Dệt hương sắc cho mùa xuân thêm vui
Nhắc đến mùa xuân, hẳn ai cũng nghĩ đến không gian tươi mới với đủ loại hương sắc của các loại hoa. Có thể nói chính bàn tay cần mẫn, miệt mài của những người phụ nữ đã góp phần dệt hương sắc cho đất trời vào xuân thêm vui.
Cần mẫn bên hoa
Làng hoa Bình Lâm, ở xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) - nơi được quy hoạch làm điểm đến du lịch - mùa này rực rỡ sắc màu nhiều loại hoa. Đến Bình Lâm tầm này ta dễ dàng cảm nhận được sự lung linh, thơm ngát của muôn sắc hoa. Ngoài trồng các loại ngọc thảo, cát tường, đồng tiền, thược dược..., bà Trần Thị Minh Hùng (63 tuổi, ở thôn Bình Lâm) còn trồng 1.000 chậu cúc đại đóa phục vụ thị trường Tết. Theo bà Hùng, cúc đại đóa không vàng đậm, rực rỡ như cúc pha lê nhưng mang lại cảm giác tươi tắn, tràn đầy, được nhiều người ưa thích.
Bà Trần Thị Minh Hùng bên những luống hoa. Ảnh: T.K
Cẩn thận cắt bỏ những nụ cúc non thừa, bà Hùng vui vẻ cho biết: “Thương lái đã đặt hàng hết 1.000 chậu cúc, giờ tôi chỉ chờ đến ngày những chậu hoa này lên xe về với chủ mới. Các loại hoa còn lại việc mua bán chậm hơn, có lẽ do ảnh hưởng của việc mua bán, sản xuất kinh doanh cả năm nay tương đối khó. Tuy nhiên tôi cũng cố gắng chăm sóc, theo dõi sự phát triển của hoa để xử lý cho hoa rực rỡ nhất khi vào Tết”.
Khắp các nẻo đường tại làng mai ở các xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh (TX An Nhơn), đâu đâu cũng thấy dáng mai. Những người phụ nữ tỉa lá mai, chỉnh cành trò chuyện rộn vang. Đã hơn 11 giờ trưa, bà Nguyễn Thị Minh Hồng (50 tuổi, ở xã Nhơn Phong) vẫn miệt mài với vườn mai của mình. Bà Hồng cho biết: “Vườn tôi có khoảng 2.000 chậu mai với nhiều loại như mai giảo, mai cúc... với dáng lùm hoặc trực. Thị trường vẫn ưa chuộng mai giảo vì sắc tươi tắn và giá mềm. Để đến tay khách hàng, mỗi cây mai chúng tôi phải chăm sóc ít nhất 3 - 4 năm ròng rã. Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây mai mà chúng tôi có cách chăm bón khác nhau để cây được khỏe, đẹp, ra nụ nhiều và đậu hoa tốt. Hoa nhắm đến thị trường miền Bắc lặt lá sớm hơn, còn để xuôi Nam thì chỉ tỉa, thậm chí có nhiều cây mình chờ đưa vào tới nơi mới lặt”.
Năm nay, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) được nhiều người biết đến với cúc Tết. Chúng tôi đến thăm nhà khi bà Nguyễn Thị Lệ (48 tuổi, ở xã Bình Thành) đang cắt bỏ nụ non của cây cúc để dưỡng hoa chính. Bà Lệ cho biết: “Khác với một số nơi trên địa bàn tỉnh dùng ghim để định hình chậu hoa, chúng tôi giăng lưới để giúp chậu hoa trông nhẹ nhàng, thanh thoát hơn. Khi giăng lưới để tạo khoảng cách giữa các cành hoa, người mới làm sẽ thấy khó, nhưng khi đã quen sẽ biết được thời điểm nào nên phủ lưới và cách đưa cành hoa vào lưới như thế nào cho hài hòa, cân đối, không bị gãy cành. Nói chung “trăm hay không bằng tay quen” là thế”.
Hoa là gia tài của mẹ
Gắn bó với nghiệp trồng hoa, nhiều phụ nữ đảm bảo được thu nhập cho gia đình. Khắng khít với nghề trồng mai đã hơn 10 năm, cũng được gọi là “có tên có tuổi” trong nghề, dù thị trường chững lại nhưng bà Hồng đã sớm có mối đặt lấy 200 chậu trong dịp Tết năm nay. Nhiều năm nay, mai của chị Hồng đã đi nhiều nơi từ Bắc vô Nam, được nhiều người ưa chuộng.
Đã hơn 11 giờ trưa, bà Nguyễn Thị Minh Hồng vẫn cần mẫn chăm sóc vườn mai cho kịp Tết. Ảnh: T.K
Nghề trồng mai đã giúp vợ chồng bà Hồng nuôi được 3 đứa con học đại học. “Ngày trước, khi gia đình còn khó khăn, nhận thấy nghề trồng mai có thể giúp ổn định cuộc sống hơn, tôi đã mạnh dạn vay một ít vốn để làm ăn. Hơn 10 năm trôi qua, dù phải vất vả quanh năm nhưng đổi lại tôi có cái nghề quây quần cùng gia đình, đủ nuôi được con cái nên người. Vậy là vui rồi!”, bà Hồng chia sẻ.
Cũng giống như chị Hồng, bà Lệ đã tần tảo cùng cúc gần chục năm nay để chăm lo cho gia đình và nuôi dạy con cái. Theo bà Lệ, từ giữa năm đã bắt đầu loay hoay với vụ cúc cho năm mới. Trải qua nắng mưa vất vả chăm sóc, Tết mới là thời gian thu hoạch. Bà Lệ cho biết: “Năm nào mưa thuận gió hòa thì cái Tết rất vui vẻ, ấm no. Còn những năm thời tiết cực đoan, dù chúng tôi cố gắng như thế nào hoa cũng không đẹp như ý được, lúc này bán sẽ khó khăn hơn. Đối với nhà nông, trồng một vụ hoa, thấp thỏm chờ đợi đến lúc chúng nên hương nên sắc, vàng rực một vùng trời cũng khiến trong người nôn nao vui sướng”.
Không còn lo chuyện con cái như bà Hồng và bà Lệ, bà Hùng trồng hoa chỉ để... dưỡng già. Một đời bà gắn bó với hoa với lá cũng nuôi 3 con khôn lớn, có sự nghiệp riêng. Bây giờ vợ chồng bà chỉ gắn bó với hoa để tích lũy cho tuổi xế chiều. Bà Hùng vui vẻ nói: “Không còn trẻ trung gì nhưng còn sức thì cứ làm, biết đâu có thể phụ giúp gì cho con khi chúng cần. Mấy chục năm nay hoa mang lại “gia tài” cho chúng tôi đó!”.
THẢO KHUY