Bảo tồn đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Những năm qua, tỉnh Bình Định có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước như đầm Trà Ổ, Đề Gi, Thị Nại. Nhưng thực tế, hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản tại các khu vực này còn một số tồn tại, bất cập. Để hướng tới sự phát triển bền vững tại các vùng đất ngập nước, ngoài cố gắng của các sở, ngành thì sự góp sức của chính quyền các địa phương và người dân là rất quan trọng.
Những tín hiệu tích cực
Đầu tháng 12.2023, Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) tiến hành điều tra thực địa tại khu vực đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ). Qua đó, đoàn khảo sát ghi nhận có 5 cá thể cò mỏ thìa tại khu vực đầm Trà Ổ. Đây là loài chim đặc hữu cho khu vực Đông Á, hiện được xếp hạng nguy cấp trong Danh lục đỏ của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cũng như Sách đỏ Việt Nam.
Được biết, cò mỏ thìa thường trú đông tại các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình; hằng năm số lượng chỉ dao động từ 50 - 80 cá thể. 5 cá thể cò mỏ thìa xuất hiện tại đầm Trà Ổ là ghi nhận chính thức đầu tiên về loài chim nguy cấp, quý, hiếm trú đông tại khu vực miền Trung. Ngoài ra, đoàn khảo sát còn ghi nhận thêm 2 loài chim quý hiếm khác có tên trong Danh lục đỏ IUCN cũng xuất hiện tại đầm Trà Ổ là te mào và choắt mỏ thẳng đuôi đen.
2 trong số 5 cá thể cò mò thìa (mỏ màu đen, đứng ở giữa) ghi nhận tại đầm Trà Ổ. Ảnh: LÊ MẠNH HÙNG
Theo TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), việc ghi nhận sự xuất hiện của cò mỏ thìa, te mào và choắt mỏ thẳng đuôi đen cho thấy khu vực đầm Trà Ổ có môi trường sống phù hợp với các loài chim nước. Đồng thời, đây là dấu hiệu tích cực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này; góp phần bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư.
Ngoài đầm Trà Ổ, trên địa bàn tỉnh còn 2 đầm lớn thuộc vùng đất ngập nước ven biển là đầm Đề Gi và Thị Nại. Thời gian qua, các sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại đây; nhất là bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Đặc biệt, tại khu vực đầm Thị Nại, việc bảo tồn và duy trì hệ thống rừng ngập mặn góp phần quan trọng trong chống biến đổi khí hậu; chống xâm thực của thủy triều. Ngoài ra, điều này cũng tạo cảnh quan sinh thái, môi trường lý tưởng cho các loài chim trú ngụ, sinh sống; góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian gần đây.
Việc bảo tồn và duy trì hệ thống rừng ngập mặn tại đầm Thị Nại góp phần tạo cảnh quan sinh thái, thúc đẩy phát triển du lịch. Ảnh: V.L
Cần tiếp tục nỗ lực
Theo ông Nguyễn Việt Cường, tỉnh Bình Định có các hệ sinh thái đất ngập nước đa dạng; nhất là các vùng đất ngập nước ven biển như đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ. Các khu vực này đã và đang đóng góp quan trọng vào hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. Ngoài ra, gần đây, hoạt động du lịch sinh thái tại đầm Đề Gi, Trà Ổ, Thị Nại cũng đang phát triển mạnh.
Tuy nhiên, tại các khu vực này vẫn còn không ít mối đe dọa đối với hệ sinh thái, nhất là hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản không đúng quy định. Ông Phan Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), xác nhận: Tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, xiếc máy thỉnh thoảng vẫn diễn ra tại đầm Trà Ổ. Ngoài ra, một số người dân địa phương còn sử dụng lưới bát quái để đánh bắt thủy sản trên đầm. Điều này ảnh hưởng xấu đến sự sinh sôi và phát triển của các loài cá, tôm, cua…
Lưới bát quái được một số người dân sống ven đầm Trà Ổ sử dụng đánh bắt cá. Ảnh: V.L
Còn ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cho biết: Nhiều người còn hành nghề xung điện để khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại. Các đối tượng này khi bị phát hiện thường phi tang tang vật hoặc bỏ trốn nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Thực trạng này đòi hỏi chính quyền các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong tuần tra, truy bắt, xử lý các trường hợp đánh bắt thủy sản trái quy định; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các tổ, nhóm cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực đầm Trà Ổ, Đề Gi, Thị Nại. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sống ven đầm chuyển đổi nghề; cam kết bảo vệ, đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững.
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, ngày 2.2 hằng năm được chọn là Ngày Đất ngập nước Thế giới; chủ đề năm nay là “Đất ngập nước và phúc lợi cho con người”. Chủ đề này cho thấy đất ngập nước đóng vai trò rất lớn và mang đến nhiều lợi ích cho con người.
Việc bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực đất ngập nước giúp phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Công tác này cần sự chung tay góp sức của các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương. Đặc biệt, mỗi người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển bền vững.
VĂN LỰC