MAI VÀNG BÌNH ÐỊNH ÐƯỢC CẤP CHỨNG NHẬN BẢO HỘ CHỈ DẪN ÐỊA LÝ:
Nâng giá trị thương hiệu, khẳng định chỗ đứng
Sản phẩm mai vàng Bình Ðịnh chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào ngày 25.1. Ðây là cơ hội để mai vàng Bình Ðịnh nâng tầm giá trị thương hiệu, khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, đã trả lời Báo Bình Ðịnh xung quanh vấn đề này.
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN
*Vì sao Sở KH&CN quyết định đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng Bình Định, thưa bà?
- Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình “Phát triển tài sản và trí tuệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh, nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Việc thực hiện thủ tục đăng ký, bảo hộ và xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý cho ít nhất 1 sản phẩm của tỉnh là một trong nhiều mục tiêu được đề cập trong chương trình.
Trên cơ sở đó, Sở KH&CN và các đơn vị chức năng trong tỉnh thực hiện rà soát, đánh giá các sản phẩm truyền thống hiện có trong tỉnh để làm cơ sở xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý. Mai vàng là sản phẩm cơ bản đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, đặc biệt về tính đặc thù, quy mô và danh tiếng, so với các sản phẩm cùng loại ở những địa phương khác trong cả nước.
Về quy mô và danh tiếng, mai vàng Bình Định được rất nhiều khách hàng trong cả nước ưa chuộng. Bình Định được mệnh danh là “vựa” mai vàng ở miền Trung, trong đó TX An Nhơn là “thủ phủ”. Trong khi đó, tính đặc trưng của mai vàng Bình Định thể hiện ở giống mai có yếu tố bản địa. Từ giống mai 5 cánh khai thác ở các vùng núi, người dân Bình Định sau đó đưa về trồng ở vườn rồi lai tạo phát triển ra 2 giống mai hiện nay, là mai giảo và cúc mai. Đó là lý do vì sao Sở KH&CN quyết định đăng ký với Bộ KH&CN để lập hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng. Đây là dự án nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do Bộ KH&CN quản lý; Sở KH&CN là cơ quan triển khai, với thời gian thực hiện trong 30 tháng.
* Để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mai vàng Bình Định phải đáp ứng những tiêu chí nào?
- Như tôi đã nói, một sản phẩm đặc trưng ở địa phương đăng ký thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý phải đảm bảo 3 yếu tố căn bản: Tính đặc thù, quy mô và danh tiếng. Trong 25 tháng triển khai, nhóm nghiên cứu phối hợp với chính quyền, đơn vị chức năng ở TX An Nhơn đã phân tích sâu về các điều kiện, như: Thổ nhưỡng, giống, thảm thực vật, khí hậu, đất trồng mai, phương pháp canh tác, chăm sóc mai của người dân địa phương và cả chất lượng sản phẩm, nhằm chứng minh mai vàng Bình Định có tính khác biệt so với mai trồng ở các địa phương khác. Kết quả nghiên cứu được Hội đồng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá rất cao!
Phương pháp canh tác của người trồng mai vàng Bình Định khác biệt hoàn toàn so với nhiều địa phương khác. Chẳng hạn, ở miền Nam, hoặc tỉnh Phú Yên, người dân trồng mai chủ yếu để chơi hoa. Cành, nhánh của cây mai để phát triển tự nhiên chứ không uốn, tạo dáng. Trong khi đó, mai vàng Bình Định được chủ nhà vườn chăm chút từ khi xuống giống và được các nghệ nhân “thổi hồn” vào bộ đế (gốc mai) đến dáng, thế (cành, nhánh). Để có được những cây mai ưng ý, người trồng mai vàng ở Bình Định đầu tư nhiều thời gian cho các công đoạn tưới, tạo dáng, chăm sóc...
Bình Định cũng là vùng có khí hậu khá khắc nghiệt, do vậy mai vàng Bình Định có sức sống rất mãnh liệt. Rõ thấy là da của cây mai Bình Định khá sần sùi chứ không trơn láng như mai trồng ở miền Nam. Ngoài nét độc đáo của gốc mai, các chi và nhánh của cây mai vàng Bình Định được tạo dáng, thế “tứ diện” (các cành mai quây tròn, xòe đều, kín theo chiều kim đồng hồ - PV). Hơn nữa, mỗi sản phẩm mai vàng Bình Định là một tác phẩm nghệ thuật, được người trồng đầu tư không chỉ công sức mà cả trí tuệ, nổi bật nhất là cây mai dáng trực và dáng long đã chinh phục người tiêu dùng…
Mai vàng Bình Định được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý là cơ hội tốt để người trồng mai trong tỉnh phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
* Lợi ích đem lại khi mai vàng Bình Định được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, thưa bà?
- Mai vàng Bình Định được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong phạm vi toàn tỉnh, chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả người trồng và cơ quan quản lý. Cụ thể, là bảo vệ tài sản trí tuệ cho người làm ra sản phẩm; đảm bảo độ tin cậy về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng cho người tiêu dùng. Từ đó, giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đem lại giá trị kinh tế cao so với các sản phẩm cùng loài nhưng chưa được đăng ký bảo hộ. Đây là cơ sở để tỉnh đầu tư, phát triển cây mai vàng theo chuỗi giá trị, gắn sản phẩm với vùng địa danh để phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng mai...
* Để khai thác, phát huy hiệu quả, giữ vững chỉ dẫn địa lý sản phẩm mai vàng sau bảo hộ, Sở KH&CN sẽ làm gì?
- Trước mắt, đơn vị sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho người trồng mai, trong đó ưu tiên ở TX An Nhơn - “thủ phủ mai vàng miền Trung”, để họ tiếp cận, khai thác chỉ dẫn địa lý hiệu quả. Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản, tài liệu, liên quan đến quản lý, sử dụng sản phẩm chỉ dẫn địa lý; quy trình kỹ thuật từ lựa chọn giống, chăm sóc, phương pháp, cách thức uốn thế, tạo dáng cho cây. Đẩy mạnh công tác quản lý, quảng bá và phát triển sản phẩm mai vàng, như: Xây dựng bộ nhận diện riêng cho sản phẩm (logo, đóng gói, tập huấn phương pháp kỹ thuật chăm sóc cây mai…).
* Cảm ơn bà!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)