen với Tân - ông giáo trẻ trong bối cảnh không thể nào ê chề hơn như vậy đó. Sau này khi đàm tiếu, người tán vào nói anh giáo lơ ngơ mà tốt số, chén ngọt lừ mỹ nhân xứ biển, được cả bò lẫn nghé; người bàn ra lại trề môi rằng có ăn có học mà ngu, sao lại bập vào ngữ nạ dòng ấy, qua truông là nó bỏ, đẻ xong con cứng cáp là nó cho ra rìa…
Tân rung động trước một người đàn bà đang buồn khổ. Anh muốn được che chở cưu mang cô, muốn vượt qua mọi định kiến để cùng cô đi tiếp trên phần đời còn lại. Anh ra mặt giúp đỡ, che chắn cho nàng, nhưng anh còn muốn nhiều hơn, khao khát được ở cùng nàng réo gào và hiện rõ trên gương mặt nai tơ của anh. Nhiều bà già trong xóm thương cảm thở dài, đàn ông đàn ang chưa trải sự đời, một thân một mình, không mẹ không chị, bập vào cái khe sâu hun hút đó thì đến trời gọi cũng không thưa.
Một buổi sáng trời hưng hửng nắng anh nghe tiếng rên trong nhà nàng, khe khẽ tế nhị đẩy cửa vào, thấy nàng tay ôm bụng, tay ôm thành giường, vẻ mặt đau đớn. Trên giường là giỏ đồ cho sản phụ đã chuẩn bị sẵn.
- Em sắp sinh rồi! Em đau bụng từ đêm. Vỡ ối… từ hồi gần sáng! Anh gọi dùm em cô mụ… Nhanh lên!
Anh giáo vội vàng lao xe nhanh đến cuối thị trấn. Cô mụ gốc Huế nhẹ giọng hỏi: Vợ mi sắp sanh hử? Đau bụng lâu chưa?
Anh ngượng đỏ mặt trả lời: Dạ, cổ nói từ hồi gần sáng!
- Thằng ni lạ bây! Răng mà vợ sắp sinh mà không biết chi hết bây. Vừa vỡ ối là báo tui ngay chớ… - Cô mụ nói giọng thong thả, nhưng làm cái gì dứt khoát cái đó, gọn gàng, lanh lẹ.
Cái lạnh đầu đông làm cho dáng mảnh khảnh thư sinh của anh giáo nghèo co ro, lấy được cảm tình của cô mụ góa chồng. Cô sai anh nấu nước sôi để cô tiệt trùng và rửa ráy cho sản phụ sau sinh. Chẳng hiểu sao anh lại làm toay toáy với tâm trạng vừa vui mừng vừa lo lắng. Kiều My nhìn anh bằng ánh mắt mệt mỏi nhưng tràn đầy biết ơn. Một bé trai kháu khỉnh, đẹp như thiên thần. Anh giáo mê quá, từ bữa đó tình nguyện chăm sóc suốt đời cho hai mẹ con. Kiều My càng cảm thấy hạnh phúc, lại thấy yêu đời như ngày nào. Và bất chấp thiếu thốn đủ bề cả ăn lẫn mặc, Kiều My lại rờ rỡ hấp dẫn xinh đẹp.
Đợt tinh giảm biên chế năm đó, Tân nằm trong danh sách phải nghỉ. Mấy năm nay anh chỉ trần xì cái bằng cao đẳng, một người làm ba miệng ăn thời gian đâu nữa mà học hành nâng cao. Riêng cái chuyện say mê nghề nghiệp, thương yêu học trò, giỏi nghề giàu sáng tạo không đủ để anh được giữ lại. Cả trường còn có mỗi anh lếch thếch với trình độ cao đẳng, nên ngay lập tức anh trở thành ứng viên sáng chói cho suất tinh giảm đầu tiên. Và anh được tinh giảm thật.
Lãnh một cục tiền xong, hai vợ chồng sắm bàn ghế chén bát để mở quán bún bò Huế do bà cô mụ vì thương anh giáo thật thà mà nhiệt tình chỉ bày. Quán bán rất được. Và Kiều My bắt đầu so sánh Tân với những người đàn ông khác. Ban đầu còn nói bóng nói gió, nhưng rồi để cho đã nư, nàng cũng chẳng ngại gì mà không chì chiết thành lời.
