“Hát cho nhau nghe” - Hậu quả lớn từ thú vui nhỏ
LTS: Lạm dụng hát karaoke để giải trí gây ồn ào trong khu dân cư là hành vi vô văn hóa, tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Báo Bình Ðịnh xin giới thiệu đến bạn đọc chuyên đề “Hát cho nhau nghe”- Hậu quả lớn từ thú vui nhỏ, với mong muốn mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc hát karaoke để giữ gìn sự bình yên thôn, xóm; đón một cái Tết an toàn, lành mạnh.
Kỳ đầu: “Hung thần âm thanh” từ nhà ra ngõ
Việc người dân tổ chức hát karaoke tại nhà cũng như lưu động đã gây rất nhiều phiền toái cho những người xung quanh, đặc biệt là ở những khu dân cư đông đúc. Ðiều này đã trở thành vấn nạn, gây hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội.
Nỗi niềm không của riêng ai
Với sự phát triển của công nghệ, ngày nay, các thiết bị âm thanh, nhất là loại loa kẹo kéo công suất lớn, giá “mềm” được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, đây cũng là nỗi ám ảnh của hầu hết người già và trẻ em khi hàng xóm suốt ngày “cất lời ca, tiếng hát”.
Tình trạng tổ chức hát karaoke lưu động diễn ra khá phổ biến, nhất là dịp cận Tết. Ảnh: N.X
Từ ngày hàng xóm tậu dàn karaoke, ông K. (ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) nhiều đêm mất ngủ. Có những ngày đau bệnh, ông K. cũng không thể nghỉ ngơi vì tiếng nhạc quá ồn. Hàng xóm ai cũng bất bình nhưng chẳng thể nói ra.
“Hầu như ai cũng nắm được “lịch trình” bật nhạc. Những lúc đó, mọi người tranh thủ tản đi làm việc khác để khỏi bị làm phiền. Còn tôi tuổi đã cao lại đau ốm liên miên, cần phải ở nhà nghỉ ngơi thì thường xuyên chịu trận”, ông K. ấm ức nói.
Tương tự, bà S. (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) cũng chịu cảnh bất bình nhưng chẳng thể nói ra. Cứ tầm 19 giờ, nhà hàng xóm lại thuê loa kẹo kéo về để hát làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều người. Chưa kể, có những hôm chủ nhà mời bạn bè đến ăn nhậu và ca hát dẫn đến cãi nhau ỏm tỏi, khiến cho ai nấy đều bất an.
“Tối đến, con cháu trong nhà phải học bài. Tiếng nhạc ồn liên tục nhiều ngày như vậy khiến cho các cháu không thể tập trung. Tuổi già cần sự yên tĩnh, thế mà lại chẳng thể nghỉ ngơi dù đang ở nhà mình”, bà S. kể.
Tại TP Quy Nhơn, dịch vụ cho thuê loa kẹo kéo nở rộ, đáp ứng nhu cầu hát hò của người dân mọi lúc mọi nơi. Giới trẻ tại TP Quy Nhơn còn sử dụng loa karaoke lưu động, dùng tiếng hát để thu hút khách, bán những mặt hàng bánh kẹo, trái cây... Đây là công việc làm thêm của khá nhiều sinh viên. Tuy nhiên, ở góc độ văn hóa, việc hát karaoke bán hàng phần nào gây ảnh hưởng đến văn minh đô thị, làm phiền người dân.
Ông M.T.V. (ở đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn) cho hay, nhiều nhóm ăn nhậu, hát hò ngay ở công viên. Tiếng nhạc bủa vây từ nhiều phía, đôi lúc không biết nên nghe bên nào. May mắn gặp người hát hay, mọi người an ủi đôi chút gọi là giải trí. Còn khi gặp phải những ca “lời một nơi, nhạc một nẻo”, mọi người chỉ có thể đóng chặt cửa.
Ngày nay, trên mạng xã hội, không ít bạn trẻ bày tỏ nỗi niềm bị hàng xóm làm phiền bởi những liên khúc bất tận, như “vùng lá me bay bay từ trưa tới giờ vẫn chưa hết lá”, hay “đắp hoài vẫn chưa hết cuộc tình”... Dưới những bài đăng là hàng loạt các bình luận than thở, bức xúc của khá nhiều người. Điều đó cho thấy, karaoke tự phát đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của riêng ai.
Câu hát vui bỗng hóa “buồn”
Nhắc đến karaoke di động, ông M. (ở huyện Tuy Phước) lại thở dài. Trong những ngày Tết đang cận kề, ông lại phải khăn gói vào bệnh viện chăm con trai. Giữa tháng 11.2023, nhân lúc nhà có giỗ, con trai ông cùng anh em họ tụ tập nhậu nhẹt, hát hò. Vì bị em họ giật micro, chen lời trong lúc đang hát cao trào, hai anh em đã xảy ra ẩu đả. Trong lúc nóng giận và say xỉn, cả hai lao vào đánh nhau. Hậu quả con trai ông M. bị rách ở mắt và giảm thị lực, còn em họ thì phải may nhiều mũi trên đầu.
