Dự báo mới về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay
Trong năm nay, Ngân hàng UOB của Singapore duy trì dự báo tăng trưởng Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024, sát với mục tiêu chính thức của Chính phủ Việt Nam là 6,0 - 6,5%.
Ngày 30.1, Ngân hàng UOB (Singapore) công bố báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024. Theo đó, UOB dẫn dữ liệu do Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã tăng lên 6,72% so với cùng kỳ trong quý IV/2023.
Bất chấp một năm khó khăn, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,05% vào năm 2023.
Kết quả này vượt xa cuộc thăm dò của Bloomberg là 6% nhưng thấp hơn một chút so với dự đoán của UOB là 7%. Như vậy, bất chấp một năm khó khăn, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,05% vào năm 2023.
Trong năm tới, tình hình kinh tế dự báo vẫn còn nhiều thử thách và rủi ro. Tuy nhiên, triển vọng của Việt Nam được hỗ trợ từ sự phục hồi của ngành công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực cũng như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng phần lớn có lợi cho Việt Nam và các nước ASEAN khác.
Theo đó, UOB duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024, sát với mục tiêu chính thức của Chính phủ Việt Nam là 6 - 6,5%.
Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam được giữ ổn định ở mức 3,25% so với cùng kỳ năm 2023, đạt mục tiêu chính thức đề ra, so với mức 3,15% vào năm 2022. Đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam bắt đầu tăng tốc từ giữa năm 2023 lên khoảng 3%, dù được tính toán dựa trên mức giá cơ sở cao hơn nhiều vào năm 2022.
Tuy nhiên, UOB dự đoán áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, báo cáo này nêu dự báo CPI sẽ tiếp tục tăng ở mức 3,7% vào năm 2024, từ mức 3,25% vào năm 2023.
Theo UOB, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước tình trạng suy thoái kinh tế và những thách thức với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp nhanh chóng. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6.2023 khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,5%.
“Tuy nhiên, với tốc độ hoạt động kinh tế đang phục hồi và triển vọng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất hơn nữa đã giảm đi. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%”, báo cáo nhận định.
UOB nhận định, thay vì tiếp tục hạ lãi suất vì sẽ bị hạn chế bởi giới hạn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Một trong số đó là gia tăng sự chú trọng vào việc đưa tín dụng đến với người đi vay, tức là các biện pháp định lượng.
Một dấu hiệu nữa là việc sửa đổi gần đây của Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Luật sửa đổi tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, bao gồm các khoản vay không lãi suất và các khoản vay không cần thế chấp, từ đó có thể hướng tới các mục tiêu chính sách cụ thể cho phép hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và để triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn như các trường hợp rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.
“Điều này phản ánh cam kết và các phương tiện của Chính phủ trong việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp”, báo cáo của UOB nêu.
Theo Duy Quang (TPO)