“Hát cho nhau nghe” - hậu quả lớn từ thú vui nhỏ - Kỳ cuối: Sống văn minh, đúng pháp luật
Ca hát là nhu cầu giải trí bình thường của con người. Ðã là nhu cầu thì không thể cấm, mà cần phải có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của cộng đồng. Song, để chấm dứt được “karaoke bẩn”, ý thức của mỗi người đóng vai trò rất quan trọng.
Hướng tới lối hành xử văn minh
Mặc dù hát karaoke là hoạt động giải trí lành mạnh, thế nhưng sự kém ý thức của nhiều người đã biến hoạt động văn hóa trở nên vô văn hóa, xấu xí trong mắt người khác.
Ông L.H.L. (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) cho rằng: “Nhiều người sau khi bị nhắc nhở thì lớn tiếng dọa nạt, đôi lúc còn thách thức lực lượng chức năng. Chỉ nên trách những người thiếu ý thức, chứ không thể đổ lỗi cho ai khác. Để giảm thiểu tình trạng này, mọi người phải hợp tác, không thể chống chế, chỉ biết vui cho mình”.
Ăn nhậu, hát hò vô lối ở công viên đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn. Ảnh: N.DŨNG
Nhiều người tham gia cuộc vui thường không nghĩ tới hậu quả. Đến khi hậu quả xảy ra, họ mới hối hận, ăn năn về việc làm của mình. Ông L. (ở Tuy Phước) cũng là một trường hợp như thế. Nhìn lại bàn tay khuyết đi 2 ngón, ông L. không giấu được vẻ buồn rầu. Nhiều năm về trước, do xấu hổ vì bị hàng xóm nhắc nhở do hát karaoke suốt ngày, ông L. lấy dao định qua nhà hàng xóm “nói chuyện”. Không may, trong lúc gia đình can ngăn, con dao đã xén vào tay làm đứt gân tay, cắt đứt 2 ngón tay trái, khiến cho ông L. phải mang tật và bị thất nghiệp nhiều năm nay vì bàn tay không còn lành lặn.
“Thời gian dần trôi, tôi cũng đã nhận ra lỗi sai, nhưng có hối hận cũng muộn mất rồi. Tôi chỉ ước gì lúc đó bản thân mình chịu lắng nghe, kiểm soát được cơn giận thì đã không ra nông nỗi này”, ông L. kể.
Ông L. (ở huyện Tuy Phước) người phải mang tật ở tay, bị thất nghiệp nhiều năm nay trong một vụ việc có yếu tố karaoke. Ảnh: N.X
Trên thực tế, không chỉ hát hò cho vui, nhiều người còn mượn âm thanh để giải quyết “tư thù”, vô tình làm cho hàng xóm phải “chịu tra tấn” hết ngày này qua ngày khác.
Bà D. và bà K. (đều cùng ở huyện Tây Sơn) có mâu thuẫn với nhau xuất phát từ việc bà D. ghen tuông, nghi ngờ bà K. có tư tình với chồng mình. Ấm ức vì bị nghi oan, bà K. mỗi lần hát karaoke đều hướng loa về phía nhà bà D. để trút giận. Sự việc trên khiến cả xóm phải chịu khổ một thời gian dài, cho đến khi tổ hòa giải đến phân xử.
Việc giải quyết triệt để các mâu thuẫn từ trong nội bộ nhân dân là hết sức cần thiết. Hóa giải mâu thuẫn, tăng cường các hoạt động phong trào thắt chặt tình làng nghĩa xóm sẽ phần nào giảm thiểu tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Bên cạnh việc đảm bảo tình hình ANTT, chính quyền địa phương xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) đã phối hợp cùng với CA xã và các tổ hòa giải vận động nhân dân xây dựng khu dân cư văn minh, gia đình văn hóa. Một trong những tiêu chí để đánh giá là không có trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn do hát karaoke.
Theo ông Nguyễn Tiến Tuyển, thành viên tổ hòa giải thôn Tân Xuân (xã Cát Hanh), để người dân khi có mâu thuẫn chịu đứng ra giải quyết trong êm đẹp, tổ hòa giải đã nỗ lực rất nhiều. Vào những dịp tọa đàm, họp mặt, tổ hòa giải đã cố gắng để những gia đình có mâu thuẫn có dịp trò chuyện để hiểu nhau hơn. Năm 2021, xảy ra việc nhà ông X. cho rằng nhà ông B. thường hát karaoke ồn ào là để khoe mẽ. Hai bên đã cự cãi, suýt nữa đánh nhau. Tổ hòa giải nhận định sự việc trên bắt nguồn từ việc ông X. hiểu lầm nhà ông B. đã trộm gà của mình. Tổ hòa giải đã báo với CA xã kiểm tra, hóa giải hiềm nghi. Từ đó về sau, cả hai gia đình đã vui vẻ, hòa thuận trở lại.
