Truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Năm 2023, TS Trịnh Thị Thúy Hồng (SN 1980), giảng viên chính khoa Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh, Trường ÐH Quy Nhơn được mời làm giám khảo cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội toàn cầu. Cuộc thi thu hút 156 đội thi đến từ hơn 20 quốc gia. TS Hồng đã trò chuyện về cuộc thi nhiều ý nghĩa này và chia sẻ những dự định dành cho sinh viên, bạn trẻ Bình Ðịnh.
Hướng đến nhiều mục tiêu tốt đẹp
Sáng tạo kinh doanh xã hội (SBC) do Trường ĐH HEC Montréal Canada (HEC) và GS Muhammad Yunus đoạt giải Nobel Hòa bình 2006 khởi xướng, tổ chức và bảo trợ chuyên môn gần 10 năm qua. Đây là chương trình đào tạo kinh doanh, vừa có lợi nhuận vừa tạo ra giá trị cho xã hội khi tham gia giải quyết những thách thức xã hội như việc làm cho đối tượng yếu thế, môi trường, năng lượng sạch, nước sạch... hướng tới thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
SBC hiện có 3 hoạt động chính: Cuộc thi toàn cầu về Sáng tạo kinh doanh xã hội (SBC Competition), Chương trình đào tạo cố vấn và giảng viên nguồn về kinh doanh tạo tác động xã hội (Training of Trainers - SBC TOT) và Hội thảo quốc tế về kinh doanh tạo tác động xã hội (SBC Conference).
TS Trịnh Thị Thúy Hồng (bìa trái) làm giám khảo chương trình cố vấn tăng tốc dự án khởi nghiệp tỉnh Bình Định năm 2023. Ảnh: Sở KH&CN
* Chị có thể giới thiệu đôi nét về cuộc thi SBC...
- Cuộc thi được tổ chức lần đầu vào năm 2016, dành cho sinh viên, học sinh đại học, cao đẳng, THPT, các bạn trẻ, DN ở Việt Nam và thế giới có tinh thần ham học hỏi, đam mê với các dự án khởi nghiệp hoặc đang thực hiện hoạt động kinh doanh tạo tác động xã hội. Ngoài ra, cuộc thi cũng thu hút giảng viên, chuyên gia từ các trường đại học, tổ chức, DN với vai trò cố vấn, tư vấn.
Ban tổ chức sẽ kết nối cá nhân với DN phù hợp trong suốt 8 tháng diễn ra cuộc thi. Tham gia cuộc thi này, bạn trẻ sẽ học cách tạo ra dự án/mô hình DN có lợi nhuận mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội. Cuộc thi còn trao nhiều giải thưởng, học bổng, khóa tập huấn, tham quan DN, nguồn tài trợ và một số quyền lợi khác cho thí sinh.
* Cơ duyên nào đưa chị đến với cuộc thi này?
- Ở Việt Nam, từ năm 2018, Trường ĐH Ngoại thương chính thức tham gia mạng lưới đồng tổ chức của SBC và trở thành đơn vị quản lý SBC tại Việt Nam. Tôi được ông Phạm Anh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc BestB Group, Giám đốc Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo BestB Capital giới thiệu tham gia chương trình đào tạo cố vấn và giảng viên nguồn về kinh doanh tạo tác động xã hội (Training of Trainers - SBC TOT). Sau đó, được mời huấn luyện cho một dự án của cuộc thi và làm giám khảo chấm các đội thi của Việt Nam.
TS Trịnh Thị Thúy Hồng. Ảnh: N.T
Nhận rõ xu thế tất yếu
Kinh doanh tạo tác động xã hội đã, đang và sẽ là định hướng, chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, DN trên toàn cầu. Thực tế, cuộc thi SBC đã trở thành bệ phóng cho nhiều dự án xuất sắc, trong đó có không ít dự án của bạn trẻ Việt Nam. Dù vậy, kinh doanh, nhất là khởi nghiệp, áp lực về vốn, doanh thu luôn đè nặng...
* Chị tâm đắc với các ý tưởng khởi nghiệp hoặc kinh doanh xã hội?
