Lê Ðại Cang - nhân cách bậc quốc sĩ
Danh nhân Lê Ðại Cang (1771 - 1847) là một trọng thần triều Nguyễn văn võ toàn tài, làm quan qua ba đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Từng làm đến chức Tổng đốc, song hoạn lộ của ông trải qua rất nhiều thăng trầm “ngọt, đắng, lo, vui đã nếm đủ mùi quan”. Khi làm quan to, lúc bị cách chức xuống làm lính khiêng võng, thậm chí còn bị án trảm giam hậu, ông vẫn giữ nhân cách của một bậc quốc sĩ.
Vị quan văn võ song toàn
Lê Đại Cang (còn gọi là Lê Đại Cương), tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, tiểu hiệu Thường Chánh thị, quê ở làng Phú Nhơn, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Tổ tiên ông gốc ở Nghệ An; thủy tổ là Lê Công Triều, một người từng làm quan hiển hách ở triều Lê, chú ruột là Lê Công Miễn (1739 -1800) - thầy dạy học của vua Thái Đức và Cảnh Thịnh triều Tây Sơn, làm quan đến Thượng thư bộ Hình triều Cảnh Thịnh.
Lê Đại Cang sinh ra và lớn lên ở Bình Định trong gia cảnh nghèo khổ, xã hội loạn lạc, ông không có điều kiện học hành quy củ, mà chỉ kiên trì tự học. Đến năm 16 tuổi, ông may mắn được thầy Nguyễn Tử Nghiễm và Đặng Đức Siêu là những bậc chân tài hết lòng truyền dạy. Năm 31 tuổi, ông giữ chức Tri huyện Tuy Viễn và từ đây có một cuộc đời hoạt động trên chính trường. Trong 40 năm làm quan (1802 - 1842), Lê Đại Cang từ chức quan Tri huyện Tuy Viễn đã đảm đương nhiều chức vụ khác nhau, như: Hiệp trấn Sơn Tây, Cai bạ Quảng Nam, Cai bạ Vĩnh Long, Tham tri Bộ hình, Quản lý nha đê chính Bắc Thành, quyền Tổng trấn Bắc thành, Binh bộ Thượng thư kiêm Đô sát viện, Hữu đô Ngự sử, Tổng đốc Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quan, Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình, Tổng đốc An Giang - Hà Tiên, Trấn tây Tham tán đại thần…
Trong suốt quãng đời làm quan, ông đã thực thi nhiệm vụ ở khắp ba miền đất nước trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là vị quan thanh liêm, văn võ song toàn, nhưng Lê Đại Cang đã trải qua nhiều bước thăng trầm, vinh quang và khổ nạn với 20 lần được thăng quan tước, 5 lần bị giáng chức, thậm chí cách chức xuống làm lính khiêng võng, nhận án “trảm giam hậu”. Nhưng dù ở cương vị gì, ông vẫn thể hiện một nhân cách phi phàm, thành công không đắc chí, sa cơ không nản lòng, luôn ung dung tự tại trong bất cứ hoàn cảnh nào để làm được những việc ích nước lợi dân.
Tại từ đường cụ Lê Đại Cang, con cháu Lê tộc còn lưu giữ rất nhiều sắc phong, tư liệu Hán Nôm rất có giá trị lịch sử, văn hóa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Mãi lưu danh hậu thế
Năm 1842, khi đã 72 tuổi, Lê Đại Cang cáo quan về quê. Ông khôi phục từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh, lập ra chùa Giác Am để tu tâm dưỡng tính và lấy hiệu là Giác Am cư sĩ; lập Văn chỉ Tuy Phước làm nơi tụ họp văn nhân chăm lo khuyến tài khuyến học ở quê hương. Chiếc đòn khiêng võng gắn bó với ông trong hai lần bị cách chức xuống làm lính khiêng võng được ông mang về để ở từ đường dòng họ, coi như một di vật răn dạy con cháu bền lòng vững chí vượt qua những bất trắc, vươn lên giữ trọn chữ trung hiếu với đất nước, với gia tộc.
Lê Đại Cang tự bạch về cuộc đời làm quan của mình trong Lê thị gia phả, như sau: “Vâng mệnh ra Bắc vào Nam, giong ruổi không ngừng. Phàm những nơi đã trải qua đều là những nơi phức tạp, bởi tôi không tính chuyện sắc bén hay cùn lụt, làm công việc mở đường, ngừa mong cho đời phán xét, miễn đừng để tai tiếng cho dòng họ, mặc dù con đường làm quan cay cực”.
Tại từ đường họ Lê ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong quan tước của Lê Đại Cang, cũng như lưu giữ một số câu đối được ông cho treo để thể hiện phương châm sống cao đẹp. Như câu đối: “Chỉ thành đạt u hiển thị hương thị nghi/ Tích thiện di tử tôn khả cừu khả đại” (tạm dịch: Lòng muốn thành đạt thấu cõi âm dương phải cúng tế nghiêm cẩn. Sống làm điều thiện để phúc cho con cháu thì phúc ấy rất lâu bền và to lớn); câu đối: “Kim ngọc phi bảo chỉ thiện vi bảo/ Hòa tắc tuy hinh minh đức dũ hinh” (tạm dịch: Vàng bạc không là của quý, chỉ có điều thiện mới là của quý. Lúa nếp tuy rất thơm, nhưng đức sáng của con người thơm hơn rất nhiều).
Các câu đối này có lẽ cũng chính là những điều tâm đắc của Lê Đại Cang muốn nhắn gửi thế hệ sau này của tộc họ, cũng như cách sống đối nhân xử thế của một vị quan văn võ toàn tài. Mảnh đất địa linh nhân kiệt Bình Định đã hun đúc và kết tinh nên những phẩm chất tốt đẹp trong con người Lê Đại Cang - một nhân cách lớn, một tấm gương sáng ngời làm quan tài giỏi và nhân đức của bậc quốc sĩ mãi mãi lưu danh hậu thế.
Sáng 4.2 (nhằm 25 tháng Chạp năm Quý Mão), Sở VH&TT sẽ tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích mộ Lê Đại Cang. Sau hơn 5 tháng thi công, công trình cơ bản hoàn thành các hạng mục theo thiết kế được duyệt, gồm: Mộ cụ Lê Đại Cang; mộ bà Đệ nhất phu nhân Phạm Thị Đoan; mộ Đệ nhị phu nhân Quận chúa Ngọc Phiên; hương án và am thờ; tường rào, cổng ngõ; nhà vệ sinh giả sơn; sân đường nội bộ; bãi đậu xe; cảnh quan, cây xanh; bia di tích; kè chắn đất; hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước... với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng, góp phần tri ân tiền nhân, phát huy giá trị di tích gắn phát triển du lịch văn hóa ở địa phương.
Tối 3.2 (nhằm ngày 24 tháng Chạp), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sẽ biểu diễn vở tuồng Quan khiêng võng kể về cuộc đời Lê Đại Cang phục vụ nhân dân tại Di tích mộ của ông.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN