Quy Nhơn trong tầm nhìn phát triển mới và khác
Những năm sắp đến, TP Quy Nhơn là điểm đến thường niên của các nhà khoa học, các nghị sĩ, đại biểu quốc hội, các nhà hoạch định chính sách… từ nhiều quốc gia để tham dự chuỗi hội nghị “Khoa học vì hòa bình” tại ICISE.
Gặp gỡ trong tinh thần ngoại giao khoa học
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cho biết Hội và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn) sẽ cùng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đồng tổ chức chuỗi hội nghị “Khoa học vì hòa bình” thường niên tại ICISE. Sự đồng hành, kết hợp này, bằng việc gặp gỡ, trao đổi, cộng tác giữa cộng đồng khoa học và các nhà hoạch định chính sách nhằm phụng sự lợi ích công, được kỳ vọng sẽ tạo ra đường hướng mới cho sự phát triển bền vững của nhân loại. Và như thế Quy Nhơn sẽ xuất hiện nhiều hơn ở tầm quốc tế!
Lãnh đạo ICISE và IPU ký kết thỏa thuận hợp tác vào ngày 11.5.2023 tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: ICISE
Theo thỏa thuận hợp tác mà lãnh đạo ICISE và IPU đã ký vào ngày 11.5.2023 tại Geneva (Thuỵ Sĩ), hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác, đồng thời cam kết xây dựng và phát triển cầu nối giữa chính sách và khoa học. Việc hợp tác nhằm đẩy mạnh các công cụ và cơ chế ngoại giao khoa học nghị viện đa phương thông qua Nhóm công tác về Khoa học và công nghệ của IPU, như một phương tiện giúp giảm bớt căng thẳng và tranh chấp quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại… Dự án hợp tác chung đầu tiên giữa ICISE và IPU là Hội nghị “Khoa học vì hòa bình” của IPU với chủ đề An ninh và mất an ninh nguồn, được tổ chức ICISE vào ngày 11.9.2023.
Theo GS Trần Thanh Vân, “Khoa học vì hòa bình” là chuỗi hội nghị ngoại giao khoa học quốc tế chất lượng cao, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các nghị viện thông qua khoa học, truyền cảm hứng cho những nghị sĩ trẻ của các quốc gia về tinh thần giải quyết các vấn đề chính trị, ngoại giao thông qua nền tảng khoa học.
“Những thành công lớn lao của Việt Nam trong hội nhập quốc tế về khoa học cũng đưa lại cho chúng ta một trách nhiệm thực tế mà không thể thực hiện được nếu không có sự trao đổi, cộng tác giữa các nghị sĩ quốc hội với các lãnh đạo trong mỗi quốc gia. Đấy là tầm nhìn và con đường tương lai để có được sự phát triển bền vững cho trái đất xanh của chúng ta, một con đường mà IPU và ICISE sẽ đồng hành, tiến tới. Với chuỗi các hội nghị IPU “Khoa học vì hòa bình”, ICISE sẽ trở thành một điểm gặp gỡ thường niên trong tinh thần ngoại giao khoa học của các nghị sĩ quốc hội các nước thuộc Liên minh Nghị viện thế giới”, GS Trần Thanh Vân nói.
Sức hút đến từ những con người yêu nước nồng nàn
Theo TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE, nhờ sự quan tâm và đồng hành của các vị lãnh đạo Trung ương và tỉnh Bình Định, sau 10 năm đi vào hoạt động (2013 - 2023), Hội Gặp gỡ Việt Nam và ICISE đã bước đầu thành công với sự tham gia nhiệt tình của hơn 10.000 nhà khoa học hàng đầu quốc tế đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 18 giáo sư đã đoạt giải Nobel.
TP Quy Nhơn. Ảnh: DŨNG NHÂN
Không chỉ các nhà khoa học, những sự kiện khoa học tổ chức tại ICISE đã thu hút được lãnh đạo nhiều tổ chức nghiên cứu, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tới Bình Định (như CERN, Fermilab, INRA, CNRS, IRD, SOLVAY, AIRBUS, SANOFI…).
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định, các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam và các sự kiện khoa học tại ICISE đã góp phần quảng bá, tạo hiệu ứng truyền thông, làm cho hình ảnh tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung rõ nét hơn trong khu vực và trên thế giới, để Việt Nam ngày càng được biết đến trên trường quốc tế về lĩnh vực khoa học và giáo dục bậc cao. Tỉnh Bình Định sẽ luôn tiếp tục đồng hành với Hội Gặp gỡ Việt Nam, ICISE để phát triển nơi đây thành đô thị khoa học hàng đầu của Việt Nam. Hiện tỉnh Bình Định đang khẩn trương triển khai xây dựng Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa với mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học - giáo dục đặc trưng của cả nước.
“10 năm trước, không ai nghĩ Quy Nhơn rồi sẽ đón hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng và các giáo sư đoạt giải Nobel; không ai nghĩ Bình Định sẽ hình thành được Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên của cả nước. Do đó, tôi tin tưởng và hy vọng rằng trong một ngày không xa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị sẽ ra đời từ mảnh đất này, góp phần đưa khoa học nước nhà không ngừng phát triển và biến Quy Nhơn thực sự là điểm đến lý tưởng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chia sẻ.
GS Duncan Haldane (giải Nobel Vật lý 2016) và GS Đàm Thanh Sơn (giải Dirac, 2018) với các học sinh xuất sắc của Việt Nam tại Vườn cây Nobel ở ICISE. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Trong buổi gặp mặt các nhà khoa học tham dự hội nghị quốc tế Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ - hội nghị được tổ chức tại ICISE nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam và 10 năm hoạt động của ICISE - vào chiều 12.8.2023 tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Bình Định luôn theo sát, đánh giá cao sự đóng góp rất thiết thực của ICISE cho khoa học, giáo dục của Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Chủ tịch nước trân trọng, biết ơn, đánh giá cao gia đình GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc - một gia đình trí thức tiêu biểu và mẫu mực, đã thành danh ở nước ngoài nhưng theo tiếng gọi của trái tim, của tình yêu đối với Tổ quốc, đã trở về và hoạt động không mệt mỏi, vượt qua những trở ngại, xây dựng và cống hiến, làm những việc thiết thực, giàu ý nghĩa cho khoa học, giáo dục Việt Nam.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, sức hút của Việt Nam có thể đến từ văn hóa, từ những nụ cười, từ niềm lạc quan, bằng lòng hòa hiếu mến khách, sự cầu thị học hỏi và đến từ những con người yêu nước nồng nàn, coi trọng các giá trị bền vững như GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc. Chủ tịch nước mong các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định tiếp tục đồng hành hiệu quả, tích cực phối hợp hành động, hỗ trợ Hội Gặp gỡ Việt Nam hiện thực hóa các ý tưởng, dự án tốt đẹp, khả thi dành cho khoa học giáo dục nước nhà, nhất là các vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
HOÀNG TRỌNG