Góp sức gìn giữ tinh hoa võ cổ truyền Bình Ðịnh
Tiếp cận võ cổ truyền từ nhỏ, niềm đam mê đối với võ thuật lớn dần trong Nguyễn Duy Thịnh. Không chỉ học võ, anh còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, lan tỏa nét đẹp của võ cổ truyền, góp phần gìn giữ, bảo tồn tinh hoa của dân tộc.
Chàng trai trẻ Nguyễn Duy Thịnh (SN 1997, ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) đến với võ cổ truyền từ khi mới 11 tuổi. Khi đó, anh cùng chú đến võ đường của đại võ sư Trần Dần để luyện võ. Nhà cách làng võ An Vinh chỉ tròm trèm 2 cây số là điều kiện thuận lợi để Thịnh có cơ hội học hỏi và hun đúc tinh thần luyện võ ngay khi còn nhỏ.
Nguyễn Duy Thịnh biểu diễn bài quyền An Vinh. Ảnh: KIỀU VY
Năm 14 tuổi, anh cùng một số người bạn tiếp tục tầm sư học đạo tại võ đường của võ sư Văn Xuân Ngọc, được thầy truyền dạy toàn bộ những bài võ thuộc dòng võ An Vinh.
Duy Thịnh chia sẻ: “Từ việc giao lưu, học hỏi các thầy ở nhiều làng võ, tôi biết thêm nhiều nét đặc sắc của võ cổ truyền nên đã ghi chép lại để nhớ. Tôi được thầy dạy rằng học võ không chỉ đơn thuần là học những thế thủ, đòn công mà còn rèn luyện đạo đức làm người. Những bậc thầy đi trước đã nghĩ đến lớp hậu sinh mà truyền dạy lại, là người được sinh ra và lớn lên ở cái nôi của võ cổ truyền, tôi muốn góp phần giữ gìn di sản văn hóa đặc biệt này”.
Nguyễn Duy Thịnh đi sâu nghiên cứu về võ cổ truyền bằng những việc làm cụ thể như: Sưu tầm hơn 500 bài thiệu, khẩu quyết các bài quyền và binh khí võ cổ truyền; chép lại những bài võ của làng võ nổi tiếng An Vinh, An Thái, Thuận Truyền, võ phái chùa Long Phước…
Năm 2021, thời điểm đang là sinh viên năm 3 Trường ĐH Quy Nhơn, Nguyễn Duy Thịnh dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu chuyên sâu, ghi chép và sáng tác thơ. Bài “Thơ vịnh thảo pháp võ cổ truyền” do anh sáng tác nhắc đến 50 bài võ cổ truyền Bình Định kèm lời giới thiệu đã gieo mối lương duyên giữa anh với Đại võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo - Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền tỉnh Lâm Đồng, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Thịnh kể: “Vô tình khi nghe đến câu thơ “Làm trai đứng giữa đất trời/ Hăng say luyện võ, rạng ngời núi sông/ Bình Định biết mấy võ công/ Tổ tiên truyền dạy theo dòng thời gian” mà tôi đã viết, đại võ sư đề nghị chứng minh đây là bài thơ do chính tôi sáng tác. Sau đó, bài thơ này được đưa vào cuốn sách “Tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam” do ông chủ biên.
Nguyễn Duy Thịnh tâm niệm, văn võ phải song hành, võ đi đôi với văn. Khi học một bài võ, anh sẽ tìm hiểu thêm những câu chuyện liên quan để biết vì sao ông cha ta lại tạo ra những thế võ như vậy. Đó chính là sự tinh dịu, nét độc đáo của võ cổ truyền Bình Định nói riêng và võ học Việt Nam nói chung. Sưu tầm một số lượng bài võ chỉ là việc nhỏ, mặc dù không thể bao quát tất cả những bài võ đang lưu truyền trong đời sống nhưng đó cũng là cách anh thể hiện lòng biết ơn đối với ông cha và mong muốn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Để quảng bá võ cổ truyền một cách sâu rộng, Nguyễn Duy Thịnh đã lập kênh Youtube với tài khoản “Di sản võ Việt” và kênh Facebook “Võ Tây Sơn”. Anh thường xuyên đăng tải những bài võ kèm theo diễn giải động tác, ý nghĩa bài thiệu để người xem cùng biết đến. Hiện tại, Thịnh đang cùng một người bạn mở lớp dạy võ cho thanh thiếu niên địa phương tại xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn.
KIỀU VY