Ðánh bóng lư đồng - người nay lưu giữ nét xưa
Giáp tết Nguyên đán cũng là thời điểm vào mùa dịch vụ đánh bóng lư đồng. Và dù là để kiếm thêm thu nhập thì những người làm công việc này cũng để vào đó nhiều tình cảm, bởi họ xem đây còn là một nét đẹp truyền thống mỗi dịp tết đến xuân về.
Ngoài công việc chính là chạy xe ôm, gần 10 năm nay, mỗi dịp Tết đến, ông Lê Trương Minh Hùng (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) lại bày biện máy móc, nhận vệ sinh, đánh bóng lư đồng. Năm nay, “cửa hàng” của ông đặt tại đường Hoàng Văn Thụ (đoạn gần Tịnh xá Bửu Minh).
Ông Hùng (phải) chăm chú đánh bóng các lư, đèn đồng của khách. Ảnh: N.D
Thuần thục đánh bóng chiếc lư đồng trên tay, ông Hùng cho hay, từ rằm tháng Chạp trở đi là khoảng thời gian đông khách nhất. Nhiều hôm, vì số lượng đồ thờ cúng cần vệ sinh nhiều, ông không kịp ăn trưa nhưng vẫn rất vui vì được cải thiện thu nhập.
“Tuy là việc làm thêm nhưng nhờ nghề này mùa Tết của gia đình tôi thêm đủ đầy. Song song với giá trị vật chất, tôi vẫn trân trọng nghề này bởi nó cất giữ ít nhiều nét văn hóa truyền thống dân tộc”, ông Hùng nói.
Tương tự ông Hùng, vợ chồng ông Lư Phước Hiền và bà Lê Thị Nữ (ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) cũng dành tình cảm đặc biệt cho công việc mùa vụ này. Vợ chồng ông bà làm tại địa chỉ 61B Nguyễn Du (TP Quy Nhơn) và nhận đơn từ khá sớm (tháng 11 dương lịch), kéo dài đến 25 - 27 tháng Chạp. Tiền công vệ sinh mỗi bộ lư đồng dao động từ 100 - 300 nghìn đồng, tùy vào kích cỡ và mức độ chi tiết của món đồ.
Ngoài làm cố định tại nhà, anh Nguyễn Ngọc Phúc (ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) còn đến tận nơi đánh bóng đồ đồng theo yêu cầu của khách. Ảnh: N.D
Quá nửa đời người quen với những máy mài, bùi nhùi, tro làm sạch, hai ông bà có lượng khách ổn định suốt nhiều năm. Bà Nữ chia sẻ: “Chồng tôi tự học và làm nghề từ 40 năm trước, sau đó hướng dẫn tôi cùng tham gia. Thế là chúng tôi đồng hành suốt chừng ấy năm, riết thành quen, không thấy mệt mà chỉ thấy vui! Một số anh chị từ khách hàng trở thành bạn bè thân thiết với cả hai vợ chồng”.
Gia đình 3 thế hệ nhà bà Trang cùng vệ sinh, bày biện, chuẩn bị đón Tết. Ảnh: D.L
Cùng con cháu lau dọn bàn thờ, lau từng món đồ đồng như lư, đèn, bà Nguyễn Thị Thùy Trang (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) cho hay, trong gia đình bà, việc vệ sinh bàn thờ diễn ra mỗi tháng hai lần. “Tôi quan niệm đồ thờ luôn thiêng liêng, thể hiện sự tôn trọng của con cháu với tổ tiên. Sau khi gửi chúng đi đánh bóng, mang về tôi cùng con cháu tiếp tục tự tay vệ sinh sạch sẽ để tăng tuổi thọ sử dụng, nhờ đó gian thờ cúng trong nhà dịp Tết được chỉn chu hơn”, bà Trang chia sẻ.
Vào những ngày giáp Tết, con cháu về đông đúc hơn, ngoài dọn dẹp gian thờ cúng, mọi người trong gia đình bà Trang thường cùng nhau làm tháp bánh, mâm ngũ quả. Nhờ vậy, gian thờ của nhà bà luôn trang trọng, ấm cúng; gia đình cũng nô nức tiếng cười.
DƯƠNG LINH - NGUYỄN DŨNG