“Để không còn những mâu thuẫn trong cộng đồng, mỗi người, mỗi nhà phải hướng tới lối sống văn minh. Không lạm dụng việc hát karaoke gây ồn ào là biểu hiện cụ thể của lối sống văn minh ấy”, ông Tuyển nói.
Những ngày giáp Tết, người dân tìm mua những dòng loa di động có công suất lớn để phục vụ ca hát. Ảnh: N.X
Cần xử lý kiên quyết
Trước sự phiền phức do tiếng ồn từ karaoke mang lại, có những quy định riêng đã được đưa ra để áp chế những người thiếu ý thức. Chị Lê Thị Bích Hiền, chủ nhà trọ tại phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) đã ra quy định cho những người thuê trọ tại đây không được tụ tập hát karaoke làm phiền người khác. Không những thế, chị còn vận động các chủ nhà trọ lân cận đồng tình với quy định này, nhờ đó mà khu trọ luôn được yên tĩnh, đảm bảo an ninh.
Hiện nay, nhiều cơ sở cho thuê trọ đã thêm điều kiện “không tụ tập hát karaoke gây ồn ào” vào trong hợp đồng cho thuê nhà. Dù đây là cách làm hiệu quả, nhưng cũng chỉ là cách giải quyết tạm thời, mang tính cục bộ.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã đặt ra quy định để hạn chế sự phiền toái do karaoke mang lại. Xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) là một trong những địa phương giới hạn thêm thời gian hát karaoke. Cụ thể, người dân không được hát karaoke vào khung giờ trưa từ 11 giờ đến 13 giờ, khung giờ tối từ 20 giờ trở đi. Những trường hợp như đám, tiệc, báo hỷ, báo hiếu... tổ chức hát hò trong khung giờ nói trên cần phải xin phép chính quyền cơ sở. Nếu có trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với CA xã xử lý. Với quy định chặt chẽ như thế, nhiều năm qua, trên địa bàn xã không có trường hợp mất ANTT do hát karaoke gây ra.
Ông Võ Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Khánh, cho biết: “Người dân sau một ngày đồng áng vất vả đều cần phải nghỉ ngơi. Chính quyền cũng đã lấy ý kiến nhân dân và nhận được sự đồng tình. Cùng với đó là xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, nhiều năm nay, trong khu dân cư chưa có trường hợp người dân phàn nàn, phản ánh về trường hợp hát karaoke gây ồn ào”.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nêu rõ: Vi phạm về tiếng ồn ở mức thấp nhất bị phạt từ 1 - 5 triệu đồng (đối với tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2dBA đến dưới 5dBA), mức xử phạt cao nhất có thể lên đến 160 - 320 triệu đồng (đối với tiếng ồn vượt ngưỡng 40dBA).
Nghị định 144/2021/NĐ-CP (quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC&CNCH; phòng, chống bạo lực gia đình) cũng quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung. Hành vi hát karaoke quá giờ quy định (từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau) là hành vi gây tiếng động lớn, ồn ào, làm huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng. Mức xử phạt cho vi phạm này là từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Tuy đã có hành lang pháp lý, nhưng việc xử lý vi phạm ở cấp xã, phường còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết địa phương đều thiếu thiết bị đo tiếng ồn. Chưa kể, một bộ phận người dân “lách luật” gây ồn ào vào những khung giờ khác hoặc khi có cơ quan chức năng đến thì chống chế bằng cách vặn nhỏ nhạc, gây khó khăn cho việc xử phạt. Để giảm thiểu được tình trạng này, đòi hỏi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng ở cơ sở cần tăng cường kiểm soát, xử phạt nghiêm minh để tăng tính răn đe hơn nữa.
Hiện nay, trào lưu sử dụng thiết bị phá sóng karaoke di động để ngăn hàng xóm hát karaoke gây ồn ào được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Nghị định 96/2014/NĐ-CP về điều kiện ANTT đối với kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động, nêu rõ: Việc mua bán cũng như sử dụng thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động (trong đó có thiết bị phá sóng karaoke không dây) là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể phải nộp phạt hành chính từ 2 - 50 triệu đồng và bị tịch thu thiết bị. Các đơn vị mua bán, kinh doanh mặt hàng này phải có sự cho phép của Bộ CA và Bộ Quốc phòng.
NGUYỄN XUÂN