“Gia đình không thể ngờ chỉ vì lý do rất nhỏ mà lại gây ra hậu quả như thế này. Họ hàng sau này khó mà nhìn mặt nhau”, ông M. nói.
Đầu tháng 9.2023, nhân dịp nghỉ lễ, một nhóm thanh niên (đều ở TP Quy Nhơn) thuê loa kẹo kéo để hát, trong đó có N. (19 tuổi) và K. (24 tuổi). Trong lúc K. đang hát, N. bất ngờ bấm chuyển bài để tới lượt mình. Tức giận vì đàn em không tôn trọng mình, K. cầm vỏ chai bia đánh mạnh vào sau gáy của N. Sau đó, cả hai lao vào đánh nhau túi bụi mặc cho bạn bè can ngăn. Sự việc trên khiến N. và K. phải nằm viện một thời gian dài vì những chấn thương ở đầu, tay và chân.
Không chỉ xích mích từ những người trong cuộc, những người từng là hàng xóm thân thiết cũng “trở mặt thành thù”. Điển hình là câu chuyện của ông M. và ông T. (cùng ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước). Đầu năm 2023, ông M. được con trai mua cho dàn loa karaoke để giải khuây. Từ đó trở đi, ông M. thường xuyên bật nhạc to, thậm chí vào giờ nghỉ trưa. Vì gia đình có con gái mới sinh đang ở cữ cần yên tĩnh, ông T. đã lời qua tiếng lại với ông M. Chẳng ai chịu ai, nhân lúc ông M. ở sau nhà, ông T. sang nhà tạt nước để phá hỏng dàn loa. Xót của, ông M. lao vào đánh nhau với ông T. Hậu quả, ông M. bị gãy tay và mích xương bàn chân, riêng ông T. thì bị gãy sống mũi. Sự việc trên khiến cả xóm xôn xao.
Hiện trường vụ hỗn chiến do hát karaoke gây ồn ào, làm một người tử vong tại huyện Tuy Phước. Ảnh: Cơ quan CA cung cấp
Theo các tổ hòa giải, việc hát karaoke gây ồn ào là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sứt mẻ tình làng nghĩa xóm. Có trường hợp, các hòa giải viên trong lúc hòa giải phải chịu vạ lây, chỉ vì hai bên không ai nhường nhịn ai.
Ông Nguyễn Chí Dũng, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Tri Thiện (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) cho biết: “Đa phần các mâu thuẫn nảy sinh đều là giọt nước tràn ly. Chính vì âm thầm chịu đựng lâu ngày nên khi mâu thuẫn bùng phát, mọi người thường giải quyết bằng bạo lực, thậm chí còn trút giận lên hòa giải viên. Chưa kể, những lúc say, mọi người thường không kiểm soát được hành vi”.
Không được xem nhẹ
Việc tiếp xúc với tiếng ồn lâu ngày có thể gây ra những hậu quả cho thính lực, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như mệt mỏi, bực dọc. Cũng vì tiếng ồn karaoke, không ít người bị kích động, dẫn đến ẩu đả gây mất ANTT. Trong thực tế, có không ít vụ chém người gây thương tích, thậm chí giết người xuất phát từ mâu thuẫn do hát karaoke.
Thời gian qua, cả nước đã có khá nhiều vụ án thương tâm; người mất mạng, kẻ đi tù do mâu thuẫn từ việc hát karaoke. Tại tỉnh Bình Định, nặng nề nhất là vụ hỗn chiến giữa 2 gia đình làm một người tử vong ở huyện Tuy Phước vào năm 2021. Theo cáo trạng, gia đình ông Nguyễn Minh Thinh và ông Đặng Quang Hùng (cùng ở thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) là hàng xóm nhưng đã có mâu thuẫn từ trước.
Tối 28.3.2021, ông Hùng tổ chức ăn nhậu, hát hò cùng bạn. Ông Thinh tức giận vì tiếng karaoke gây ồn ào nên có lời qua tiếng lại với nhà ông Hùng. Sẵn hiềm khích từ trước, ông Hùng và nhóm bạn sang nhà ông Thinh gây sự. Không ai chịu ai, người nhà ông Thinh dùng hung khí gồm phảng, rựa, xẻng kéo sang nhà ông Hùng thách đố. Trong lúc nóng giận, ông Hùng gọi bạn đem hung khí đến đánh nhau với người nhà ông Thinh. Trong lúc rượt đuổi, ông Thinh bị ông Hùng chém nhiều nhát vào lưng và cổ, mất nhiều máu dẫn đến tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Theo luật gia Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh Bình Định), người dân khi gặp phải trường hợp hát karaoke gây ồn ào vượt mức thì có thể làm đơn khiếu nại hoặc báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Tuyệt đối không được sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Người dân có thể cung cấp video, hình ảnh làm căn cứ để lực lượng chức năng xử lý theo quy định.
NGUYỄN XUÂN
● Kỳ cuối: Sống văn minh, đúng pháp luật