Tân chỉ cười cười. Vợ nặng lời quá thì anh chạy xe ra biển đi chơi loanh quanh, nhắm chừng vợ hạ hỏa thì về. Chịu đựng nhiều năm, Tân lầm lì, ít nói và cộc tính. Nhưng chưa ai nghe anh to tiếng bao giờ. Nghỉ dạy đã lâu nhưng phong thái của ông thầy vẫn còn đậm đặc trong anh. Anh thương con, không phân biệt chuyện khác máu tanh lòng. Thương- đứa con trai lớn giờ đã trổ mã cao to dềnh dàng, thỉnh thoảng gắt má:
- Má vừa phải thôi! Đừng có la mắng ba hàm hồ như thế chứ! Thấy ổng nhịn cứ làm tới hoài!
Có dữ dằn hung hăng đến mấy với ai thì với nhưng hễ thằng Thương lên tiếng là Kiều My im re. Cũng không hiểu sao lại như thế. Thậm chí có lúc còn khép nép nín thinh khiến Tân mấy lần nói riêng với thằng con. - Má mầy đẹp xinh nổi tiếng một vùng, vậy mà phải chịu nhún mình ưng ông hàng bún… cho nên bả thiệt thòi, bã bực. Càm ràm để giải tỏa đỡ mệt… Ỷ con ăn hiếp má na bay… Tân đã nói đến thế thì hòa bình lập lại, ai làm việc nấy, không khí trong nhà nhẹ dần.
Không ai nói một cách rõ ràng nguồn cội của thằng Thương, nhưng nó lờ mờ biết nó là kết quả của một cuộc tình khác, ông Tân chỉ là kẻ chịu đòn. Nhưng nó biết chắc chắn những gì mà một người cha có thể làm cho con mình, ông Tân đã làm hết sức. Và nó, không hồ nghi gì nữa, ông Tân là người nó thương yêu nhất trên đời. Ngày nó đỗ vào Đại học Y khoa Sài Gòn, ba chuẩn bị cho nó đủ thứ, dặn dò những điều cần thiết phải biết khi sống xa nhà. Trước khi lên đường nhập học, còn cẩn thận nhét cho nó một phong bì tiền, dặn riêng:
- Thằng Thương vô đó học hành chăm chỉ nghe hông! Nhớ đừng có tập tành ba cái rượu, chè, thuốc lá. Mấy thứ đó nguy hiểm lắm mà còn tốn tiền nữa. Đoạn hạ giọng nói nho nhỏ: - Cái này là ba cho mày, dành riêng ra để còn có lúc uống ly nước với chúng bạn, cà phê cà pháo biết không…
Thằng Thương giọng chắc nịch nhưng mắt đã thấy ươn ướt: - Ba yên tâm! Con hứa làm đúng như ba mong. Má ở nhà không có được càm ràm ba đó… Con nói rồi nghen!
Cả cái thị trấn này, trước đến giờ chưa có đứa nào đậu vào trường Y, cho nên Kiều My sung sướng suốt từ hôm biết kết quả đến giờ, bà cười xả lả: Được rồi. Được rồi. Báu quá… Ai dám làm gì ổng kia chớ!
Một chiều mưa to, quán bún vắng khách, đột nhiên một chiếc xe hơi từ từ hạ tốc độ, chầm chậm dừng lại trước quán, ông khách bước xuống, ngồi vào bàn và ra dấu gọi bún. Báo món cho vợ, sắp đĩa rau thơm cho khách xong, ông Tân lại vào phía sau nhà nằm xem tivi.
Bưng tô bún đặt xuống bàn, nụ cười thân thiện với khách nở chưa tròn, Kiều My đã há hốc mồm, người đàn ông ra dấu im lặng. Bà lấm lét nhìn về phía ông chồng đang chăm chú xem tivi. Người đàn ông móc túi ra một mẩu giấy nhỏ, ngoáy đại mấy dòng, dúi vào tay người tình cũ. Vâng, cũng không khó đoán lắm bạn nhỉ, đó chính là gã cựu trung úy biệt kích năm xưa. Bà chủ hàng bún như trôi về dĩ vãng hơn hai chục năm trước có lẻ, mắt bà lại sóng sánh như rượu thơm, bà ngồi cạnh nồi bún mà đắm đuối ngắm say đắm gương mặt người tình cũ.
