Thành công với hoa cúc gốc Ðà Lạt
Áp dụng nhiều kỹ thuật chăm sóc cây trồng hiệu quả, ông Đinh Văn Ổn (SN 1971, ở thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) gắn bó với nghề trồng cúc gốc Đà Lạt hơn 30 năm qua. Trên khu vườn rộng hơn 3.000 m2, năm nay ông trồng hơn 1.000 chậu cúc, hiện đã xuất bán đi nhiều nơi được hơn phân nửa, dự kiến thu về 300 - 400 triệu đồng.
Ông Ổn chia sẻ: “Trồng cúc gốc Đà Lạt không khó, nhưng để có cây đẹp, đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng đòi hỏi nhiều công phu. Loại hoa này cần chú ý nhiều đến quy trình chăm sóc, bón phân đúng giai đoạn, quan tâm đến tất cả các yếu tố về thân, lá, hoa…; có như vậy cây mới ra búp, nở hoa đúng thời điểm, đạt năng suất. Thông thường, để có hoa bán Tết, tôi bắt đầu xuống giống từ giữa tháng 7 âm lịch”.
Vườn cúc của ông Đinh Văn Ổn thu hút nhiều khách hàng và thương lái đến tận vườn tham quan, đặt mua. Ảnh: ĐIỂM HỒ
Theo chia sẻ từ ông Ổn, đã có nhiều khách hàng và thương lái đặt mua từ giai đoạn trổ nụ, hiện trong vườn chỉ còn chừng vài trăm chậu để tiếp tục bán vào dịp cận Tết. Với chất lượng đạt, hoa ra đẹp, bắt mắt, vườn cúc nhà ông Ổn được khách hàng ở tỉnh thành khác như: Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh… ưa chuộng.
Để đạt được thành công như hiện nay, ông Đinh Văn Ổn từng lên tận vùng trồng hoa cúc ở Đà Lạt để học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Hiện nay, trước mỗi đợt xuống giống, ông liên hệ với nhà cung cấp để chọn giống rồi chia sẻ cho các hộ trong vùng cùng trồng. Bên cạnh đó, ông không ngừng cập nhật và học hỏi thêm kỹ thuật mới, nhiệt tình chia sẻ cho nhiều bà con nông dân, nhờ vậy mà nhiều vườn cúc lân cận cũng được đánh giá cao.
Ông Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng, cho biết: Vườn cúc của ông Đinh Văn Ổn là một trong những vườn nổi bật tại xã, được đánh giá cao, thu hút nhiều thương lái đến chọn mua và xuất bán đến nhiều địa phương, tỉnh thành khác dịp Tết. Ông Ổn là một trong những nông dân điển hình không ngừng cập nhật và áp dụng nhiều kỹ thuật chăm sóc cây trồng mới, hiệu quả cao.
ÐIỂM HỒ