Phát triển kinh tế hợp tác, HTX: Nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của các bộ, ngành và địa phương
(BĐ) - Sáng 2.2, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2024. Diễn đàn do Bộ KH&ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong nước. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì; đại diện một số sở, ngành tham dự.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng và các sở, ngành của tỉnh dự diễn đàn. Ảnh: T.SỸ
Với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong giai đoạn mới”, diễn đàn đã dành nhiều thời gian để các đại biểu đánh giá, trao đổi, thảo luận về tình hình đầu tư phát triển KTTT, HTX; công tác tổ chức triển khai và những tác động của các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với KTTT, HTX; những khó khăn, thách thức và cơ hội, giải pháp phát triển của HTX trong thời gian tới.
Tham luận và các ý kiến tại diễn đàn đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của KTTT, HTX đối với nền kinh tế của đất nước, khẳng định phát triển KTTT luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ KTTT, HTX đã được đưa vào cuộc sống, tạo động lực thúc đẩy KTTT, HTX phát triển. Đến nay, cả nước có khoảng 31.700 HTX, 158 Liên hiệp HTX và 73 nghìn tổ hợp tác, tăng 2.200 HTX so với năm 2022. Doanh thu bình quân năm 2023 đạt 3,592 tỷ đồng/HTX/năm. Riêng Bình Định có 251 HTXNN và HTX phi nông nghiệp với khoảng 276.723 thành viên. Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước, các HTX từng bước nâng cao năng lực quản trị, quản lý, điều hành đầu tư phát triển. Tổng doanh thu của các HTX trong năm 2023 đạt 863,52 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2022, lợi nhuận năm 2023 ước đạt 42,4 tỷ đồng, tăng 4,64 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo các đại biểu, KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng các HTX trong phạm vi cả nước tiếp cận các chính sách của Nhà nước còn ít; nhiều chính sách hỗ trợ theo ngành, hoạt động, dịch vụ cụ thể của HTX nhưng quá trình triển khai chưa thực sự đúng đối tượng. Năng lực và kinh nghiệm của bộ máy quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ cho các HTX chưa đáp ứng yêu cầu; quy mô HTX còn nhỏ, năng lực của các HTX hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng đến quả hoạt động của KTTT, HTX. Từ đó, các đại biểu đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy KTTT, HTX phát triển; thống nhất về mô hình và phương thức hỗ trợ phát triển HTX; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhằm đổi mới tư duy trong hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; rà soát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách cho khu vực KTTT, HTX; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTT, HTX..
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân tích, đáng giá, ghi nhận đóng góp quan trọng của KTTT, HTX đối với nền kinh tế và chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong đầu tư, chỉ đạo, điều hành phát triển thành phần kinh tế nói trên.
Về nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX năm 2024 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương phải xác định, quán triệt đầu tư phát triển KTTT, HTX là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt. Trên tinh thần đó, sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật HTX năm 2023 và sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật HTX; tích cực hoàn thiện Chương trình tổng thể về phát triển KTTT giai đoạn 2026-2030 và ưu tiên nguồn lực đầu tư vào thành phần kinh tế này. Các HTX cũng phải chủ động chuyển đổi cả tư duy, nhận thức, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh; liên doanh liên kết, chủ động hội nhập, tăng hiệu quả đầu tư…
T.SỸ