Neo một nét xuân
*Tản văn của NGUYỄN THỊ THANH
Quy Nhơn giáp tết. Phố phường ken chật tiếng nói cười. Giữa bức tranh xuân rực rỡ, roi rói tươi ta sẽ bắt gặp một đôi nét xưa cũ. Một đôi nét thôi nhưng được trau chuốt kỹ càng, giữa tươi mới thanh tân vẫn đủ khiến người ta háo hức mong chờ.
Đầu tiên phải kể đến những cây nêu đón Tết ở ven biển Quy Nhơn. Nếp xưa, hằng năm cứ đến ngày hăm ba tháng Chạp, nhà nhà sẽ trồng cây nêu đón Tết. Cây nêu được trồng đúng ngày nhân gian tiễn ông Công ông Táo về trời. Theo quan niệm xưa, vắng các ông trần gian sẽ không có thần linh canh giữ. Để giữ yên bình, nhà nhà sẽ trồng nêu để ngăn ma quỷ quấy nhiễu, đồng thời cầu mong cho một năm mới bình an, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc.
Nay, nhiều phong tục xưa dần biến mất trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, tục trồng nêu ăn Tết cũng ít nơi duy trì. Tuy nhiên, những năm gần đây, TP Quy Nhơn lại phục dựng thành công hình ảnh này. Ban đầu chỉ vài ba phường, đến nay không chỉ tất cả các phường cùng dự hội trồng nêu mà hội thi này còn thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách. Nắng gió miền Trung mang theo hơi biển mặn mòi càng làm cho hội thi thêm phần hào hứng. Những cây nêu phơi phới vươn mình trong nắng xuân, nhuốm mình trong gió biển tạo hình ảnh đầy sinh khí cho Quy Nhơn trong những ngày đầu năm.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Cùng cây nêu, hội đánh bài chòi dân gian là một nét độc đáo hiếm có. Là người Quy Nhơn hẳn ai cũng ít nhất một lần dự hội bài chòi. Xem và say mê đến quên cả thời gian là có thật. Chẳng thế mà có câu ca dao - “rủ nhau đi đánh bài chòi/ để cho con khóc đến lòi rún ra”.
Tôi cũng từng đi xem và từng bị cuốn theo những làn điệu. Hai bảy quân bài là hai bảy bài học, tình huống, cách xử lý… được các nghệ nhân khéo léo gửi gắm vào trong đó. Sự biến hóa linh hoạt của các anh hiệu, chị hiệu luôn khiến cho cuộc chơi hồi hộp và hấp dẫn. Thông điệp dạy dỗ gởi trong điệu bài chòi cũng khác bình thường. Chúng không giáo điều, cứng nhắc mà hòa trong lời ca tiếng nhạc, tạo sự vui vẻ hào hứng vì thế mà dễ đi vào lòng người rồi thấm vào tâm tưởng tự khi nào không hay. Có lẽ bài chòi hấp dẫn con người ta vì lẽ đó. Giữa xuân nồng tươi thắm, đánh bài chòi là một kiểu thư giãn mang lại sự thông tuệ. Sáng mùng Một Tết, đến với chợ Gò, phiên chợ đặc biệt của Bình Định bạn sẽ được hòa mình trong không khí xuân vui vẻ và say mê trong hội đánh bài chòi. Xuân của đất trời, xuân của lòng người hòa quyện tạo nên sự giao cảm như áo trời liền đường may tuyệt đẹp. Nếu không có điều kiện đi xa bạn vẫn có thể dự hội bài chòi giữa phố biển Quy Nhơn…
Đã về thăm Quy Nhơn - Bình Định, nếu chưa xem ít nhất một vài trích đoạn tuồng thì thật đáng tiếc. Tuồng là một bộ môn nghệ thuật có tính ước lệ rất cao. Có thể hình dung cùng chiếm giữ không gian, thời gian trên sân khấu như nhau nhưng lượng thông tin mà tuồng truyền tải lớn hơn nhiều bộ môn khác khá nhiều. Riêng với phần mặt của diễn viên ta đã có luôn một thế giới tính cách, phẩm chất khi phân tích đường nét hóa trang trên đó. Tôi thì thích nhất nhân vật mang mặt nạ màu đỏ, đại diện cho những con người bộc trực, dũng cảm, nghĩa khí. Tôi thích loại hình nghệ thuật tuồng bởi những quy ước chặt chẽ trong từng vai diễn. Chỉ riêng việc hoá trang khuôn mặt cũng đã thể hiện quan niệm sống, nhân sinh quan của người Việt một cách sâu sắc. Làn điệu tuồng đôi khi khiến người nghe phải chậm lại giữa cuộc sống ồn ào hối hả ngoài kia. Xem tuồng ngày xuân là ta tạm thời tách mình ra khỏi cái nhịp sống ồn ào đó để mà lắng lòng lại, tĩnh tâm lại, để nghe trong sâu thẳm trái tim mình những điều mà ta trân quý. Để kiểm nghiệm lại bản thân ta trong suốt những tháng ngày qua, ta đã sống thế nào. Đắm mình vào từng vở diễn để rồi tìm thấy trong trái tim ta những yêu thương cuộc đời vẫn lấp lánh giữa những mảng sáng tối của cuộc đời.
Tết bắt đầu từ ngày hội thi trồng nêu ăn Tết. Tết đến trong câu bài chòi tha thiết yêu thương. Tết đến trong âm hưởng lay động của điệu tuồng cổ, những trắng đỏ phận người. Đi giữa mùa xuân Quy Nhơn hối hả, dâng trào, nếu chịu khó để ý đến những nét xưa cũ bạn sẽ thấy thêm yêu cuộc đời này tha thiết; sẽ bắt đầu thấy muốn tự mình trở về với cội nguồn xa xưa. Và tôi gọi cách làm này của Quy Nhơn là neo một - vâng, tất cả đã giao hòa thành một, neo một nét xuân.