Ði Tết Thầy
*Tản văn của NGUYỄN TƯỜNG VĂN
Lệ xưa là “mùng một Tết cha, mùng ba Tết Thầy” nhưng năm ấy sau khi theo người nhà xuất hành trở về, lớp tôi cao hứng mới sáng mùng một đã chộn rộn rủ nhau đến nhà Thầy chúc Tết.
Hồi ấy tôi lên lớp Tư (tương đương lớp 2 bây giờ), chỉ mới nghĩ, đi - Tết - Thầy trong lòng đã dấy lên bao cảm giác lâng lâng, vui thích, hồi hộp rất khó tả. Phần do hiếu kỳ muốn biết được cảnh quan nhà Thầy, biết nơi ăn chốn ở hằng ngày, phần thì lần đầu tiên chúng tôi tự mình thực hiện một nghi thức lớn, xưa giờ vốn do người lớn dẫn dắt, xếp đặt. Ở vùng quê nghèo chúng tôi cuối những năm 50 của thế kỷ trước, phương tiện giao thông đi lại chủ yếu xe thổ mộ. Nhà nào được chiếc xe đạp thuộc loại khấm khá rồi. Khi người xà ích ghìm cương ngựa dừng lại trước cổng nhà Thầy cho lũ nhóc chúng tôi xuống xe, lồng ngực tôi bắt đầu như có trống đánh, vì sắp đối diện với người Thầy nghiêm nghị, mà hằng ngày chỉ nhìn thấy trên đường làng từ xa tôi đã đứng nghiêm ngả mũ cúi đầu chào, đợi Thầy đi qua mình mới đi tiếp. Đang ố rô xôn xao, tự nhiên đứa nào cũng lo chỉnh sửa áo quần, lấy lại bản mặt nghiêm trang.
Trường làng nơi chúng tôi học có lớp Năm thấp nhất, rồi lớp Tư lên lớp Ba thì hết bậc Sơ học (tức là lần lượt các lớp 1 - 2 - 3 như hiện nay). Bạn nào học lên bậc Tiểu học, gồm lớp Nhì, lớp Nhất (tức lớp 4 - 5 bây giờ) phải về trường xã cách mấy cây số. Xưa, Thầy dạy trường làng hưởng lương bằng mấy suất ruộng loại thượng đẳng điền do làng giao cho Thầy canh tác quanh năm, lấy hoa lợi chi tiêu. Từ sau hiệp định Genève 1954, dân làng hồi cư, con em mới đi học trở lại. Chiến tranh đã làm gián đoạn, phá vỡ việc học tập nên quê tôi mù chữ rất bộn. Tuy cùng lớp nhưng tuổi tác học trò chênh nhau khá xa, có khi cách biệt hơn kém nhau cả chục tuổi. Đi học lúc ấy để biết đọc biết viết, tính toán chút đỉnh hơn là cái lớp. Lớp Tư của tôi phần nhiều 7 - 8 tuổi nhưng cũng có nhiều anh lớn ầm tới 17 - 18 tuổi. Vì thế nhiều bạn vừa xong lớp Ba trường làng, tương đối biết đọc, biết viết, tính toán sơ thì nghỉ học, ở nhà tham gia việc đồng áng, trồng trọt chăn nuôi rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái. Tôi thuộc hạng nhỏ tuổi của lớp. Có gần trưa đói lũi, mồ hôi tháo ra mệt lả, Thầy cử chị bạn cùng lớp gần nhà… ẵm tôi về giao gia đình.
Tranh của họa sĩ MAI TRUNG THỨ
Trở lại chuyện đi Tết Thầy. Tôi vốn dĩ đã được cha “tập huấn” cho “mùng Ba tết Thầy” kỹ lưỡng lắm. Ông căn dặn khi đến nhà Thầy chào hỏi xong, hỏi mượn cái khay hay cái dĩa đặt cặp trà vào, lễ phép đứng vòng tay nhìn Thầy, thưa: “Năm cũ hết rồi bước qua năm mới, con xin dâng chút lễ mọn, kính chúc Thầy và gia quyến trong năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc”. Cha tập tôi nói đi nói lại nhiều lần đến gần giao thừa. Khi cao hứng cùng chúng bạn đi tết Thầy tôi làm đúng những điều cha dặn. Duy chỉ câu chúc, đối diện Thầy hồi hộp quá nên thưa lộn ngược: “Năm mới hết rồi bước qua năm cũ…!”, tự nhiên mọi người có mặt ở nhà Thầy cười ồ lên, tôi càng lúng ta lúng túng, đâm run khẳm. Thấy vậy Thầy đỡ lời ôn tồn hướng dẫn nói lại rồi ban cho tôi chiếc bánh thuẫn mừng xuân.
Trên đường về lòng tôi băn khoăn tự trách, tại sao mình học thuộc làu câu chúc Tết Thầy vậy mà phút đó lại đọc trật! Rồi nghĩ mông lung, không biết câu chúc của mình có làm Thầy xui xẻo không, cứ áy náy lo lắng mãi. Lại nữa, tôi nhỏ nên các bạn cùng đi đẩy tôi lên trước chúc đầu tiên, bảo: Mày nhỏ, lên chúc Tết Thầy trước. Tụi tao lớn, quà lỉnh kỉnh chúc sau. Vả chăng Thầy cũng thương mày hơn, rủi mệt còn được chị cùng lớp ẵm về nhà đấy chứ! Nghe cũng có lý, vì có đứa xách cả giỏ bánh, bạn thì cặp rượu, bạn cân nếp ký đường, có người còn khệ nệ cả quày chuối chín nặng trịch, lại cũng có trò nhà khá tết Thầy nguyên con gà cồ to tướng. Thế mà tôi lại là đứa chúc trật… May làm sao rồi thì mọi thứ cùng êm đẹp. Khi biết nỗi lòng tôi, vốn nghiêm nghị đến thế mà Thầy tôi bỗng cười ngất ngư, không còn một chút xa cách nào cả, nín được cười, Thầy cảm động ôm tôi vào lòng xoa đầu rất thương. Xin cho tôi được sai chính tả viết hoa chữ “thầy” vì một niềm yêu kính thiêng liêng.
Từ bấy đến giờ đã sáu mươi sáu năm có lẻ trôi qua. Thầy tôi đã thành người thiên cổ nhiều năm rồi. Trong số bạn học trường làng ngày ấy người còn kẻ mất, nhưng mỗi khi xuân về tết đến, có dịp ngồi cùng nhau chúng tôi vẫn rủ nhau đến thắp nhang tưởng nhớ Thầy, ôn lại chuyện xưa, dư vị tuổi hoa niên một thuở như vẫn hiện về vẹn nguyên trong tâm tưởng. Thật sự Thầy tôi như cha, còn chúng tôi như anh chị em một nhà, tất cả đều được Thầy yêu thương.