Kiều My giấu chồng, đi gặp chàng trung úy ở thành phố, chưa được một giờ phóng xe máy thôi mà. Hơn bốn mươi thôi, bà vẫn rờ rỡ hấp dẫn. Người đàn ông trở lại như một cơn gió, phủi sạch những tàn tro thời gian âm ỉ, đưa bà hồi xuân vào khung trời hoa mộng. Bà lại được nấc lên như khi muốn giật người đàn ông kia ra khỏi vòng tay người đàn bà tinh quái mẹ của năm cô con gái. Sau nhiều năm thiếu vắng, Kiều My lại thấy mình như được phóng vun vút vào chất ngất hoan lạc. Nhưng cuối cùng, cũng như năm xưa đó không phải là tình yêu. Thậm chí khoái cảm cũng không phải điều khiến chàng trung úy biệt kích trở lại tìm nàng. Thằng con trai mới là điều hắn quan tâm nhất. Hắn muốn nhận con, muốn đưa nó sang Mỹ định cư, muốn chứng tỏ gia tộc của hắn vẫn còn người nối dõi tông đường, không hề tuyệt tự... Làm gì có chàng thanh niên nào lại từ chối giấc mơ Mỹ chứ! Hắn đoan chắc. Mà không phải chỉ có thằng bé, gã nheo mắt xoa xoa, vỗ vỗ lên lưng Kiều My: Cả em nữa, cưng ạ! Em cứ về nói lại với chồng con em đi. Cần gì thì anh sẽ bù đủ…
Hai mắt bà chợt long lanh, gò má ửng lên khi nghe hai tiếng “cưng ạ” ngân nga. Cuối cùng thì bà đã có cơ hội rũ bỏ cái thị trấn vùng biển này rồi, sẽ chấm dứt những tháng ngày triền miên bún, thịt, ớt, chanh và ông chồng hiền khờ tội nghiệp, chán ngấy.
Hai ba con ông Tân ngồi im lặng bên bàn.
Mấy lon bia đã cạn khô tự lúc nào.
Ông Tân khẽ giọng: - ông ấy có nói với ba về cơ hội phát triển nghề nghiệp không thể từ chối của con, đời người không mấy ai được tiếp cận; ổng cũng kể về một gia tộc mà con là người nối dõi duy nhất… Con quyết định như thế nào thì ba cũng không trách gì con đâu!
- Con hiểu ý ba, nhưng con đã quyết. Không phải mới bây giờ đâu ba, từ rất nhiều năm trước kia, từ cái hồi biết mình là ai và mỗi năm càng thêm chắc chắn, con chỉ có một ông ba mà thôi. Giờ con đi làm đã nghen ba - giọng thằng Thương ấm áp, chắc nuội.
Thằng Thương đã là một anh chàng bác sĩ vui tính, đẹp trai, giỏi giang được mọi người yêu mến. Có một điều rất lạ, nhất là với những người biết được câu chuyện này từ đầu, Thương hiền lành y hệt ông giáo Tân. Chưa ai từng nghe nó to tiếng. Nhưng buổi chiều hôm ấy, nó gần như đã thét lên: - Con biết hết. Con biết từ lâu rồi. Nhưng con chỉ có một người ba. Ba con đang ngồi ở đây, ở giữa nhà mình. Làm gì có gia đình nào khác, chị em nào khác… Má có biết chỉ nói ra như thế thôi đã là bội bạc không! Đó là bội bạc! Con không đi đâu hết. Con không muốn có thêm ông ba, dòng họ nào nữa cả.
Kiều My chết lặng. Bà không thể nghĩ thằng con mình lại dữ dằn kinh khủng thế. Không thể tin rằng nó lại từ chối giấc mơ Mỹ quyết liệt như thế. Bà điếng người. Thu mình lại trên ghế salon. Phần gánh vác bao nhiêu năm nay trên vai ông Tân như bất ngờ chuyển sang vai bà trong nháy mắt. Cũng như lúc bà hồi xuân khi vầy cuộc hoan lạc bên người tình, thậm chí nhanh hơn nhưng theo chiều ngược lại, chỉ mấy phút thôi, bà đã già sọm đi. Lời thằng Thương nói như một cơn bão lửa thiêu đốt nét đẹp xinh của bà, phần nhan sắc mà nếu không có ông Tân chưa chắc bà còn giữ được tới giờ.
Như thế là bội bạc…