Ðại sứ yêu thương của trẻ vùng cao
Bà Phạm Thị Thanh Bình (SN 1959), Trưởng Văn phòng công chứng Thanh Bình (TP Quy Nhơn) được mệnh danh là đại sứ yêu thương của trẻ vùng biên giới phía Bắc Tổ quốc. Trên chiếc xe lăn là bạn đồng hành, 10 năm nay, bà miệt mài trao áo ấm, góp phần sưởi ấm tuổi thơ cho các em nhỏ khó khăn nơi đây.
Mang hơi ấm đến trẻ em vùng cao
Gần 10 năm nay, bà Phạm Thị Thanh Bình đều đặn mang yêu thương đến trẻ em vùng núi, vùng biên giới phía Bắc. Năm 2023, bà trao tận tay 1.700 chiếc áo ấm và trong gần 10 năm bà đã trao khoảng 20.000 chiếc áo ấm cho các em ở đây. Ngoài ra bà còn đang nhận đỡ đầu 13 em nhỏ mồ côi.
● Thưa, lý do nào mà bà mong muốn trao áo ấm cho các em vùng biên giới?
- Nhiều năm trước, tôi được bạn tôi rủ đi từ thiện ở Hà Giang. Trên đỉnh Tây Côn Lĩnh vô cùng giá rét. Tôi cảm giác như giá rét có thể cắt vào da thịt mình. Vậy mà nhiều cháu nhỏ ở đây chỉ mặc một chiếc áo mỏng và không có quần. Tôi gọi cháu vào để khoác cho cháu chiếc áo. Khi đó tôi cảm thấy như chính bản thân mình được ấm hơn. Và từ đó tôi quyết định sẽ trao áo ấm cho các cháu tại đây.
● Hành trình thiện nguyện ở vùng biên giới phía Bắc chắc là không ít khó khăn...
- Tôi không ngại bất kỳ hình thức đi nào nếu có thể đem áo ấm cho các cháu. Có năm khi xuống sân bay, các bạn trẻ của Quỹ Xây trường vùng cao đón tôi để cùng đi. Các bạn xây trường còn tôi tặng áo ấm. Có năm bộ đội biên phòng nơi tôi đến trao áo ấm sẽ giúp đỡ. Cũng có lúc tôi đi với người nhà để mong rằng người nhà tôi thêm yêu thương với đồng bào khó khăn. Có những con đường xe máy không đi được, tôi được người dân đưa đi bằng xe ngựa. Tôi cảm thấy rất thư thái và bình yên khi gặp gỡ và trò chuyện cùng mọi người nơi đây.
● Chắc hẳn những nơi bà đã đặt chân đến đều để lại nhiều kỷ niệm?
- Các tỉnh biên giới phía Bắc tôi đã đi gồm: Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang. Mỗi nơi đều để lại cho tôi nhiều kỷ niệm của tình yêu thương.
● Và bà không chỉ tặng áo ấm?
- Có nhiều thứ trên đời này thật tình cờ và yêu thương cũng vậy. Khi tôi đến một điểm trường, lúc này trường đang họp phụ huynh để quyên góp mỗi người 20.000 đồng nhằm lắp máy nước nóng cho các bé tắm. Lúc này tôi tài trợ 3 máy nước nóng năng lượng mặt trời. Điều đáng nói ở đây là khi tôi đi về, trong lúc cửa hàng tới lắp máy, các giáo viên kể về tôi. Nghe vậy, chủ cửa hàng không lấy lời, chỉ lấy tiền vốn của 3 chiếc máy nước nóng, đồng thời tặng thêm 1 máy nữa. Cho nên tôi nghĩ tình yêu thương rất dễ lan tỏa, bản thân mình cứ cho đi thì mọi người cũng sẽ như vậy, làm cho cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ thứ tôi trao đi nhiều nhất là năng lượng sống tích cực.
● Vậy cơ duyên nào giúp bà gặp gỡ các con đỡ đầu của mình?
- Có lần đi Điện Biên, lên đồn biên phòng, tôi thấy có rất nhiều trẻ con. Hỏi ra mới biết các cháu là trẻ mồ côi với nhiều hoàn cảnh. Đứa thì không may cha mẹ bị tai nạn qua đời, đứa thì bố mẹ tù tội vì buôn bán ma túy. Tất cả đều không có ai nương tựa nên bộ đội đưa về nuôi. Do vậy, tôi nhận đỡ đầu các cháu ở đồn biên phòng ở Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) và đồn biên phòng ở Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) với tất cả 13 bé.
● Trên hành trình đến với trẻ em ở các tỉnh biên giới phía Bắc, thứ bà trao đi có khi còn nhiều hơn những gì bà đã kể?
- Không rõ là tôi trao cho các cháu hay các cháu đã trao cho tôi động lực, nhưng chắc chắn ở những thời điểm nào đó chúng tôi đã vì nhau mà tốt hơn.
Sau những lần gặp gỡ, các chiến sĩ ở các đồn biên phòng bảo rằng: “Cảm ơn chị, chúng em đi xây dựng thế trận lòng dân, còn chị chính là người đã giữ vững thế trận cho lòng em”. Còn các cô giáo bám bản bảo: “Làm nghề giáo bám bản khổ lắm cô ơi. Để chồng để con cách đây 200 km, mình phải bám bản, bám dân, nhiều khi các bé không có ăn, cô giáo phải lấy lương cho bé ăn. Lắm lúc định bỏ việc về nhưng thấy cô đi xe lăn đến tận đây thì cháu không dám nghĩ tiêu cực nữa”.
