Vùng đất định danh một phong cách nghệ thuật
Dù rằng thư tịch cổ và bi ký đã nói đến sự sinh thành, tồn tại và phát triển của một vương quốc Champa vào cuối thế kỷ thứ II, nhưng những gì còn lại, đặc biệt là các di vật điêu khắc Champa mà ta đã biết, chỉ mới giúp hình dung một đoạn từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVI. Trên cung đường nghệ thuật dài gần ngàn năm ấy, có một chặng được định danh là Bình Ðịnh.
Giai đoạn thế kỷ XI - XV kinh đô Champa được chuyển về Vijaya, tức khu vực tỉnh Bình Định ngày nay. Với phong cách độc đáo, rực rỡ, giai đoạn sáng tạo này của nghệ thuật Champa được các nhà khoa học, nghiên cứu nghệ thuật Champa trong và ngoài nước sắp xếp, định danh đây là phong cách Bình Định hay còn gọi là phong cách tháp Mẫm.
Đài thờ tháp Mẫm - hiện vật thu được từ cuộc khai quật khảo cổ học năm 1934, đang trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tư liệu của N.T.Q
Giữa phong cách Trà Kiệu (Quảng Nam) với tháp Mẫm (Bình Định), có thể coi điêu khắc Chánh Lộ (Quảng Ngãi) là gạch nối. Sau phong cách Bình Định là phong cách điêu khắc cuối cùng- Pô Klaung Garai (Ninh Thuận).
Phế tích tháp Mẫm nằm trên một gò đồi thấp liền kề khu phế tích Thập Tháp và gần bờ thành Bắc thành Đồ Bàn, thuộc phường Nhơn Thành, TX An Nhơn. Năm 1934, khi làm đất canh tác trên đồi, tình cờ ông Hai Mắm, một nông dân địa phương phát hiện nhiều tượng đá trong lòng đất. Thông tin được báo lên chính quyền địa phương. Chỉ ít lâu sau, vào tháng 3 và 4.1934, các nhà khảo cổ học người Pháp tổ chức cuộc khai quật khảo cổ học lần đầu tiên tại gò tháp Mẫm. Từ hố khai quật hình chữ nhật, rộng khoảng 400 m2, các nhà khoa học đã thu được nhiều phù điêu, tượng thể hiện các vị thần Ấn Độ giáo như Siva, Prapalla, tượng Phật và đặc biệt là tượng tròn các con vật thần linh như chim Garuda, rắn Naga, sư tử, Makara, Gajasimha… cùng các bệ thờ điêu khắc trang trí đẹp.
Do những biến động xã hội, hầu hết các tác phẩm điêu khắc Champa Bình Định bị thất tán, hủy hoại, lãng quên theo thời gian. Đến đầu thế kỷ XX, những tác phẩm điêu khắc lần đầu được sưu tầm tập trung dưới sự chỉ đạo của Công sứ tỉnh Bình Định - Ch. Lemire, với khoảng 27 hiện vật đem về bảo quản trưng bày tại tòa công sứ. Với nhiều cuộc sưu tầm, thám sát, khai quật khảo cổ học tiếp đó, người ta đã thu được nhiều hiện vật với số lượng phong phú, giá trị mỹ thuật cao. Đặc biệt, năm 1934 cuộc khai quật tại gò tháp Mẫm (Nhơn Thành, An Nhơn) đã thu về một lượng lớn hiện vật có giá trị cao.
Trong số những hiện vật điêu khắc Champa tìm thấy ở Bình Định, nhiều tác phẩm có giá trị được chọn lọc đưa về trưng bày trong các bảo tàng ở Pháp, nhiều tác phẩm bị thất lạc trên đường vận chuyển. Trong tác phẩm Các đền đài Chàm ở tỉnh Bình Định, Ch. Lemire ghi nhận: “Tượng cuối cùng che vòm đã được mang sang Pháp năm 1886. Gần 80 tấn đá chạm dành cho Bảo tàng Lyon đã được tàu Mêkông chuyển về Pháp dưới sự coi sóc của tiến sĩ Maurice. Tàu Mêkông đã bị đắm tại Hồng Hải...”.
Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn - đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2017 - hiện vật thu được trong cuộc khai quật khảo cổ học phế tích tháp Mẫm vào năm 2011. Ảnh: NGUYỄN VIẾT TUẤN
Ngoài ra, 53 hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng; cùng với đó tác phẩm điêu khắc Champa Bình Định còn được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh (6 hiện vật), Bảo tàng Huế, Bảo tàng Lịch sử Hà Nội (7 hiện vật). Bảo tàng Quốc gia Băng Cốc (Thái Lan) hiện trưng bày 6 hiện vật Champa Bình Định, là quà của triều đình Huế tặng Hoàng gia Thái Lan.
Năm 2005, Bảo tàng Guimet- Paris (Pháp) tổ chức triển lãm sưu tập điêu khắc Champa đang được lưu giữ tại Pháp, sau đó xuất bản tập sách Những báu vật của nghệ thuật Việt Nam - Điêu khắc Champa thế kỷ X - XV. Trong đó, có hai tượng thờ của tháp Bánh Ít, Bình Định: tượng Shiva và tượng Linga - Yoni. Tượng Shiva được Bảo tàng Guimet đánh giá là tượng đẹp và có giá trị nhất trong sưu tập này.
Tượng Shiva tìm thấy ở tháp Bánh Ít, được đánh giá là tượng đẹp và có giá trị rất cao, hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Guimet (Pháp). Tư liệu của N.T.Q
Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Guimet, tượng Shiva nguyên được thờ trong lòng tháp chính của cụm tháp Bánh Ít, là tặng phẩm của ông Eugène Navelle - Công sứ Pháp tại tỉnh Bình Định. Năm 1885, tượng được đưa về Bảo tàng Louvre một thời gian rồi chuyển đến Bảo tàng Trocadero và sau đó chuyển về Bảo tàng Guimet lưu giữ đến nay. Tượng Linga - Yoni chế tác bằng vàng và bạc, theo tài liệu lưu trữ ở Bảo tàng, đây là hiện vật mà Bảo tàng Guimet mua được, tượng được tìm thấy ở chân đồi khu tháp Bánh Ít...
Những năm gần đây, các cuộc khai quật khảo cổ tại các phế tích, di tích đền tháp trên địa bàn tỉnh Bình Định đã phát hiện thêm khá nhiều hiện vật điêu khắc Champa. Đáng chú ý là hai đợt khai quật khảo cổ khu di tích tháp Dương Long, mỗi đợt đã làm xuất lộ hàng trăm hiện vật điêu khắc, rất nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
NGUYỄN THANH QUANG