- Sau khi định hướng là kinh doanh hay khởi nghiệp xã hội, DN phải lên kế hoạch cụ thể, đảm bảo đạt được song song hai mục tiêu: Lợi nhuận và giá trị xã hội. Tùy vào diễn biến thực tế, có thể nghiêng bên này hoặc bên kia, nhưng tôi tin, lúc DN đã ổn định, chủ DN sẽ hướng nhiều đến những giá trị cộng đồng, xã hội. Vậy nên, tôi thấy không hề dư thừa khi bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, kinh doanh xã hội cho chủ DN. Thực tế tại Bình Định, cũng có những chủ DN xác định kinh doanh xã hội ngay từ đầu như anh Nguyễn Hữu Vinh của Công ty CP IPP Sachi (TX Hoài Nhơn). Rõ ràng, chọn khởi nghiệp hoặc kinh doanh xã hội, so với kinh doanh thuần túy, DN có thể đi chậm hơn một chút nhưng bù lại, sẽ phát triển ổn định, lâu dài, bền vững hơn.
* Điều này đúng với những gì lâu nay chị theo đuổi...
- Đúng vậy. Tôi là một trong những thành viên của mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tỉnh Bình Định, tham gia đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cố vấn, bồi dưỡng kiến thức nhà đầu tư thiên thần, cố vấn nhiều chương trình ươm tạo, hỗ trợ, nâng cao nhận thức khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ, nông dân các huyện miền núi trong tỉnh, làm giám khảo cuộc thi khởi nghiệp tỉnh… Trong mọi hoạt động của mình thời gian qua, tôi vẫn luôn đặt vấn đề giữa kinh doanh và tạo ra giá trị xã hội. Tham gia cuộc thi này, tôi có thêm cơ hội nhìn rõ những điều mình đang muốn hướng đến và học hỏi được rất nhiều điều bổ ích.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Theo TS Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định, TS Trịnh Thị Thúy Hồng là một trong những giảng viên có năng lực, đam mê, nhiệt huyết, sẵn sàng hỗ trợ cho thế hệ trẻ khởi nghiệp, là người có năng lực cố vấn cho các dự án, có khả năng truyền lửa, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp. Ở Trường ĐH Quy Nhơn, chị là một trong những người đầu tiên dạy môn Khởi nghiệp cho khoa Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh; hiện tham gia dạy khởi nghiệp cho sinh viên toàn trường. Chị chia sẻ, cuốn sách dùng cho bộ môn khởi nghiệp do chị và đồng nghiệp biên soạn sắp tới sẽ được chị bổ sung thêm nội dung Khởi nghiệp xã hội.
* Chị có những giải pháp gì để lan tỏa hiệu quả tinh thần khởi nghiệp?
- Tôi sẽ vận dụng lý thuyết và lan tỏa tinh thần sáng tạo kinh doanh xã hội, đóng góp cho cộng đồng, sinh viên, bạn trẻ, DN Bình Định với tư cách là giảng viên dạy học phần khởi nghiệp, cố vấn khởi nghiệp, huấn luyện viên khởi nghiệp.
Vốn là người ham học hỏi, kiên trì theo đuổi việc kinh doanh tạo ra giá trị xã hội, thời gian tới, tôi sẽ hoạt động và cống hiến hết mình vì điều này, với mong muốn tỉnh Bình Định của chúng ta không chỉ phát triển về kinh tế mà còn phát triển bền vững xã hội.
Thời gian tới, khi Sở KH&CN thành lập CLB cố vấn khởi nghiệp, dự kiến đề xuất tôi ở trong Ban Điều hành của CLB, tôi sẽ tiếp tục phổ biến nội dung khởi nghiệp xã hội đến thành viên CLB và huấn luyện lại cho đội ngũ khởi nghiệp của tỉnh về nội dung này.
* Còn ý tưởng cho một cuộc thi SBC tại Bình Định thì sao?
- Một trong những điều tôi tâm đắc với cuộc thi này là sinh viên tham gia sẽ có DN đồng hành, giúp các em hình dung việc triển khai ý tưởng vào thực tế; ngược lại, DN cũng thông qua các em, nhận rõ những giá trị xã hội trong nỗ lực kinh doanh.
Tôi cũng đang nghĩ đến việc tổ chức một cuộc thi tương tự như SBC, thu hút sự tham gia của các startup, DN, sinh viên, bạn trẻ có các ý tưởng độc đáo, đam mê với con đường khởi nghiệp và muốn cống hiến hết mình vì cộng đồng, xã hội.
May mắn là trong thời gian tiếp cận cuộc thi, tôi có nhiều hình dung, kinh nghiệm về cách thức triển khai, tổ chức, cả những mối quan hệ, tôi sẽ tích cực phát huy những điều này...
* Xin cảm ơn chị!
NGỌC TÚ (Thực hiện)