Còn với tôi, những lúc mệt mỏi, áp lực, chỉ cần xem tin nhắn của bộ đội biên phòng gửi với nội dung “Cảm ơn chị, báo cáo chị các bé rất ngoan, khỏe, học giỏi”, tôi cảm thấy mình cũng có thêm động lực để phấn đấu. Hay như mới vừa rồi, tôi nhận được tin nhắn “Báo cáo chị, các con chăm ngoan học giỏi, các con đều được học sinh tiên tiến, trong đó có 3 con học sinh giỏi”. Đó là động lực, là niềm vui của tôi mỗi ngày.
Bà Phạm Thị Thanh Bình khoác chiếc áo ấm cho em nhỏ vùng cao. Ảnh: NVCC
Không ngừng học hỏi, không ngừng cống hiến
Năm lên 3, bà Phạm Thị Thanh Bình không may mắc mưa khi sốt. Từ đó, 2 chân của bà bị bại liệt. Từ một đứa trẻ bình thường thành đứa trẻ khiếm khuyết khiến bà phải nỗ lực gấp bội để vươn lên và hòa nhập.
● Được biết, bà quan niệm ở gần thì giúp lúc nào cũng được còn đối với người ở xa, đặc biệt là trẻ vùng cao phía Bắc nhiều thiệt thòi thì cần ưu tiên hơn. Thế tại Bình Định thì sao, thưa bà?
- Tôi đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh trong các đợt tặng quà cho thiếu nhi dịp Trung thu hoặc ngày 1.6, hoặc mỗi khi Hội có chương trình gì đó kêu gọi... Còn đối với các bệnh viện, khi tôi chăm chồng bị ốm, tôi thấy nhiều hoàn cảnh cấp cứu nhưng không có thân nhân cũng như không có tiền. Nếu như vậy bệnh viện cũng không dám dùng thuốc để điều trị, cấp cứu kịp thời. Nên tôi có nói với các bác sĩ là có trường hợp nào cần kíp như thế thì gọi tôi.
● Điều gì khiến bà chọn cách sống “cho đi” nhiều như thế?
- Tôi nghĩ đó là cách tôi trả ơn cuộc sống này. Hơn nữa, trái tim của người phụ nữ vốn rất dễ cảm động với những gì thiệt thòi, khó khăn. Cũng như tình cảm của người mẹ, con cái đứa nào khổ nhất thì cũng được người mẹ thương nhất. Thiên tính nữ là như thế.
● Còn với chuyên môn, theo bà điều này có bổ trợ gì đối với công việc thiện nguyện của mình...
- Tôi nghĩ nỗ lực học hỏi và cống hiến phải song hành. Nếu mong muốn cống hiến thật nhiều nhưng bản thân thiếu đi sự trau dồi, học hỏi thì cũng không có nội lực để cống hiến. Tôi là một trong những thành viên sáng lập của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Trong đấy có rất nhiều người giỏi và tôi học hỏi rất nhiều từ họ. Tôi học hỏi cả những bạn trẻ trong văn phòng công chứng của mình, đồng thời tạo cho các bạn điều kiện phát huy năng lực. Môi trường làm việc như vậy giúp mọi người gắn kết và phát triển tốt hơn, tạo được sự tin tưởng ở khách hàng. Đó là điều kiện để tôi có thể trao đi yêu thương nhiều hơn.
● Nói về việc học hỏi, ắt hẳn bà đã quyết tâm, nỗ lực rất nhiều...
- Ngày bé tôi thường oán trách mẹ tôi không chăm tôi tốt để tôi bị khuyết tật như vậy. Tôi rất buồn. Sách là người bạn dường như duy nhất nhưng khi đó tôi lại chưa biết chữ. Mẹ tôi hay mua sách để đến tối đọc cho tôi nghe. Nhưng có lúc mẹ tôi đi công tác 2 - 3 hôm mới về. Thế là tôi quyết tâm học chữ để đọc sách. Tôi đi học rất đúng tuổi. 6 tuổi học vỡ lòng, 7 tuổi vào lớp 1. Tôi bò đi học, bạn bè cũng dè bỉu rất nhiều. Lúc ấy, tôi quyết tâm học thật giỏi để được tôn trọng.
Trong quá trình đi học hay đi làm, dù chấp nhận hay không thì người khuyết tật cũng thiệt thòi hơn người bình thường rất nhiều. Ước muốn vươn lên để được tôn trọng trong tôi càng lớn. Bây giờ người ta không nghĩ đến tôi là người khuyết tật mà nghĩ đến năng lực, trình độ, cách sống của con người tôi. Đó là điều hạnh phúc của tôi.
● Sức khỏe không được tốt cộng với tuổi ngày càng nhiều, bà có bao giờ nghĩ sẽ dừng lại không?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi sẽ cố gắng đến với các cháu đến khi không còn đi nổi nữa. Nhưng tôi nghĩ khi tôi ngừng lại thì cũng sẽ có kế thừa. Tôi thì không có con nhưng 2 năm nay, khi đi trao áo ấm tôi đều đưa cháu gái của mình theo. Hy vọng cháu tôi cũng sẽ có trái tim yêu thương rộng mở và tiếp nối tôi.
● Xin cảm ơn bà!
THẢO KHUY (Thực hiện)